Vì có một thực tế hiển nhiên rằng, cuộc sống của mỗi người không thể chỉ hình thành nên từ các con số.
Benjamin Kheng, ca sĩ chính của nhóm nhạc Sam Willows.
Clip bài hát “Ordinary”, một trong ba bài hát chính thức của Sea Games 2015, lấy cảm hứng từ cuộc đời của Fandi Ahmad, cầu thủ bóng đá nổi tiếng của Singapore, khi anh vượt qua được những thất bại cũng như khó khăn đầu đời và nỗ lực vươn lên vị trí hiện tại như thế nào. Tuy nhiên, ít người biết được rằng, ca sỹ chính thể hiện bài hát này, Benjamin Kheng của nhóm Sam Willows, cũng từng ở trong hoàn cảnh tương tự với Fandi Ahmad.
Mãi đến gần đây, chỉ khi ủng hộ phong trào chia sẻ về thành tích kém cỏi trong học tập hồi nhỏ của mình để tạo động lực cho những đứa trẻ, bi kịch cá nhân và các trắc trở trong quá trình học tập của anh mới được nhiều người biết đến.
Thái độ ung nhọt lệ thuộc vào PSLE
Anh đăng tải trên Facebook câu chuyện của mình vào thứ Sáu tuần trước, chỉ một ngày sau khi kết quả thi tốt nghiệp tiểu học ở Singapore PSLE được công bố. Với đại đa số phụ huynh và học sinh ở đảo quốc này, điểm số của bài thi này cao hay thấp có thể quyết định số phận của một con người. Và Kheng muốn thay đổi điều đó.
“Hai ngày trước khi tôi bước vào kỳ thi PSLE, mẹ tôi mất vì bệnh ung thư. Hiệu trưởng ôm lấy tôi khi thức dậy, cùng với hàng dài các giáo viên ngồi bên cạnh tôi trong góc phòng và giám sát việc học của tôi. Nhưng bố tôi đã bảo họ đi đi.”
“Một tuần sau, tôi nhìn chằm chằm vào bài tập Toán mà không buồn cầm lấy bút chì. Tôi bị trượt kỳ thi PSLE khi điểm quá thấp, nhưng điều kỳ diệu là nhờ chương trình DSA của ACS (một hệ thống trường học khác cho các học sinh trượt PSLE) nên tôi vẫn được đến trường. Nhưng tôi chỉ đứng thứ hai từ dưới lên về thành tích học tập, khi tôi chỉ làm những thứ tào lao trong mọi môn học, chỉ trừ môn nào liên quan đến Nghệ thuật hay Văn học. Đứa trẻ tồi nhất trong lớp học tồi nhất.”
“Tôi chuyển trường, và dành nửa thập kỷ sau đó để đấu tranh chống lại một hệ thống mà tôi biết chắc rằng nó sẽ đánh què cái tâm hồn nghệ sĩ ở sâu thẳm trong tôi. Để rồi một ngày nào đó, một người phụ nữ tốt bụng sẽ thuê tôi nói/viết cho đài phát thanh.”
“Với mọi bậc phụ huynh đang chạy theo thành tích, tôi không tin được rằng những đứa con của bạn sẽ trở nên tốt nhất có thể, khi chúng đang ở trong một môi trường không có ích gì trong việc tăng điểm tín dụng.”
“Với mọi đứa trẻ đang sợ sệt con đường đến trường hay về nhà, cũng như ngạt thở chỉ vì 3 chữ số ngu ngốc kia, hãy nhớ rằng – thế giới yêu con. Con thực sự đáng yêu và con còn giá trị hơn như vậy.”
Ảnh Benjamin Kheng hồi nhỏ.
Cho đến nay, bài đăng của Kheng đã nhận được hơn 12.000 like và được chia sẻ hơn 1.800 lần trên Facebook.
Anh cho biết khi trả lời tờ The New Paper: “Tôi muốn giúp thay đổi thái độ ung nhọt lệ thuộc vào kết quả PSLE. Hy vọng nó có thể giúp một số đứa trẻ ngoài kia yên tâm với thực tế rằng, con đường đời còn nhiều điều đẹp đẽ hơn và trọn vẹn hơn những con số trên một tờ giấy.”
