Kinh tế vĩ môThời sự
Để kinh tế tư nhân trở thành động lực của nền kinh tế
Phát triển thành công khu vực kinh tế tư nhân quyết định đến phát triển nền kinh tế. Nhật Bản và Hàn Quốc là 2 ví dụ điển hình của việc phát triển thành công khu vực kinh tế tư nhân đồng nghĩa với việc phát triển thành công nền kinh tế.
Tại Việt Nam, phát triển khu vực kinh tế tư nhân không phải lần đầu được đặt ra. Năm 2016, Nghị quyết của Quốc hội đã xác định phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân là một trong 5 trọng tâm cơ cấu lại nền kinh tế đến năm 2020. Nhiệm vụ đi kèm là thúc đẩy hình thành và phát triển các tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh, có công nghệ hiện đại để làm nòng cốt, mũi nhọn phát triển kinh tế, cùng với sự phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nâng cao sức cạnh tranh với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Tạo đà thực hiện mục tiêu này, Nghị quyết 24/2016/QH14 cũng chỉ rõ sự cần thiết xây dựng môi trường cạnh tranh minh bạch, công bằng, bình đẳng, thuận lợi và giảm chi phí liên quan đến quản lý nhà nước và rủi ro thể chế đối với khu vực doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân.
Tuy nhiên, môi trường kinh doanh của Việt Nam theo xếp hạng Chỉ số thuận lợi kinh doanh (Ease of Doing Business Index – EDBI) của Ngân hàng Thế giới vẫn ở vị trí trung bình thấp. Đáng lưu ý là 3 năm gần đây, thứ hạng EDBI của Việt Nam bị giảm bậc, nhiều chỉ số thành phần rất thấp điểm và nằm gần cuối bảng xếp hạng. Khoảng cách các chỉ số EDBI của Việt Nam so với các quốc gia trong khu vực đang giãn dần.
Sang năm 2017, so với trung bình của các nước ASEAN-6, hầu hết các chỉ số của Việt Nam thấp hơn nhiều, nhất là chỉ số nộp thuế, bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư, tiếp cận điện và xử lý doanh nghiệp mất khả năng thanh toán. Nếu so sánh thứ hạng các chỉ số EDBI của Việt Nam với một số nước ASEAN thì chỉ cao hơn Thái Lan ở một số chỉ tiêu và thua kém rất nhiều so với Malaysia và Singapore. Với môi trường kinh doanh như vậy, năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam cũng chậm được cải thiện so với các quốc gia khác.
[quote_box_left]Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII đã phát đi thông điệp mạnh mẽ và dứt khoát về xóa bỏ mọi định kiến, rào cản đối với kinh tế tư nhân. Việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặc biệt lưu ý đến thành phần doanh nghiệp tư nhân tại buổi gặp doanh nghiệp ngày 17/5 càng khẳng định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng để phát triển kinh tế đất nước.[/quote_box_left]
Dù vậy, những lợi thế riêng cho phép các doanh nghiệp tư nhân điều chỉnh linh hoạt chiến lược sản xuất, kinh doanh. Số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập đã tăng kỷ lục, trở thành điểm nổi bật của kinh tế năm 2016. Lần đầu tiên nước ta có trên 110 nghìn doanh nghiệp thành lập trong một năm, với số vốn đăng ký 891.094 tỷ đồng, tăng 48,1% so với năm 2015.
Quy mô của doanh nghiệp mới thành lập cũng có sự cải thiện so với giai đoạn trước đó. Số vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong năm 2016 đạt 8,1 tỷ đồng, tăng 27,5% so với năm 2015. Trong đó, mức tăng vốn bình quân cao nhất là nhóm công ty cổ phần, với mức tăng bình quân 38,9%. Đây cũng là nhóm doanh nghiệp có mức vốn đăng ký thành lập cao nhất, chiếm 42,2% tổng vốn đăng ký trong năm.
Khu vực tư nhân đang ngày càng lớn mạnh về quy mô và tiềm lực, song vẫn cần không gian chính sách lớn hơn để thúc đẩy phát triển. Điều này càng quan trọng trong bối cảnh Nhà nước ngày càng giảm vai trò trong các hoạt động kinh tế. Tổng vốn đầu tư phát triển của khu vực nhà nước đã được kế hoạch hóa, ổn định trong chu kỳ 5 năm, nguồn vốn đầu tư của Nhà nước vào doanh nghiệp ngày càng giảm và chủ trương sẽ tiếp tục giảm. Trong khi đó, các doanh nghiệp nhà nước tiếp tục chủ động thoái vốn khỏi các doanh nghiệp.
Hội nghị Trung ương 5 Khóa 12 đã ban hành Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân với mục tiêu phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đưa kinh tế tư nhân phát triển nhanh, bền vững, đa dạng với tốc độ tăng trưởng cao cả về số lượng, quy mô, chất lượng lẫn tỷ trọng trong tổng sản phẩm nội địa. Đây sẽ là nền tảng quan trọng hiện thực hóa mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020.
Tuy nhiên, với thực trạng của doanh nghiệp tư nhân hiện nay vẫn rất khó để khu vực kinh tế tư nhân phát triển bền vững, trở thành động lực chính của nền kinh tế. Do đó, Nhà nước cần đảm bảo nguyên tắc thượng tôn pháp luật trong mọi ứng xử đối với thị trường.
Chính phủ cần tiếp tục ưu tiên cải cách môi trường kinh doanh, đưa ra những chính sách phù hợp theo hướng tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh phù hợp với Nghị quyết 19 hằng năm.
PGS-TS. TRẦN KIM CHUNG – Phó viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (HẢI VÂN ghi)