Trong khuôn viên Công ty TNHH Hệ thống giáo dục quốc tế British ở đường Huỳnh Tấn Phát, quận 7, TP.HCM, cùng ấm trà và một trái bưởi, chúng tôi chuyện đông chuyện tây, đến chuyện dạy trẻ theo phương pháp Montessori thì trời sắp chạng vạng.
Thấy tôi nhìn đồng hồ, Bích Châu khe khẽ hát: Anh phải về thôi xa em thôi/ Hoàng hôn yên lặng cũng theo về/ Giọt nắng cuối ngày rơi xuống tóc/ Mà lời từ biệt chẳng lên môi. Tôi lặng người không chỉ vì giai điệu bài hát của Thuận Yến rất phù hợp với lời thơ của Hoài Vũ mà còn bởi giọng ca truyền cảm của người hát. Vì thế mà tôi chưa thể “từ biệt” nữ doanh nhân, bèn nói lửng lơ.
* Tôi chưa nghe ai “hát mộc” bài Chia tay hoàng hôn hay như bà vừa hát. Tâm trạng chăng?
– Tôi học thanh nhạc bốn năm ở Nhạc viện TP.HCM. Suýt chút nữa thì thành ca sĩ chuyên nghiệp.
* Sao lại… chút nữa?
– Tại tôi mê kinh doanh.
* Ca hát và kinh doanh là hai lĩnh vực trái ngược nhau, nhưng hình như chúng bổ sung cho nhau?
– Thư giãn để kinh doanh và kinh doanh mệt mỏi thì ca hát là cách xả stress tốt nhất đối với tôi. Nói thế chứ tôi chưa đến nỗi bị căng thẳng quá mức trong kinh doanh, bởi trước đây tôi “kinh doanh thuê” cho người nước ngoài, khi thì ở Canada, khi thì ở Anh, lúc lại Thái Lan, Indonesia. Mười năm trước, tôi “ra riêng”, lập Công ty Như Kim, chuyên kinh doanh nhà hàng, khách sạn và mấy năm gần đây thì mở cơ sở giáo dục mầm non – những Ngôi nhà trẻ thơ – Happy House áp dụng phương pháp giáo dục Montessori, cũng khá là nhẹ nhàng.
* Khoan hẵng nói kỹ về phương pháp giáo dục Montessori. Lúc nãy bà bảo “tại vì mê kinh doanh”?
– Tôi biết buôn bán từ khi lên 6, đang học lớp 1. Cao Lãnh quê ngoại tôi là vựa trái cây của tỉnh Đồng Tháp, nhiều nhất là xoài và chuối. Nhà ngoại tôi xoài và chuối chín vàng rực trong vườn, không thể ăn hết, thấy tiếc, tôi đem ra vệ đường ngồi bán, lấy tiền ấy vừa mua sách vở để học, vừa mua dụng cụ học tập bán lại cho các bạn cùng trường. Thời ấy – sau này tôi mới biết là “thời bao cấp”, cái gì cũng thiếu nhưng lại dễ mua bán.
* Thường thì buôn bán, hay như cách nói bây giờ là kinh doanh, phải có chút di truyền, chút năng khiếu.
– Năng khiếu thì tôi có, còn di truyền thì không. Bên nội là dân Sài Gòn cố cựu, ông nội và ba tôi làm nghề giáo, bên ngoại thì sống bằng vườn tược, mẹ tôi lại nghiên cứu về nông nghiệp, nên có lẽ nhờ “gene trội” mà tôi biết thương trường sớm.
* Ca hát cũng nhờ năng khiếu?
– Cái này thì có… di truyền. Ba tôi hát hay lắm. Lúc nãy ông khen tôi, tôi khen ba tôi còn hơn thế. Những Hòn vọng phu, Thiên thai, Suối mơ…, nói chung là những bản nhạc xưa, nhạc “tiền chiến” mà ba tôi hát thì hay lịm người! Từ bé tôi mê hát cũng như mê bán xoài, bán chuối. Học xong cấp hai tôi lên Sài Gòn học cấp ba, tốt nghiệp trung học phổ thông ở Trường Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3, TP.HCM) là tôi về quê mẹ sinh hoạt tại Nhà Văn hóa Đồng Tháp.
