Trung Quốc trước nay vẫn nổi tiếng về giá nhân công thấp. Nhưng điều này đang có dấu hiệu thay đổi, khi startup Trung Quốc ByteDance – công ty sở hữu ứng dụng tin tức Toutio – chuyển sang thực hiện chiến lược trả lương nhân viên cao nhất trên thị trường. Và cho đến nay, chiến lược này đã tạo ra giá trị hàng tỷ USD.
Được sáng lập bởi doanh nhân Zhang Yiming (34 tuổi), Công ty Beijing ByteDance Technology trở nên thành danh nhờ ứng dụng di động Jinri Toutiao, chuyên tổng hợp tin tức và video từ hàng trăm kênh truyền thông. Trong 5 năm, Toutiao đã trở thành một trong những ứng dụng tin tức phổ biến nhất thế giới, với 120 triệu người dùng hàng ngày.
Toutiao dự báo doanh thu 2,5 tỷ USD trong năm nay, phần lớn là từ quảng cáo. Theo một nguồn tin của Bloomberg, mức định giá gần đây của ByteDance là hơn 20 tỷ USD, tương đương với Công ty khám phá vũ trụ SpaceX của Elon Musk.
Ở Trung Quốc, ByteDance đang gây xôn xao vì chính sách tuyển dụng đặc biệt của mình. Công ty chuyên đi săn những nhân viên giỏi nhất từ Baidu và Tencent, đôi khi với mức lương cao hơn 50% và đi kèm việc tặng quyền mua cổ phiếu.
Zhang Yiming không hề ngần ngại tuyên bố với Bloomberg: “Triết lý của chúng tôi là phải trả lương cao nhất thị trường nhằm thu hút những người giỏi nhất. Khi muốn đạt được thành tích tốt nhất có thể, bạn cần có những tài năng tốt nhất”. Khi được hỏi rằng mức cao nhất của thị trường chính xác là bao nhiêu, Zhang đã trả lời khéo léo rằng: “Mức lương cho tài năng là không giới hạn”.
Tại ByteDance, những nhân viên có hiệu suất hàng đầu có thể kiếm được 1 triệu USD từ lương và thưởng mỗi năm, cộng thêm quyền mua cổ phiếu, theo nguồn tin của Bloomberg. Tổng thu nhập hằng năm của một nhân viên xuất sắc có thể vượt 3 triệu USD. Zhang từ chối bình luận về những con số cụ thể, nói rằng hầu hết nhân viên thích nhận cổ phiếu hơn tiền mặt.
Các nhân viên đang làm việc tại ByteDance. Nguồn: Bloomberg |
Rõ ràng, đây là một phần của cuộc chiến giành nhân tài trong các lĩnh vực hot nhất hiện nay. Một kỹ sư trí tuệ nhân tạo (AI) hiện nay thường có thu nhập tương đương 1 – 2 triệu USD, phần lớn là dưới dạng cổ phần. Một startup khác gần đây đã đồng ý sẵn sàng chi trả một gói thu nhập trị giá 30 triệu USD trong 4 năm nếu nhân viên đạt được một số mục tiêu nhất định, theo một nguồn tin am hiểu cho biết.
Đây cũng có thể là một dấu hiệu về bong bóng công nghệ ở Trung Quốc. Tổng dòng vốn từ các quỹ đầu tư mạo hiểm đã tăng 10 lần trong giai đoạn 2013 – 2016, lên khoảng 50 tỷ USD. Điều này thúc đẩy cuộc chiến giành tài năng và làm dấy lên những nghi ngại rằng lĩnh vực startup đang tăng trưởng quá nóng. Dù còn non trẻ, nhưng dịch vụ gọi xe Didi Chuxing, dịch vụ mua chung Meituan Dianping và Toutiao giờ đây nằm trong số các công ty tư nhân được định giá cao nhất thế giới.
Tuy nhiên, Toutiao cũng phải đối mặt với khá nhiều rủi ro. Không giống như các startup lớn khác ở Trung Quốc, ByteDance không liên minh với ai trong bộ ba công ty internet lớn nhất là Tencent, Baidu và Alibaba. Bây giờ, cả 3 ông lớn này đều đang có ý định cạnh tranh với Toutiao. Kirk Boodry – nhà phân tích của New Street Research, cho biết: “Trong lĩnh vực dịch vụ tổng hợp tin tức, có tới 5 – 6 ứng dụng khác nhau, vì vậy sự tăng trưởng của Toutiao sẽ chậm dần lại”.
Zhang không chấp nhận đứng yên. Một lý do khiến Zhang tuyển dụng rất mạnh là vì anh có kế hoạch đầy tham vọng để mở rộng, và hiện đang phát triển cả tá ứng dụng mới. Một trong số đó là phiên bản tiếng Anh của Toutiao dành cho thị trường nước ngoài. Tuy nhiên, các nhà đầu tư của ByteDance cũng đã lường đến những rủi ro. Neil Shen – Giám đốc điều hành của Sequoia Capital China (một nhà đầu tư của ByteDance), nói: “Họ cần tiếp tục phát triển”.
