Bất động sảnThị trường
Đại gia địa ốc đổ tiền về tỉnh lẻ: Cuộc chơi may rủi của những người ăn theo
Việc các đại gia địa ốc kéo nhau về tỉnh lẻ đầu tư đã thu hút một bộ phận không nhỏ các nhà đầu tư thứ cấp, môi giới chạy theo. Có người thắng cuộc, nhưng cũng có kẻ vỡ mộng.
Những người may mắn
Không ai bảo ai, trong vòng 1 năm trở lại đây, Đà Nẵng được các nhà đầu tư bất động sản chọn là điểm đến trong chiến lược “đánh bắt xa bờ” của mình, đặc biệt là các nhà đầu tư từ Hà Nội. Số liệu của Savills công bố hồi tháng 9/2016 cho thấy, gần 80% nhà đầu tư vào bất động sản cao cấp tại Đà Nẵng đến từ Hà Nội.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, một nhà đầu tư địa ốc có tiếng ở Đà Nẵng cho hay, trong vòng vài năm trở lại đây, giá đất Đà Nẵng tăng chóng mặt. Nhiều lô đất từ 20 triệu đồng/m2 hiện đã lên trên 40 – 50 triệu đồng/m2. Cũng có nhiều lô vào thời lúc thấp điểm của thị trường chỉ khoảng 400 – 500 triệu đồng/lô, thì hiện đã vượt mức 1 tỷ đồng.
Thậm chí, có lô đất toạ lạc tại những vị trí đẹp được nhiều môi giới “đẩy” lên chạm mốc 1,7 tỷ đồng, cao gấp 2,5 – 3 lần mức giá chủ đầu tư đưa ra. Hiện nay, đất ở các vị trí đẹp trung tâm Thành phố hầu như không còn. Dọc bờ biển Mỹ Khê, phần lớn các lô biệt thự, nhà vườn hàng trăm mét vuông đều thuộc về các nhà đầu tư đến từ Hà Nội.
Một nhà đầu tư tên Tú Anh cho hay, gia đình chị mua được một mảnh đất hơn 100 m2 ở quận Sơn Trà (Đà Nẵng) với giá 500 triệu đồng, tháng 6/2016, chị đã bán trao tay cho người khác đến từ Hà Nội với giá 1,2 tỷ đồng. Nhưng không bao lâu sau, lô đất này đã có người đến tha thiết mua với giá 1,7 tỷ đồng.
Chị Tú Anh chia sẻ, chị cùng gia đình từ Hà Nội vào Đà Nẵng làm ăn 3 năm trước với số vốn vỏn vẹn có 500 triệu đồng. Chỉ sau 2 năm, bằng các vụ mua đi bán lại, chị đã tậu được một căn nhà rộng rãi ngay quận Liên Chiểu cùng một xế hộp để phục vụ làm ăn, giao dịch.
Theo chị Tú Anh, với số vốn vài tỷ đồng hiện nay đầu tư vào bất động sản ở Hà Nội hay TP.HCM quá khó. Ngay cả khi mua được thì cũng khó bán kiếm lãi, vì thị trường đang chững lại. Còn với số tiền đó, những ai có ý định đầu tư đều có thể mua được 1 đến 2 mảnh đất khá ưng ý ngay tại các trung tâm của tỉnh lẻ hoặc các thành phố như Đà Nẵng, Vũng Tàu…
Không chỉ Đà Nẵng, nhiều nhà đầu tư may mắn khác cũng còn lãi lớn khi đầu tư bất động sản ở nhiều tỉnh lẻ khác như Quảng Ninh, Thanh Hóa, Phú Quốc, Bình Định…
Chẳng hạn tại Quảng Ninh, nếu như trước đây, Quảng Ninh chỉ được biết đến như một điểm du lịch nổi tiếng, nhưng ít cơ sở lưu trú cao cấp, thì trong 2 năm trở lại đây, địa phương này đã trở thành lực hút lớn với các đại gia bất động sản như Vingroup, Tuần Châu, BIM Group, Sun Group, FLC, HD Mon Holdings…
Thống kê cho thấy, trong giai đoạn từ năm 2014 – 2015, tổng số dự án bất động sản đã và đang triển khai tại Quảng Ninh lên tới hơn 100 dự án, với tổng vốn đầu tư ước đạt hơn 100.000 tỷ đồng, đa dạng phân khúc, từ nghỉ dưỡng, giải trí, shophouse, đến chung cư.
Không chỉ thu hút các nhà đầu tư lớn, bất động sản Quảng Ninh nói chung và TP.Hạ Long nói riêng còn kéo theo sự tham gia của đông đảo nhà phân phối, như Hệ thống Siêu thị dự án STDA, Đất Xanh miền Bắc, Sàn giao dịch Bất động sản Maxland,…
Theo chia sẻ của nhà đầu tư Thanh Dung, trong 2 năm nay, giá đất bất động sản tại TP.Hạ Long đã tăng lên chóng mặt. Rất nhiều dự án có mức tăng trưởng tới 100 – 150% sau chỉ 1 năm khi các dự án do các ông lớn vào triển khai. Mặt bằng giá tại nhiều dự án trên đường Trần Quốc Nghiễn và các tuyến đường lớn như Đường Hải Long, Hải Thịnh (TP.Hạ Long) được chào bán tương đương với nhiều dự án bất động sản trên các cung đường đẹp tại Hà Nội.