Một hôm có Đoàn Ca nhạc nhẹ Cần Thơ về Cao Lãnh biểu diễn, nghe tôi hát, họ rủ tôi theo. Ham vui, tôi theo luôn. Mẹ tôi không cho nhưng ba tôi bảo “Bà cứ để cho nó đi để còn học cái khôn cái dại với người ta”. Ba cho tôi học nhạc từ nhỏ, nhưng khi đi biểu diễn, tôi thấy mình còn yếu nhiều thứ nên quyết định thi vào Nhạc viện TP.HCM, Khoa Thanh nhạc.
* Vậy mà vẫn không trở thành ca sĩ chuyên nghiệp?
– Bạn bè tôi cùng thời nhiều đứa rất nổi tiếng, có đứa giờ trở thành giảng viên, giáo viên giảng dạy ở Nhạc viện. Còn tôi do vừa học ở Nhạc viện, vừa học tiếng Anh ở Trường Đại học Sư phạm TP.HCM, vừa làm marketing cho Công ty Seagram (Mỹ) chuyên về phim ảnh, âm nhạc nên không thật chú tâm trở thành ca sĩ. Làm ra tiền, dù chỉ bằng đồng lương, nhưng so với thu nhập bình quân những năm 1994 – 1998 là rất cao, nên dù sắp tốt nghiệp Nhạc viện, tôi vẫn quyết định bỏ ngang.
* Chứ không phải vì sợ “kiếp cầm ca” mà “lỡ mai sau em mất người yêu”?
– Lo tập trung đi làm, đâu đã có người yêu!
* Nói vui thế thôi, chắc bà không để bụng. Tôi có thể hiểu sự “rẽ ngang” ấy thế này: Thương trường những năm đầu nước ta mở cửa ra thế giới khá là sôi động và bà bị cuốn vào guồng máy kinh doanh khi có nhiều doanh nghiệp FDI rất cần người Việt giỏi tiếng Anh.
– Sau Seagram, tôi làm cho một công ty Canada, rồi Công ty China Trader của Anh. Công ty nước ngoài cuối cùng mà tôi tham gia là Tropical Home của Singapore, chuyên kinh doanh khu nghỉ dưỡng cao cấp tại đảo Bali, Indonesia. Nhiều năm ở hết nước này đến nước khác, chợt nghĩ đến quê hương nên 2007 tôi về lại Sài Gòn, bằng tiền làm thuê nhiều năm tích lũy được, mở Công ty trách nhiệm hữu hạn Như Kim trong khu Phú Mỹ Hưng (phường Tân Phong, quận 7), như đã nói với ông.
* Nhưng “lý lịch trích ngang” về kinh doanh, không thấy bà có kinh nghiệm về nhà hàng, khách sạn?
– Làm môi giới thương mại, làm SEO cho Tropical Home, tôi đi nhiều nên cũng học được khá nhiều điều, nhất là quản trị chuyên nghiệp, kinh doanh đúng pháp luật và đúng tiêu chí đặt ra, không có chuyện trước hay sau dở, không để suy giảm chất lượng dịch vụ với khách hàng, dù có lúc thu không đủ chi.
Tôi từng làm môi giới thương mại, làm thuê cho các công ty quảng cáo của các thương hiệu lớn nước ngoài, còn tự mình kinh doanh thì không chịu qua môi giới, bởi nước mình người “làm cò” – tạm hiểu là “trung gian” nhiều hơn làm môi giới đúng nghĩa. Mấy tháng vừa rồi ở Đà Nẵng và Nha Trang, nhiều nhà hàng, khách sạn chấp nhận giảm giá ba bốn chục phần trăm cho khách Tàu đại lục cũng bởi phải qua “cò”, có khi mấy lớp “cò”. Giảm giá như thế thì tất nhiên chất lượng dịch vụ phải tương đương.
