Kinh tế vĩ môThời sự

“Nhà đầu tư nước ngoài bị rối khi đánh giá đầu tư vào doanh nghiệp Việt”

“Một công ty cơ khí cũng mua cổ phần, đầu tư địa ốc, ngân hàng bán lẻ… điều đó làm cho nhà đầu tư tiềm năng rất rối khi đánh giá một công ty đầu tư tràn lan”, chuyên gia của PwC chia sẻ.

“Nhà đầu tư nước ngoài bị rối khi đánh giá đầu tư vào doanh nghiệp Việt”

Các chuyên gia cho rằng doanh nghiệp Việt nên tập trung cho lĩnh vực cốt lõi của mình – Ảnh: Huyền Trâm.

Nhận định trên được ông Johnathan Ooi, Phó TGĐ Dịch vụ tư vấn các thương vụ, PWC chia sẻ khi đề cập đến các thách thức mà nhà đầu tư nước ngoài thường gặp phải khi đánh giá đầu tư vào doanh nghiệp Việt, tại buổi chia sẻ về ấn phẩm Tiêu điểm Việt Nam, được thực hiện nhân dịp Việt Nam đảm nhận vai trò chủ nhà APEC 2017.

Ông Johnathan Ooi cho biết, trong các đánh giá đầu tư thì yêu cầu quan trọng nhất là thông tin. Đối với đánh giá một doanh nghiệp hay một dự án thì người ta cần chứng từ gốc, điều đó chúng tôi gặp khó khăn không chỉ ở Việt Nam mà ở nhiều nước bởi doanh nghiệp không lưu trữ đầy đủ thông tin, chứng từ.

Thách thức thứ hai là vấn đề định giá. Có sự khác biệt giữa người chủ doanh nghiệp Việt với thông lệ quốc tế. Theo quốc tế, họ đánh giá dự phóng dòng doanh thu của doanh nghiệp trong vài năm sắp tới và chiết khấu về hiện tại rồi tính ra giá trị. Còn trong suy nghĩ của người chủ doanh nghiệp Việt họ coi doanh nghiệp như đứa con thân thương của mình nên họ suy nghĩ chủ quan hơn. Hai bên khác nhau tiếng nói.

Thách thức thứ ba, thường NĐTNN họ phân tích và muốn đầu tư vào một ngành, một khu vực kinh tế nào đó. Trong khoảng 10 năm qua, doanh nghiệp Việt đã tiến hành đa dạng hóa đầu tư. Theo đó khi nhà đầu tư nước ngoài nhắm vào một công ty Việt Nam và nhận thấy, một công ty cơ khí cũng mua cổ phần, đầu tư địa ốc, ngân hàng bán lẻ… điều đó làm cho nhà đầu tư tiềm năng rất rối khi đánh giá một công ty đầu tư tràn lan.

“Để thu hút nhà đầu tư chiến lược tôi nghĩ doanh nghiệp Việt Nam phải đi vào năng lực cốt lõi của mình, tái cơ cấu công ty lại, không nên đầu tư nhiều ngành tràn lan”, chuyên gia tư vấn các thương vụ của PwC nhận định.

Đồng quan điểm, bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Tổng giám đốc PwC cho rằng, hiện Việt Nam đã ở trong một thị trường mở với sự giao thương với thế giới. Và để thích ứng cho phát triển của mình, doanh nghiệp Việt phải tìm hướng đi cho mình bằng cách tạo sự khác biệt, xây dựng dựa trên năng lực cạnh tranh cốt lõi phù hợp.

“Chúng ta thấy có nhiều doanh nghiệp Việt thành công, hiện đang chiếm lĩnh dẫn đầu trên thị trường ở nhiều lĩnh vực. Thời gian qua chứng kiến làn song đầu tư ồ ạt của nhà đầu tư nước ngoài vào trong lĩnh vực bán lẻ, tuy nhiên doanh nghiệp Việt, như Co.op hiện họ vẫn là nhà bán lẻ hàng đầu nếu tính về thị phần. Hay có thể kể đến như Vinamilk vẫn chiếm thị phần đa số và nhiều ví dụ như vậy ở nhiều ngành khác…”, bà Vân đánh giá.