Trụ sở chính của ByteDance nằm trong một viện bảo tàng hàng không cũ ở Bắc Kinh, với mái nhà có thể thu vào. Tòa nhà này có không gian cực kỳ thoáng mát với chỉ 2 tầng lầu, đặc biệt tầng 2 có chiều cao 14,2 mét, gấp khoảng 4 lần chiều cao của một văn phòng điển hình.
Trụ sở của ByteDance ở Bắc Kinh. Nguồn: Bloomberg |
Trả lời phỏng vấn của Bloomberg với khả năng tiếng Anh chưa được hoàn hảo, nhưng Zhang Yiming rất tự tin và quyết đoán trong việc giải thích đường hướng phát triển của công ty mình.
Zhang sinh ra và lớn lên ở thành phố Long Nham thuộc tỉnh Phúc Kiến. Là con trai duy nhất của một công chức, Zhang theo học ngành điện tử và phần mềm tại Đại học Nam Khai ở Thiên Tân – một trong những đại học kỹ thuật hàng đầu Trung Quốc.
Zhang đã ý thức được sức mạnh của công nghệ từ rất sớm. Lúc còn là sinh viên, anh đã nhận sửa chữa máy tính cho các sinh viên khác, và giúp đỡ một cô bạn đang gặp rắc rối với máy tính. Cô gái này đã mời anh đi ăn tối, họ yêu nhau và sau đó kết hôn.
Sau khi tốt nghiệp, Zhang đã tham gia thành lập 4 công ty, bao gồm dịch vụ mạng xã hội kiểu Twitter đầu tiên của Trung Quốc, và trang web bất động sản 99Fang.com. Zhang cũng từng có một thời gian ngắn làm việc tại Microsoft Trung Quốc, nhưng nhanh chóng nghỉ việc vì cảm thấy nhàm chán.
Zhang nảy ra ý tưởng thành lập Toutiao khi nhận thấy sự thay đổi về hành vi của những người đi tàu điện ngầm. Trước đây, có nhiều người làm nghề bán báo trước cửa các ga tàu, nhưng rồi gần như tất cả bọn họ đã biến mất trong vòng vài tháng. Zhang nhận ra mọi người đã chuyển sang đọc tin tức trên điện thoại di động. Đồng thời, anh cũng biết rằng các lĩnh vực máy học (machine learning) và trí tuệ nhân tạo đang trên đà phát triển nhanh chóng.
“Tôi cứ tự hỏi, liệu có một cách phổ quát để tận dụng tất cả các tính năng này? Vì vậy, tôi rời bỏ công ty mình đã thành lâp trước đó và thành lập một công ty mới”, Zhang nói.
Zhang đã bắt đầu phát triển ứng dụng Toutiao vào năm 2012 và tung nó ra thị trường vào tháng 8 năm đó. Toutiao nhanh chóng trở nên phổ biến nhờ được thiết kế cho các thiết bị di động ngay từ đầu. Nó cho phép người dùng có thể tùy biến và chọn theo dõi thông tin về những người nổi tiếng như Lei Jun – người sáng lập Xiaomi – hoặc tạo một mục riêng cho các sở thích đặc biệt như thời trang hoặc thể thao. Điều khiến Toutiao trở nên khác biệt là nó học được những gì mỗi người dùng ưa thích và tự động điều chỉnh nội dung cho phù hợp.
Cô gái 23 tuổi Wang Qianwen ở thành phố Lan Châu, hiện đang là nhân viên tại một ngân hàng quốc doanh, thường xuyên sử dụng Toutiao để tìm kiếm tin tức tài chính và giải trí. Wang đọc tin về các cổ phiếu và ngoại tệ mà cô sở hữu, cũng như tìm hiểu về việc mở thẻ tín dụng. Wang nói: “Mỗi lần dùng, tôi lại đọc một vài bản tin một cách ngẫu nhiên trong một khoảng thời gian dưới 10 phút, và thấy Toutiao khá là tiện lợi”.
Toutiao cũng có các mẫu quảng cáo như Google và Facebook. Nếu người dùng tìm kiếm các tin tức về nhà hàng Ý hoặc ngôi sao K-Pop, các mẫu quảng cáo có liên quan sẽ xuất hiện cùng với kết quả tìm kiếm. Nếu họ theo dõi tin thời trang hoặc tài chính, các quảng cáo cũng sẽ xuất hiện cùng với dòng tin (newsfeed) trên Toutiao.
Tuy nhiên, chiến lược kinh doanh của Toutiao cũng gây ra nhiều tranh cãi. Toutiao chuyên lấy nội dung từ hàng trăm nguồn – báo chí, dịch vụ chia sẻ video và các website khác – và sau đó lưu trữ nội dung trên các máy chủ của chính nó, khiến cho mọi người thường không bao giờ truy cập vào trang web của nguồn tin gốc. Điều này đã dẫn đến nhiều vụ kiện về bản quyền từ các tờ báo ở các tỉnh Hồ Bắc và Giang Tây, cũng như các cổng tin tức điện tử như Sohu.com, với lập luận rằng Toutiao đã ăn cắp nội dung của họ.