Trở lại câu hỏi của ông, tôi có thể khẳng định, kinh doanh thành công hay thất bại không có mẫu số chung, nhưng kinh nghiệm thương trường thì lĩnh vực này bổ sung cho lĩnh vực khác. Về nhà hàng, khách sạn, tôi không kinh doanh theo chuỗi vì thấy chỉ một là đủ. Đó cũng là điều tôi học được từ những doanh nhân đã thuê mình.
* Có phải bà dành sức để lần lượt mở đến mấy cơ sở giáo dục mầm non?
– Tôi có bốn cơ sở giáo dục mầm non ở TP.HCM, sắp tới sẽ mở ở Hội An, Đà Nẵng mỗi nơi một cơ sở và chuẩn bị mở hai cơ sở ở Hà Nội. Giáo dục mầm non tất nhiên phải tuân thủ theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ cơ sở vật chất đến giáo án. Ước ao lớn nhất của tôi là mở những Happy House dạy theo phương pháp dựa trên nghiên cứu và kinh nghiệm của nhà giáo dục, tiến sĩ, bác sĩ Maria Montessori, người Ý.
* Nhưng bà đã có những lớp Montessori đấy thôi?
– Tôi muốn nói đến sự phát triển của phương pháp giáo dục Montessori, kể cả phát triển trung tâm đào tạo giáo viên, phụ huynh, trợ tá sử dụng phương pháp này để dạy trẻ.
* Đọc tài liệu, tôi được biết Tiến sĩ Maria Montessori(1870 – 1952) năm 1907 phát minh giáo trình giáo dục đặc biệt cho trẻ từ 0 – 3, 3 – 6, 6 – 12, 12 – 18, 18 – 24 tuổi thông qua giáo cụ trực quan, tôn trọng những đặc tính riêng của từng trẻ, giáo viên chỉ đóng vai trò hướng dẫn. Phương pháp Montessori được cộng đồng quốc tế công nhận, và nó đã được áp dụng ở nhiều quốc gia đã một trăm năm qua. Năm 1929, người ta còn thành lập tổ chức AMI (Hiệp hội Montessori Quốc tế). Sao bà lại còn nói đến tính “chính danh”?
– Phương pháp giáo dục Montessori mới du nhập vào nước ta gần đây và Hà Nội là nơi đón nhận nó nồng nhiệt nhất. Với phương pháp giáo dục Montessori, trẻ được tìm hiểu về cảm quan, toán học, khoa học, địa lý, lịch sử, nghệ thuật, âm nhạc, ngôn ngữ, thực hành cuộc sống, sử dụng cả tiếng Việt và tiếng Anh theo cách tự nhiên nhất.
Trẻ lĩnh hội kiến thức thông qua giáo cụ quy chuẩn được thiết kế riêng biệt dưới sự hướng dẫn của giáo viên. Đây là tiền đề để phát huy trí thông minh và tiếp nhận kiến thức trong các giai đoạn phát triển sau này của trẻ. Kết quả mà phương pháp này mang lại cho trẻ chính là khả năng tự lập, ham học hỏi, yêu quý môi trường sống và giàu kiến thức về toán học, khoa học tự nhiên và các lĩnh vực khác.
Trẻ trở nên hoạt bát, biết tự chăm sóc bản thân, biết quan tâm và sống có trách nhiệm với cộng đồng, với môi trường. Đặc biệt, trẻ sẽ luôn muốn tìm tòi, học hỏi điều mới với khả năng nhớ và tiếp thu kiến thức nhanh qua các bài toán đơn giản nhưng rất hay. Ở Hà Nội đã tổ chức những hội thảo về phương pháp giáo dục Montessori và đã có nhiều trường mầm non Montessori quốc tế.
