Câu chuyệnKinh doanh

Đại chiến cửa hàng tiện lợi: Vinmart+ đấu lại hàng loạt đại gia châu Á như B’s Mart, 7-Eleven…, ngành bán lẻ Việt Nam bước vào “đại dương đỏ quạch”!

Doanh thu toàn ngành bán lẻ ở Việt Nam đã đạt mức kỷ lục 129,6 tỷ USD trong năm 2017.

 

Đại chiến cửa hàng tiện lợi: Vinmart+ đấu lại hàng loạt đại gia châu Á như B's Mart, 7-Eleven..., ngành bán lẻ Việt Nam bước vào "đại dương đỏ quạch"!

Các hãng bán lẻ trên khắp châu Á đang ồ ạt đổ bộ vào Việt Nam khi chính phủ bắt đầu nới lỏng quy định đối với các công ty nước ngoài.

Các công ty và nhà sản xuất nước ngoài, chẳng hạn hãng điện thoại Samsung Electronics của Hàn Quốc đã từng nhìn thấy giá trị dài hạn tại Việt Nam. Hiện tại các nhà bán lẻ cũng đang theo đuổi con đường tương tự.

Một trong những công ty mới nhất đặt chân vào Việt Nam là GS25 – đơn vị có cửa hàng đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh vào tháng 1.

GS Retail là đơn vị vận hành chuỗi cửa hàng tiện lợi hàng đầu tại Hàn Quốc đang lên kế hoạch mở 50 cửa hàng tại Việt Nam tới cuối năm nay và mở rộng mạng lưới ở đây lên 2.500 địa điểm trong vòng 10 năm. Tại thị trường quê nhà Hàn Quốc, GS25 đang có 12.000 cửa hàng.

Chọn vị trí nằm ở ngoại ô thành phố, một hãng bán lẻ khác của Hàn Quốc là E-Mart đã xây dựng siêu thị đầu tiên tại Việt Nam, rộng 3ha với hàng loạt lựa chọn thực phẩm, quần áo và đồ dùng gia đình. Dựa trên thành công bước đầu ở thị trường này, E-Mart đang kỳ vọng mở 10 (và hơn nữa) đại siêu thị tại đây.

Trong khi đó, gã khổng lồ bán lẻ Lotte lên kế hoạch tăng số lượng Lotte Mart tại Việt Nam lên con số 87, từ mức 13 hiện tại. Một lãnh đạo tập đoàn này khẳng định Việt Nam là “thị trường quan trọng nhất châu Á”. Điều đáng nói là Lotte Mark đã thua lỗ suốt 11 năm liên tiếp tại thị trường Việt Nam, tổng cộng tới 2.300 tỷ đồng.

Doanh thu toàn ngành bán lẻ ở Việt Nam đã đạt mức kỷ lục 129,6 tỷ USD trong năm 2017.

Kể từ năm 2009, chính phủ đã cho phép người nước ngoài quyền sở hữu 100% doanh nghiệp bán lẻ. Chính điều này đã giúp Việt Nam đi trước so với Indonesia và một số quốc gia khác về tính cởi mở thị trường. Hiệp định thương mại tự do và hợp tác kinh tế với nhiều nước gồm Nhật Bản được cho là sẽ còn thúc đẩy sự tự do nhiều hơn nữa trong thời gian tới.

Trong năm 2016, Việt Nam cũng đã giảm đáng kể các rào cản để mở cửa hàng dưới 500m2 và kể từ đó, các chuỗi cửa hàng tiện lợi bắt đầu đổ xô tới đây.

Seven & i Holding của Nhật Bản cũng lên kế hoạch có 1.000 cửa hàng 7-Eleven tại Việt Nam tới năm 2027, còn chuỗi B’s Mart của Thái Lan nhắm tới việc có 3.000 cửa hàng. Một cư dân TP Hồ Chí Minh nói rằng cô rất khó khăn khi đi chợ: “Cửa hàng tiện lợi trở nên nhiều vô kể và rất tiện lợi như tên của nó”.

Các cửa hàng tạp hóa và chuỗi siêu thị nhỏ lẻ vốn thống trị lĩnh vực bán lẻ của Việt Nam trong thời gian dài và cho đến nay cũng vẫn vậy. Chuỗi bán lẻ rau củ hiện đại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi hay mô hình tương tự như vậy chỉ chiếm 5,4% tổng các đơn vị bán lẻ thực phẩm ở Việt Nam trong năm nay, con số thấp nhất ở Đông Nam Á.

Tuy nhiên khi thu nhập người dân tăng, nhiều người Việt Nam sẵn sàng trả mức giá cao hơn cho những thực phẩm chất lượng tốt hơn tại các cửa hàng hiện đại. Kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng quanh mức 7% mỗi năm và GDP bình quân đầu người đạt 2.385 USD vào năm 2017. Riêng TP Hồ Chí Minh, con số này là 5.000 USD.

Bối cảnh này chính là cơ hội lớn đối với những chuỗi bán lẻ nước ngoài. Trên thực tế, hiện Việt Nam chỉ có khoảng 1.000 siêu thị và 2.000 cửa hàng tiện lợi, bằng 1/20 và 1/30 của Nhật Bản.

Tuy nhiên, viễn cảnh vốn nước ngoài chảy vào thị trường bán lẻ Việt Nam cũng sẽ tạo ra một vài cảnh báo đáng quan tâm. “Nếu các công ty nước ngoài đến thống trị tại đây, các hãng bán lẻ trong nước sẽ là đơn vị đáng lo nhất”.

Dẫu vậy, các công ty trong nước cũng “không ngồi yên”. Vinmart+, chuỗi cửa hàng tiện lợi của tập đoàn Vingroup đang lên kế hoạch mở rộng mạng lưới tăng gấp 4 lần quy mô hiện tại, lên con số 4.000 cửa hàng vào năm 2020.

Thế giới di động, nhà bán lẻ điện thoại di động hàng đầu Việt Nam cũng lên kế hoạch xây dựng chuỗi cửa hàng tạp hóa Bách Hóa Xanh lên con số 500 cửa hàng tới cuối năm nay.

Ông Nguyễn Đức Tài – CEO Thế giới di động khẳng định Việt Nam cần hàng nghìn cửa hàng bán lẻ hiện đại. “Nếu mở cửa hàng, chúng tôi sẽ phải nắm thị phần có số má nhất định”.

Vân Đàm

Theo Trí Thức Trẻ/Nikkei

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Để lại một bình luận

Close