Bản thân chị Dung cũng là một trong nhiều nhà đầu tư thứ cấp may mắn đoán định được thời cơ khi để lướt sóng thành công nhiều dự án mới triển khai tại địa phương này.
Và những kẻ “vỡ mộng”
Chuyện buôn bán đất cát ở các tỉnh lẻ trên thực tế không phải ai cũng được xuôi chèo mát mái như đã kể trên. Một số người duy tâm cho rằng, đất cát nhiều khi còn phải có vận, có duyên, không phải ai cũng có thể phất lên nhờ đất, cho dù không thiếu vốn.
Điều đó cũng có thể đúng, song trong kinh doanh địa ốc, đa phần giới đầu tư vẫn xem chuyện đón đầu quy hoạch như một chiến lược lợi hại. Nếu may mắn, có người có thể kiếm tiền tỷ từ một vài thông tin về quy hoạch, nhưng cũng có nhiều người ngã đau.
Chẳng hạn, nhà đầu tư tên N.K.T (ngụ tại TP.HCM) mừng như nhặt được vàng khi lấy lại được số tiền đầu tư vào một dự án bất động sản được giới thiệu là tổ hợp nghỉ dưỡng lớn hàng đầu tại Đà Nẵng. Ông T. kể, giữa năm 2016, thấy dự án này quảng cáo rầm rộ với quy mô và lợi nhuận sinh lời hấp dẫn, ông đã quyết định bay từ TP.HCM ra Đà Nẵng đăng ký mua căn hộ dự án này với giá trị hơn 1,3 tỷ đồng/căn hộ. Để giữ chỗ, ông đóng 200 triệu đồng đặt cọc và phía đơn vị phân phối cho biết, sau 2 tháng sẽ ký hợp đồng.
Tuy nhiên, 3 tháng đi qua, nhưng chủ đầu tư không đả động tới việc ký hợp đồng, trong khi dự án cũng không động tĩnh xây dựng. Sau nhiều lần làm việc với ý định lấy lại tiền đặt cọc bất thành, ông phải nhờ tới cơ quan chức năng vào cuộc, thì chủ đầu tư trả lại số tiền trên cho ông. Tuy nhiên, ông T. cho biết, phải lỗ 20 triệu đồng, vì đơn vị phân phối “xin lại” làm phí dịch vụ, nhưng ông T. vẫn còn may mắn khi chỉ mất 20 triệu đồng tiền phí dịch vụ.
Thực tế, nhiều dự án đang bị các nhà đầu tư thứ cấp và “cò đất” thổi giá, khiến những nhà đầu tư thứ cấp non kinh nghiệm, ít hiểu biết thị trường địa phương lao theo con sóng, không rút ra kịp, bị kẹt hàng và chôn vốn.
Chiêu trò của các môi giới bán lẻ là trong khoảng thời gian đặt cọc sẽ có thỏa thuận chờ từ 15 – 30 ngày để chuyển tiền, sẽ tìm kiếm một khách hàng mới để bán sang tay với giá bán được tăng lên từ vài chục cho đến hàng trăm triệu đồng, cứ như vậy mỗi lần mua bán sang tay từ thỏa thuận đặt cọc giá đất lại được tăng lên và người mua cuối cùng sẽ “lãnh đủ”.
Tại Hà Nội, chiêu trò này cũng đã từng xảy ra tại các dự án ở Mê Linh, khi thông tin huyện này được sáp nhập về Hà Nội. Thời điểm đó, bất động sản Mê Linh trở thành một điểm nóng của Hà Nội và được ví như nàng công chúa. Người người, nhà nhà lao vào đấu giá rồi buôn đất tại các dự án ở khu vực này.
Thời điểm 2008 – 2009, mỗi mét vuông đất tại Mê Linh được trả giá lên tới hàng chục triệu đồng, nhưng chỉ đúng 1 năm sau, giá nhà đất nơi đây đã tụt dốc không phanh. Hệ quả của một cơn sốt bất chợt là hàng chục dự án bất động sản tại Mê Linh vẫn đang chìm trong cơn mê. Một số khu đô thị bị bỏ hoang, vắng bóng người ở, nhiều dự án khác thị chỉ là bãi đất trống với cỏ mọc um tùm, được người dân địa phương tận dụng trồng rau, thả trâu, bò, như Dự án Minh Giang – Đầm Và do Công ty TNHH Minh Giang làm chủ đầu tư, hay dự án Cienco 5 Mê Linh do Cienco 5 làm chủ đầu tư.
Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, toàn huyện Mê Linh hiện có khoảng 50 dự án tập trung tại các xã ven Đại lộ Võ Văn Kiệt như Tiền Phong, Tráng Việt, Thanh Lâm, Đại Thịnh, thị trấn Quang Minh. Trong đó, có khoảng 20 dự án lớn, quy mô từ vài chục đến vài trăm héc-ta, tập trung nhiều nhất tại xã Tiền Phong.
Đa số các dự án này hiện nay đều không triển khai được hoặc triển khai dang dở và gần như không có hạ tầng. Tình trạng hoang hóa xảy ra phổ biến khiến nghiều người gọi bất động sản Mê Linh là “nàng công chúa bất tỉnh”.
Báo Đầu tư Bất động sản