Riêng các cơ sở giáo dục mầm non của Công ty TNHH Hệ thống giáo dục quốc tế British của tôi thì mới có những lớp học theo phương pháp Montessori với khoảng 20 – 30 trẻ mỗi lớp, theo yêu cầu của phụ huynh. Các lớp học ở British có giáo cụ, học cụ phong phú vì tôi sản xuất giáo cụ, học cụ này ở Việt Nam.
Như đã nói với ông, nếu được Bộ Giáo dục và Đào tạo chấp thuận, tôi đủ khả năng mở trung tâm đào tạo giáo viên và phụ huynh về phương pháp giáo dục Montessori, thời gian từ vài tuần đến hai năm và sẽ sản xuất được cả ngàn mã giáo cụ, học cụ trực quan chất lượng cao, giá thành không đắt như hiện nay do các trường phải nhập từ Trung Quốc, Ấn Độ chỉ với chất lượng trung bình.
* Mong được như thế quả là đáng mong. Tôi tin “ao ước lớn nhất” của bà sẽ sớm thành hiện thực. Nhân đây xin hỏi bà, nếu có bạn trẻ nào đó cần một lời khuyên để khởi nghiệp kinh doanh thì bà sẽ khuyên điều gì?
– Tôi chưa đủ già và cũng chưa đủ giỏi để khuyên lớp trẻ nên chuẩn bị gì khi khởi nghiệp, chỉ từ kinh nghiệm bản thân, tôi thấy sau khi tốt nghiệp đại học, trước khi lập doanh nghiệp, nên đi làm thuê, lãnh lương, làm thuê được ở công ty lớn càng tốt. Hiện nay nước ta không ít công ty của người Việt sản xuất và kinh doanh rất chuyên nghiệp.
Lĩnh vực nào cũng thế, đã đạt độ chuyên nghiệp thì ở đó có bao điều để học hỏi. Còn nếu muốn làm thuê cho công ty nước ngoài thì trước tiên phải biết tiếng Anh. Tiếng Nhật, Pháp, Đức, Nga, Tây Ban Nha, tiếng Hàn, tiếng Hoa cũng rất cần nhưng tiếng Anh vẫn cần nhất, bởi đa số người các nước được cử đến Việt Nam kinh doanh đều nói được tiếng Anh.
Biết một ngoại ngữ thì học ngoại ngữ khác khá dễ dàng. Tôi ở Thái, ở Indo, dù không lâu, đều học và nói được tiếng nước họ, cũng do tiếp xúc nhiều với người bản địa. Làm thợ trước làm thầy là quá trình học hỏi, nhất là học hỏi từ thương trường. Khi đã tinh thông một nghề thì làm thầy không khó, khởi nghiệp kinh doanh chắc thắng ít nhất tám trên mười phần.
* Tôi bất ngờ khi biết những nơi bà lập cơ sở kinh doanh đều thuê mướn, ngay cả chỗ ở.
– Có một người bạn nói với tôi rằng, đã kinh doanh thì không cần phải an cư. Và tôi tâm đắc với ý kiến ấy. Thuê mặt bằng có cái hay và sự tự do của nó, cứ nhắm thấy phù hợp và có khả năng sinh lời là tôi “chấm”, nhưng hợp đồng phải không có kẽ hở, đề phòng bị lật kèo. Theo tôi, khi khởi sự kinh doanh càng nên thuê mặt bằng, trừ phi gia đình có sẵn nhà hay đất.
* Tò mò một chút. Ngoài niềm vui kinh doanh và ca hát, bà còn…
– Còn có một con gái năm nay 16 tuổi, có năng khiếu hội họa, thời trang. Cháu vừa học vừa làm người mẫu cho một công ty. Năng khiếu thời trang của cô bé cũng là do “gene trội”, như mẹ nó, nhờ có “gene trội” nên kinh doanh được. Thôi, muộn quá rồi! Em phải về thôi xa anh thôi/ Hoàng hôn yên lặng cũng theo về…
Doanh nhân Sài Gòn