Tài chính - Ngân hàngThị trường

Chiến lược đầu tư theo chu kỳ kinh tế

Bất cứ nền kinh tế nào cũng đều trải qua chu kỳ tăng trưởng, bùng nổ, giảm tốc, trì trệ và rồi lại phục hồi. Việc lựa chọn đầu tư trong mỗi giai đoạn theo xu hướng ấy là rất quan trọng. Tuy nhiên có những thời điểm không nên làm gì cả cũng quan trọng không kém.

Thị trường chứng khoán được xem là phong vũ biểu của nền kinh tế, vì vậy khi nền kinh tế tăng trưởng mạnh và lạm phát yếu thì nên đẩy mạnh mua cổ phiếu.

Với mặt bằng lãi suất ổn định ở mức thấp sẽ tăng tính hấp dẫn của các loại tài sản như cổ phiếu so với các kênh đầu tư khác, trong khi cá nhân cũng có thể đẩy mạnh vay tiền đầu tư vào thị trường cổ phiếu do lãi suất cho vay margin giai đoạn này cũng ở mức thấp theo xu hướng chung, từ đó có thể giúp đẩy giá cổ phiếu lên cao hơn.

Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế và lạm phát đều yếu thì mua trái phiếu được khuyến khích nhiều hơn thay vì cổ phiếu. Vì lạm phát yếu có thể dẫn đến xu hướng lãi suất giảm trong dài hạn và giá trái phiếu sẽ tăng, do đó nếu nhận thấy xu hướng lạm phát tiếp tục yếu đi trong tương lai thì đầu tư vào trái phiếu sẽ có lợi nhiều hơn.

Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế yếu sẽ khiến việc kinh doanh của doanh nghiệp trì trệ, nên cổ phiếu không còn hấp dẫn. Để đối phó với tình trạng tăng trưởng kinh tế yếu, chính phủ có thể phải mở rộng chính sách tài khóa hoặc nới lỏng tiền tệ để kích thích nền kinh tế. Dù là lựa chọn nào thì cũng sẽ phải duy trì mặt bằng lãi suất ở mức thấp và do đó luôn có lợi cho trái phiếu.

Ngược lại, khi lạm phát và tăng trưởng kinh tế đều mạnh, việc mua hàng hóa, bao gồm nguyên vật liệu thô, nhiên liệu hay các tài sản như vàng cần được ưu tiên. Vì nền kinh tế tăng trưởng mạnh sẽ cần đầu vào nhiều hơn cho sản xuất, do đó nhu cầu nguyên vật liệu sẽ tăng, giúp giá các tài sản này tăng lên. Lạm phát cao cũng giúp tăng giá hàng hóa vì đây là tài sản hữu hình, giá trị của chúng sẽ tăng lên khi giá trị của tiền giấy giảm đi.

Điều cần lưu ý là nên đầu tư vào một giỏ gồm nhiều loại hàng hóa nhằm đa dạng hóa danh mục và giảm thiểu rủi ro. Tuy nhiên, nếu đầu tư vào thị trường cổ phiếu trong giai đoạn này thì nên chọn cổ phiếu của các công ty sản xuất nguyên vật liệu, như thép, khai thác dầu, khoáng sản, khai thác vàng với kỳ vọng lợi nhuận của các công ty này sẽ tăng khi giá hàng hóa lên cao. Hoặc có thể đầu tư vào đồng tiền của những quốc gia giàu tài nguyên thiên nhiên và mạnh về khai thác, cung cấp hàng hóa, như đồng đô la của Úc (AUD) chẳng hạn.

Nhưng hiếm khi xảy ra một thời kỳ dài mà tăng trưởng và lạm phát đều ở mức cao, vì khi lạm phát cao, chính phủ sẽ tăng lãi suất để kéo lạm phát xuống, và nếu lãi suất cao được duy trì lâu thì sẽ tác động xấu đến tăng trưởng kinh tế và kéo lùi tăng trưởng kinh tế trở lại. Cũng cần lưu ý là hầu hết các hàng hóa trên thế giới đều được định giá theo USD, do đó nếu xu hướng USD lên giá thì giá hàng hóa trên thị trường thế giới sẽ chịu áp lực giảm.

Trong bối cảnh kinh tế xấu nhất là khi lạm phát mạnh và tăng trưởng kinh tế yếu, thì hầu như không có loại tài sản nào đem lại lợi nhuận. Đây là tình trạng lạm phát cao cộng với sự đình trệ trong nền kinh tế, hay còn gọi là lạm phát đình đốn, theo đó tiền tệ mất giá, thất nghiệp cao, nhu cầu tiêu dùng giảm sút ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế, khiến lợi nhuận của các doanh nghiệp ngày càng teo tóp.

Chưa có chính sách tối ưu nào giúp chính phủ có thể áp dụng một cách dễ dàng để đối phó với loại lạm phát đình trệ này. Vấn đề với hiện tượng lạm phát đình trệ đó là chính phủ không biết nên thúc đẩy kinh tế phát triển hơn hay ngăn nó chậm lại. Cố gắng tạo thêm việc làm sẽ dẫn đến nguy cơ lạm phát thậm chí còn cao hơn, còn nếu ra sức giải quyết vấn đề lạm phát thì chỉ làm cho tình trạng việc làm thêm tồi tệ. Vì vậy, không có tài sản nào được hưởng lợi trong bối cảnh này.

GIA LÊ

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Để lại một bình luận

Close