Bà Vân cho rằng, rõ ràng với doanh nghiệp Việt về thị trường, về văn hóa là họ hiểu hơn các NĐTNN. Vấn đề còn lại là chọn ra chiến lược phù hợp, phát triển yếu tố cạnh tranh của mình, đó là yếu tố thành công cho doanh nghiệp Việt.

5 lĩnh vực có nhiều cơ hội

Các chuyên gia của PwC đã chỉ ra 3 yếu tố thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam và đem đến cơ hội đầu tư cho các nhà đầu tư.

Thứ nhất là lực lượng lao động trẻ và đông đảo. Tỷ lệ lao động có học vấn liên tục tăng và Việt Nam đang ở trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng, với 45% dân số dưới 30 tuổi.

Thứ hai là nền kinh tế cạnh tranh, chi phí thấp. Nhân công Việt Nam có chi phí cạnh tranh, trình độ học vấn tốt, kỹ năng ngày càng cao. Với những công ty đang cân nhắc chuyển đổi hoặc đa dạng hóa ra khỏi những nền kinh tế lớn như Trung Quốc, Việt Nam là một cơ sở sản xuất lý tưởng và mang lại giá trị cao hơn.

Thứ ba, Việt Nam có nền chính trị xã hội ổn định, nhờ đó các chính sách cho kinh doanh và thương mại dễ dự đoán hơn. Chính phủ cam kết tạo lập một môi trường kinh doanh công bằng, hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Nhận định về các lĩnh vực có nhiều cơ hội đầu tư, chuyên gia PwC đưa ra 5 lĩnh vực sẽ có sự hấp dẫn đầu tư trong thời gian tới.

Đầu tiên là thuê ngoài quy trình kinh doanh. Ngành thuê ngoài quy trình kinh doanh (BPO) của Việt Nam đã tăng từ 20% thành 35% mỗi năm trong thập niên qua. Ngành này vẫn còn khá non trẻ. Và lợi thế sản xuất của Việt Nam có thể hỗ trợ cho các dịch vụ kinh doanh. 40.000 tân cử nhân công nghệ thông tin gia nhập thị tường lao động hàng năm phản ánh nguồn nhân lực trẻ, có kiến thức và chi phí thấp – một nguồn cung lý tưởng cho các ngành dịch vụ kinh doanh đòi hỏi kiến thức cao.

Thứ hai là năng lượng mặt trời và năng lượng gió. Trong bản quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, chính phủ ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, cụ thể là năng lượng mặt trời và năng lượng gió.

Các nguồn nhiên liệu chính cho sản xuất điện tại Việt Nam đang đối mặt với những vấn đề là năng lượng thủy điện gần như đã bị khai thác tối đa. Các nhà máy phát điện sử dụng động cơ tua bin khí hay than đều dựa vào nguồn nguyên liệu đắt đỏ và có giới hạn. Việt Nam có tiềm năng lớn để biến năng lượng mặt trời và gió trở thành nguồn năng lượng thay thế tốt nhất hiện nay.

Thứ ba là lĩnh vực khách sạn hạng sang. Số lượng khách sạn hạng sang và cao cấp mới vẫn còn thấp so với những điểm đến lớn trong khu vực. Nhu cầu đầu tư lĩnh vực khách sạn hạng sang tại Việt Nam còn rất lớn.

Thứ tư là lĩnh vực nông nghiệp hiện đại và công nghiệp thực phẩm. Chính phủ kỳ vọng vào vai trò của doanh nghiệp trong việc nâng cao trình độ kỹ thuật của ngành và giúp nông dân tiếp cận công nghệ hiện đại nhiều hơn. Sự tăng trưởng kinh tế, thu nhập tăng cao, quá trình đô thị hóa nhanh và những thay đổi trong lối sống đang tạo ra thay đổi trong thói quen ăn uống. Người tiêu dùng ngày càng có nhiều nhu cầu về các loại thực phẩm và đồ uống đóng gói và đã qua chế biến với chất lượng và tính tiện dụng cao.

Cuối cùng là ngân hàng bán lẻ. Hơn 90% giao dịch tại Việt Nam vẫn dùng tiền mặt. Tiền mặt tạm thời chiếm ưu thế nhưng vị thế này sẽ không kéo dài.

HUYỀN TRÂM

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Trả lời

Close