Thế giớiThời sự

Năm 2016 nhiều “bầm dập” của các lãnh đạo châu Á

Dưới đây là thống kê của Bloomberg về mức độ hiệu quả của các lãnh đạo tại châu Á trong năm 2016, được sắp xếp theo thứ tự quy mô của nền kinh tế.

Năm 2016 nhiều “bầm dập” của các lãnh đạo châu Á

Mỗi lãnh đạo quốc gia đều phải đối phó với những vấn đề riêng.

Khi châu Âu rúng động với sự kiện Anh rời Liên minh EU, còn Mỹ sửng sốt trước kết quả bầu cử Tổng thống khó ngờ, thì châu Á lại trải qua năm 2016 có phần yên ổn.

Nhưng nhìn lại, mỗi quốc gia đều phải đối phó với những vấn đề riêng.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình

Vị chủ tịch 63 tuổi củng cố quyền lực trong năm 2016 sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc tuyên bố ông là “nòng cốt” trước sự thay đổi về bộ máy trong Đại hội thứ 19 được tổ chức vào cuối năm 2017.

Ông Tập cũng tỏa sáng trên nghị trường quốc tế, chủ trì Thượng đỉnh G-20 lần đầu tiên, ủng hộ tự do thương mại, chiến đấu chống thay đổi khí hậu.

Thách thức lớn nhất trong năm 2017: Đối phó với lập trường cứng rắn của ông Trump trong vấn đề về thương mại, Đài Loan, cùng lúc bảo đảm đà hồi phục kinh tế của Trung Quốc không bị gián đoạn trong quá trình chuyển giao quyền lực.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe

Vị thủ tướng 62 tuổi kết thúc năm 2016 với mức ủng hộ vừa đủ để ông tranh cử vào năm 2017. Nếu đắc cử, ông sẽ là lãnh đạo có nhiệm kỳ cầm quyền lâu nhất kể từ Thế chiến II.

Chiến thắng của ông Trump trong đợt bầu cử Tổng thống Mỹ đã phá hỏng kế hoạch về TPP của Nhật Bản. Tuy nhiên ông Abe khép lại năm nay với một nốt nhạc vui khi đạt được tiến triển trong vấn đề chủ quyền lãnh thổ với Nga. Ông cũng là thủ tướng Nhật Bản đầu tiên đến Trân Châu Cảng trong nhiều thập kỷ.

Thách thức lớn nhất trong năm 2017: Đối phó với Trung Quốc và thuyết phục ông Trump ưu tiên quan hệ đồng minh Nhật – Mỹ.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi

Vị thủ tướng 66 tuổi, chi phối nghị trường theo cách chưa từng thấy trong vài chục năm gần đây.

Quyết định thải loại gần 86% số tiền mặt trong nền kinh tế cho thấy ông sẵn sàng đối mặt với cơn thịnh nộ đến từ hàng triệu người dân để đổi lại một tầm nhìn hiện đại cho Ấn Độ: Không tham nhũng, ít rào cản thương mại hơn và cứng rắn hơn với Pakistan – quốc gia có mối thâm thù.

Thách thức lớn nhất trong năm 2017: Vực dậy nền tế sau lệnh đổi tiền đột ngột, thông qua Thuế hàng hóa và dịch vụ trong đợt cải cách thuế lớn nhất từ năm 1947.

Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye

Nữ tổng thống 64 tuổi có thể được xem là lãnh đạo châu Á trải qua năm 2016 một cách “bầm dập” nhất.

Bà bị luận tội vì bê bối lạm quyền liên quan đến bạn thân, sau khi hàng trăm nghìn người dân xuống đường biểu tình đòi bà từ chức. Nếu tòa án hiến pháp nhất trí với lời luận tội, bà Park sẽ mất chức, Hàn Quốc sẽ tổ chức bầu cử sau đó 60 ngày.

Thách thức lớn nhất trong năm 2017: Tránh vào tù.

Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull

Vị thủ tướng 62 tuổi gặp khó khăn trong việc kích thích nền kinh tế vẫn đang trong giai đoạn chuyển tiếp từ cuộc bùng nổ khai khoáng.

Tỷ lệ ủng hộ ông sụt giảm sau khi ông áp dụng các quyết sách có vẻ đi ngược lại lập trường trước đây trước các vấn đề thay đổi khí hậu và kết hôn đồng giới.

Thách thức lớn nhất trong năm 2017: Ngăn chặn cuộc chiến giành quyền lực trong đảng cầm quyền.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo

Tổng thống 55 tuổi tận dụng sự nhạy bén trong chính trị để tận dụng hơn 2/3 số ghế trong quốc hội do ông kiểm soát để thông qua một đạo luật thuế gây tranh cãi. Đạo luật ân xá thuế khuyến khích người dân Indonesia mang tài sản xưa nay không nộp thuế từ nước ngoài về lại quê hương để phục vụ xây dựng cơ sở hạ tầng.

Thách thức lớn nhất trong năm 2017: Duy trì kế hoạch kích thích kinh tế đi đúng đường ray.

Thủ tướng Malaysia Najib Razak

Thủ tướng 63 tuổi không nao núng về khả năng giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sớm, bất chấp hơn một năm bị tấn công chính trị vì cáo buộc biển thủ 1 tỷ USD từ quỹ đầu tư nhà nước.

Tháng này, một tòa án đã khép nhân vật lãnh đạo chính trị của phe đối lập Anwar Ibrahim vào tội lạm dụng tình dục đồng tính, loại đi một đối thủ đáng gờm cho ông Najib.

Thách thức lớn nhất trong năm 2017: Chiến đấu với lạm phát, kiểm soát thâm hụt tài khóa trong bối cảnh đồng ringgit sụt giá.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte

Vị Tổng thống 71 tuổi vẫn được đông đảo người dân ủng hộ, bất chấp các chỉ trích đến từ quốc tế vì chiến dịch truy quét tội phạm ma túy làm hơn 5.000 người thiệt mạng.

Ông liên tục chất vấn các nước đồng minh của Mỹ, không tiết chế trong phát ngôn. Ông cũng đưa Philippines xích lại gần Trung Quốc, một sự chuyển dịch gây rúng động.

Thách thức lớn nhất trong năm 2017: Tái cân bằng quan hệ với Mỹ và Trung Quốc để bảo toàn sức khỏe của nền kinh tế.

THẢO MAI

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Trả lời

Close