Quản trịTruyền thông

Copywriting cần âm thanh xèo xèo, từ đầu đến cuối

Những ai làm Copywriting hay Content writing đều luôn trăn trở “nát óc” làm sao để tạo ra được một sản phẩm độc đáo, cuốn hút khách hàng mà không đụng hàng. Vậy đâu là chìa khóa cho sự thành công của những bài quảng cáo đó?

Dưới đây là bài viết của anh Đức Sơn, Giám đốc điều hành Richard Moore Associates cho những ai hoạt động hay quan tâm đến công việc này.

Một đoạn quảng cáo ngắn như thế nào buộc người đọc dừng lại đọc, tiếp tục tìm hiểu thông tin và cân nhắc mua?

Sau đây là một số tiêu chí đánh giá quan trọng:

– Vẽ được hình ảnh cụ thể

– Nghe âm thanh “xèo xèo”

– Có số liệu chi tiết

– Đừng nói hết sự thật

– Dùng các động từ mạnh ở đoạn kết thúc.

Vẽ được hình ảnh cụ thể mới đọng được vào trí nhớ của người đọc. Đọc bằng hình ảnh là khó quên nhất. Một hình ảnh giá trị hơn ngàn lời nói.

Nghe âm thanh “xèo xèo” hàm ý ngôn ngữ viết nên có các từ tượng thanh. Mục đích là kích hoạt bán cầu não phải làm việc bằng cảm xúc. Cái gì liên quan đến cảm xúc thường dẫn đến hành động mà không cần biết đến sự logic.

Có số liệu chi tiết vì giúp cho đoạn copywriting trở nên đáng tin hơn, dễ nhớ hơn và dễ đi đến tìm hiểu hơn. “Khuyễn mãi mua 1 tặng 1 trong 365 ngày” ấn tượng hơn “mỗi ngày” đúng không nào?

Đừng nói hết sự thật để kích thích trí tò mò. Ai đã chơi trốn tìm đều biết rằng cuộc chơi chỉ hay khi chưa tìm ra người đi trốn. Copywriting mà nói toẹt hết chưa chắc đã gây chú ý.

Dùng động từ mạnh ở đoạn kết thúc là để kêu gọi hành động. Nhưng hãy cẩn thận kẻo bị phản ứng ngược nhé. Những kiểu như “mua ngay kẻo hết”, “click xem ngay”, “chuyển tiền và đăng ký ngay” … còn tuỳ vào loại hình sản phẩm là gì và vị thế thương hiệu như thế nào. Đối với một sản phẩm định vị cao cấp quảng cáo tần suất nhiều quá, thúc giục mua mạnh quá với những ngôn từ phổ thông quá sẽ có thể trở nên phản cảm trong con mắt khách hàng mục tiêu.

Tôi xin lấy ví dụ về đoạn viết quảng cáo nhưng nghe không phải là quảng cáo sau đây.

Tiêu đề: Ai bảo ĐL không có bánh đa cua?

Quán nhỏ bình dị, chỉ có 3 cái quạt phe phẩy, và ông chủ hiền lành ngồi bóc hành tỏi. Bên trong người vợ lúi húi rửa rau thật kỹ, và thằng nhóc phụ giúp mẹ làm bếp. Văng vẳng tiếng nhạc cải lương nhè nhẹ giữa cái nắng mùa thu Hà Nội.

Người ta bảo chẳng gì bằng yêu nghề, ngẫm mà đúng. Nhìn cái cách ông chủ thong thả gắp từng miếng chả, từng con tôm xếp ngay ngắn vào bát cho khách, trước khi chan muôi nước dùng ngọt lịm vào bát, giống như người nghệ nhân tỉ mẩn ngồi làm nên một tác phẩm nghệ thuật vậy. Dẫu cho người đàn ông ấy trông rất giản dị, giống như cái cách anh làm tô bánh đa cho khách vậy, không sặc sỡ, không màu mè, mà nhìn thấy ấm cái bụng lắm.

Hiếm khi nào mình ăn bát bánh đa mà vét đến miếng cuối cùng (ko chụp cái bát vì ăn hết nhẵn rồi), mà cái giá cũng bình dị lắm, 25k cho một bữa trưa đầy đặn, ấm lòng ng chiến sĩ. Và hãy nhìn cái slogan kìa, “Hương vị nguyên gốc”. Mình ko phải ng Hải Phòng, mà cũng đã được trải nghiệm ẩm thực HP nhiều, cái bát bánh đa này thực sự là Hải Phòng lắm, và còn ngon hơn nữa vì được ngồi ăn ngay giữa lòng Hà Nội xô bồ và tấp nập.

Một tấm biển mộc mạc, một cái tâm bình dị, và một lời hứa thương hiệu chân thành.

Có thể anh chưa đông khách, nhưng chắc chắn anh sẽ có nhiều khách hàng trung thành, những ng chỉ vô tình ăn một lần với sự chè chừng, và đứng dậy với nụ cười và cái bụng ấm. Để rồi quay lại mãi. Nếu có dịp ghé ĐL quê tớ, đừng quên ghé thăm anh bán bánh đa nhé. 25k để mua “Hương vị nguyên gốc” của Hải Phòng.

Thế đấy, có mùi, có vị, có âm thanh. Copywriting và Content writing hay phải đánh thức được âm thanh nào của các cơ quan giác quan.

Nguồn bài viết: NHQ

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Trả lời

Close