Công nghệThời đại số
Cuộc đua công nghệ trên di động tầm trung tại Việt Nam
Khi thiết kế bão hòa thì các tính năng là cuộc đua mới trong phân khúc trung cấp. Cuối cùng, người dùng sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ cuộc cạnh tranh giữa các thương hiệu.
Tương tự nhiều quốc gia đang phát triển, tại Việt Nam di động trung cấp là nhóm có mức tăng trưởng mạnh mẽ. Theo thống kê của Gartner trong năm 2015, có đến 85% người dùng tại thị trường châu Á và Thái Bình Dương đang có xu hướng mua smartphone trong phân khúc giá từ 5 đến 8 triệu đồng. Nhóm này tiếp tục tăng trưởng mạnh trong năm 2016 và chứng kiến sự cạnh tranh gay gắt giữa các thương hiệu.
Tại Việt Nam, đây là phân khúc nổi lên trong 1-2 năm trở lại đây. Đặc biệt, khi các ông lớn như Samsung, Sony đặc biệt quan tâm đến phân khúc này, bên cạnh các tên tuổi xem đây là thị trường chính đến từ Trung Quốc như Oppo, Huawei.
Đại chiến Samsung – Oppo
Có khoảng 15 mẫu di động trong phân khúc 5 – 6 triệu đồng đang bán tại Việt Nam. Tuy nhiên, thống kê mới nhất của GfK cho thấy Samsung, Oppo chiếm đến 56,5% thị phần của nhóm này. Phân nửa còn lại thuộc về các hãng như Sony, Asus và các tên tuổi từ Trung Quốc.
Trong vài tháng gần đây, cuộc chạy đua giữa hai tên tuổi chiếm quá nửa thị trường trong nhóm này trở thành tâm điểm của làng mobile. F1s trình làng với giá 6 triệu, Samsung cũng bán J7 Prime mức 6,3 triệu đồng.
Ngoài 2 đại diện trên, nhóm 6 triệu còn phải kể đến một vài tên tuổi khác như Sony với Xperia XA, Zenfone 3 của Asus và một vài tên tuổi khác. Tuy nhiên những model này không gây được tiếng vang lớn trên thị trường.
Cuộc đua về các tính năng cao cấp
Khi thiết kế đã bão hoà thì các tính năng đặc biệt là cuộc đua mới trên di động trung cấp. Các hãng lần lượt đem những tính năng của dòng cao cấp xuống các model giá rẻ.
Điển hình như Oppo, hãng gọi F1s là “camera phone”, thay vì smartphone thông thường bởi camera trước của máy có độ phân giải lên đến 16 MP kèm nhiều chế độ chụp.
Trong khi đó, Samsung lại đưa nhiều tính năng trên nhóm cao xuống, họ gọi Galaxy J7 Prime là “thủ lĩnh bóng đêm” khi trang bị hẳn cho model trung cấp này máy ảnh 13 MP khẩu độ f/1.9. Trước đây chỉ những model cao cấp mới được đầu tư nhiều về khẩu độ cũng như những tinh chỉnh sâu về thông số của ISO, khẩu độ, tốc độ,…
Sony, Asus cũng đầu tư mạnh vào camera. Xperia XA và Zenfone 3 đều là những model cho trải nghiệm tốt về máy ảnh từ chất lượng hình ảnh đến giao diện và các tính năng đi kèm.
Một số tính năng đặc biết trên dòng cao cấp như nhấp đúp phím Home để khởi động nhanh máy ảnh hoặc seilfie bằng đèn flash từ màn hình cũng đã xuất hiện trên di động trung cấp.
Ngoài máy ảnh, những model này cũng được đầu tư mạnh về các công nghệ bên trong như 4G, cảm biến vân tay, chip xử lý. Đáng chú ý, Zenfone 3 với chip Qualcomm Snapdragon 430, RAM 4 GB, nhiều model trên nhóm cao cấp thậm chí chỉ dừng lại ở RAM 3 GB với chip xử lý tương đương.
Samsung cũng cho thấy họ đang lắng nghe người dùng rất nhiều khi trang bị cho các model trung cấp hàng loạt các tính năng độc quyền, phù hợp với thói quen riêng của người dùng Việt như chế độ Sbike giúp lái xe an toàn khi tham gia giao thông. Tính năng UDS giúp tiết kiệm dữ liệu 3G.
Có thể thấy, các hãng không chỉ dừng lại ở việc chạy đua về thiết kế, cấu hình mà còn nghiên cứu rất kỹ hành vi của người dùng để trang bị cho máy những tính năng phù hợp. Trước đây chỉ những smartphone cao cấp mới được đặc biệt quan tâm như vậy.
Một trang bị khác được người dùng đặc biệt quan tâm là cảm biến vân tay. Khác với cảm biến trên dòng giá rẻ, cảm biến vân tay trên các model trung cấp của Samsung, Oppo, Asus đều là loại cảm biến một chạm, cho tốc độ xử lý nhanh và chính xác không thua kém các model cao cấp. Những trang bị thông minh không còn mang tính quảng cáo mà thật sự hữu dụng với người dùng.
Nhìn vào bức tranh thị trường tổng thể có thể thấy, trong khi các tên tuổi mới nổi như Oppo, Xiaomi cố gắng chen chân để giành chỗ đứng thì những hãng vừa bị “hụt chân” như Sony hay Asus lại cạnh tranh để giành lại thị phần. Hãng lớn Samsung càng muốn giữ vị thế số một của mình. Tất cả tạo nên một cuộc đua sôi động nhưng cũng không kém phần khốc liệt.
Người dùng được hưởng lợi
Khi cuộc đua vẫn chưa đến hồi kết thì phần thắng dường như vẫn thuộc về người dùng. Trước đây để sở hữu một smartphone thiết kế đẹp, cấu hình tốt, nhiều tính năng thông minh thì họ phải tìm đến những model cao cấp. Di động trung cấp được mặc định là những thiết bị đẹp nhưng cấu hình thấp hoặc ngược lại.
Quan niệm về việc phải hi sinh cấu hình để có thiết kế đẹp trong nhóm 5-8 triệu đã bị phá vỡ. Người dùng có rất nhiều lựa chọn tốt từ các thương hiệu lâu năm đến các hãng mới nổi. Điểm chung của các smartphone trong nhóm này là thiết kế đẹp, cấu hình cao kèm nhiều tính năng thông minh từ dòng cao cấp.
Khác biệt giữa smartphone trung cấp với di động đầu bảng là các tính năng nâng cao, trải nghiệm người dùng và quan trọng hơn là thời gian. Những tính năng tốt nhất, thời thượng nhất thường được xuất hiện trên các thiết bị đầu bảng. Phải một thời gian sau chúng mới được đưa xuống những dòng thấp hơn và bị cắt giảm một số tính năng cũng như trải nghiệm.
Tuy nhiên khoảng cách về thời gian không phải vấn đề quá quan trọng với nhóm khách hàng tầm trung. Cái người dùng quan tâm hơn cả là họ vẫn được sở hữu những smartphone thời trang, cấu hình tốt và vừa ra mắt chứ không phải chờ các siêu phẩm cũ hạ giá.
Theo: Khương Nha
Nguồn: Zing News