Anh cũng vui mừng khi thấy bài đăng của mình đã được lan truyền và tác động đến mọi người. “Tôi rất vui vì nó đã phát huy tác dụng, và mọi người đang được nó truyền cảm hứng và tác động. Sự lan truyền là một điều đẹp khi nó đi cùng một điều gì đó tốt lành. Hy vọng nó sẽ duy trì được con đường của mình.” Anh cho biết.
Nhưng Kheng không phải là người duy nhất tận dụng mạng xã hội để khích lệ các học sinh. Trước đó một ngày, một luật sư hình sự, Josephus Tan đã đăng tải một đoạn video ngắn lên Facebook để khích lệ các học sinh hãy học tập ông, “Uncle Joe”.
Trong đoạn video của mình, ông Tan cho biết: “Hãy thoải mái với bản thân, và đừng bao giờ bỏ cuộc, bởi vì việc học là một hành trình dài và giáo dục thực sự là việc khao khát có được kiến thức chứ không phải điểm số.” Đi kèm với thông điệp của mình, ông Tan cũng cho biết điểm số PSLE của ông là 183, thấp hơn ngưỡng 200 cần thiết để vào các trường tốt.
Những người thành đạt ở Singapore đang chia sẻ điểm số kém trước đây của mình.
Trong một bình luận của mình trên Facebook, bộ trưởng Bộ Phát triển Gia đình và Xã hội Singapore, Tan Chuan-Jin cũng kêu gọi tập trung hơn vào các nỗ lực, thay vì kết quả của bài thi.
Không có hệ thống nào hoàn hảo
Bộ trưởng Tan cho biết: “Tôi nghĩ nền tảng của chúng ta thực sự thiếu bền vững nếu PSLE trở thành yếu tố quyết định chính để con em chúng ta có một tương lai hạnh phúc. Không có hệ thống nào hoàn hảo cả. PSLE chỉ là một điểm dừng trên một hành trình dài. Chúng ta, những bậc cha mẹ đã hình thành nên kinh nghiệm bằng cách tiếp cận với nó và bằng cách thiết lập những kỳ vọng, chứ không chỉ điểm số.”
Nhà tâm lý học lâm sàng Carol Balhetchet cho biết rằng, sự căng thẳng của các kỳ thi có thể tốt, khi nó là một bài thực hành về áp lực.
“Sự căng thẳng có thể được tăng dần và theo từng liều lượng nhỏ, như trong các bài kiểm tra nhỏ hàng ngày. Một sự căng thẳng lành mạnh như vậy sẽ cho phép trẻ em phát triển một tinh thần tranh đấu.” Tiến sĩ Balhetchet, giám đốc cấp cao về dịch vụ trẻ thành niên trong Hội Trẻ em Singapore cho biết.
Nhưng bà cũng chỉ ra rằng, áp lực từ bài kiểm tra PSLE có thể gây hại thế nào đến quá trình khám phá bản thân của trẻ em. “Những đứa trẻ này mới chỉ tự khám phá bản thân và cần một môi trường tràn đầy tình yêu. Khi tình yêu là điều duy nhất mà các kết quả tốt mang lại, những đứa trẻ sẽ tự gây áp lực cho bản thân để đạt được điều đó.”
Bà cảnh báo rằng “sự kịch tính khổng lồ” của các kỳ thi có thể gây hại. “Chúng ta muốn trẻ em học được cách chấp nhận thất bại và rằng, đó không phải là kết thúc của thế giới. Rất nhiều thất bại hiện nay có liên quan đến việc trở nên kém thích nghi, nguyên nhân cho sự thù hận, giận dữ và tiêu cực.”
Kheng cho biết: “Ấn tượng từ kết quả thi PSLE trở nên rất sâu đậm. Cảm giác như có ai đó xăm kết quả thi lên trán của bạn – và bạn sẽ mãi mãi bị đo bởi nó trong học tập và thậm chí khi tiếp xúc xã hội.”
Kheng cảm thấy rằng, nếu có đủ người để giải quyết “bức tường” được dựng nên bởi kỳ vọng về PSLE, áp lực đặt lên học sinh sẽ không còn quá thảm khốc. “Dù chỉ là một viên gạch so với bức tường này, nhưng nếu chúng ta tiếp tục kể câu chuyện của mình và làm thay đổi nhận thức, bức tường kỳ vọng này sẽ sụp đổ.”
Trí Thức Trẻ