Zhang cho biết những lời than phiền bắt đầu xuất hiện từ khi ByteDance gọi vốn thành công, khiến các công ty truyền thông bắt đầu đòi ByteDance phải trả tiền bản quyền nội dung. Zhang đã đáp lại bằng cách đàm phán với các đối tác truyền thông để chia sẻ doanh thu. Toutiao cũng tạo ra một nền tảng cho phép các cá nhân tạo nội dung cho ứng dụng này và được trả tiền cho công sức của họ.
Một trong những người hưởng lợi là anh chàng Cao Huan 24 tuổi từ tỉnh Quế Châu. Cách đây một năm, bố mẹ Cao Huan bắt anh giúp những người dân khác trong làng xây nhà. Bây giờ, các anh em nhà Cao Huan chuyên làm video ngắn 3 – 5 phút nói về cuộc sống ở nông thôn Trung Quốc, và cho biết rằng họ kiếm được tới 40.000 CNY mỗi tháng, chủ yếu từ Toutiao. “Tôi chắc chắn công việc kinh doanh này sẽ tiến triển tốt”, Cao nói.
Những nỗ lực như vậy đã không dập tắt tranh cãi. Tencent đã khởi kiện ByteDance vào mùa xuân này về vấn đề bản quyền. Các công ty truyền thông cho rằng Toutiao không có quyền sử dụng nội dung của họ trừ khi có thỏa thuận.
Liu Zhen – Phó chủ tịch về phát triển doanh nghiệp của ByteDance, cho biết: “Các vụ kiện gây phiền toái là một chiến thuật cạnh tranh rất phổ biến trong ngành của chúng tôi, nhưng chúng không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của chúng tôi”. Chính ByteDance cũng đã khởi kiện Tencent và các đối thủ khác.
Liu Zhen – Phó chủ tịch phát triển doanh nghiệp của ByteDance. Nguồn: Bloomberg |
Cuộc tranh cãi về Toutiao đã thu hút sự chú ý từ tờ báo có ảnh hưởng nhất của chính phủ Trung Quốc. Tuần trước, tờ Nhân dân Nhật báo đã đề cập đến Toutiao trong một chuỗi bài báo kêu gọi nên có khuôn khổ pháp lý tốt hơn để quản lý các dịch vụ tin tức.
Toutiao đã thành công với một chiến lược hoàn toàn trái ngược với hầu hết các tổ chức truyền thông. Nó dựa vào AI và máy học để tìm ra các bản tin hay, thay đổi định dạng của chúng và sau đó tùy chỉnh dòng tin tức của mỗi người dùng. Công ty thậm chí không có một biên tập viên nào. Zhang nói: “Chúng tôi tin vào công nghệ”.
Chiến lược này dường như đang phát huy tác dụng. Toutiao hiện có mức định giá gấp 2 lần chủ sở hữu tờ Wall Street Journal là tập đoàn News Corp, và gấp 7 lần so với tờ New York Times có 166 tuổi đời.
Nhưng liệu Zhang có thể bảo vệ mô hình kinh doanh của mình hay không lại là một vấn đề khác. Boodry cho rằng rủi ro thực sự của Toutiao đến từ sự cạnh tranh ngày càng tăng. Mức định giá cao ngất ngưởng của nó được xây dựng dựa trên tăng trưởng doanh thu nhanh, nhờ tăng trưởng số người dùng và doanh thu quảng cáo mạnh mẽ. Nhưng Boodry cho rằng đà tăng trưởng người dùng của Toutiao đang chậm lại và không gian quảng cáo không còn nhiều khả năng mở rộng.
Zhang Yiming cho biết công ty của mình đã luôn luôn phải đối mặt với cạnh tranh. Anh cho biết, đà tăng trưởng người dùng và doanh thu thực ra đã tăng tốc mạnh hơn trong năm nay.
“Chúng tôi đang làm nhiều thứ rất sáng tạo. Chúng tôi không phải là bản sao của một công ty Mỹ nào, cả về mặt sản phẩm lẫn công nghệ”, Zhang tuyên bố.
Thật vậy, ByteDance đang tìm cách tranh giành tài năng trong phân khúc cạnh tranh bậc nhất của thị trường nhân công toàn cầu. Theo Công ty Paysa, lương trong ngành AI tại Mỹ cũng đang tăng mạnh. Tại Mỹ, những người có bằng Tiến sĩ từ các chương trình nổi tiếng có thể nhận lương khởi điểm từ 400.000 USD, và các kỹ sư AI có kinh nghiệm thường nhận lương 7 con số, theo lời đồng sáng lập Nikhil Raj của Paysa.
Zhang không có ý định từ bỏ kế hoạch phát triển mạnh mẽ của mình, bất chấp những tranh cãi về chi phí lương bổng và cách thức kinh doanh. Khi được hỏi về việc một đối thủ cạnh tranh lo ngại rằng Toutiao đang cố gắng thuê 200 kỹ sư AI – một con số khổng lồ so với số lượng tài năng giới hạn, Zhang nói rằng điều đó không hoàn toàn đúng: “Có thể chúng tôi sẽ tuyển hơn 200”.