Câu chuyệnKinh doanh

Đông Nam Á sôi động thị trường đồ uống không đường

Muốn duy trì và nâng cao doanh số, các doanh nghiệp luôn phải thích nghi với nhu cầu lẫn sự thay đổi sở thích của người tiêu dùng. Và, hiện tại ở Đông Nam Á, các doanh nghiệp sản xuất đồ uống đang phải thích nghi với xu hướng người tiêu dùng chuộng đồ uống không đường vì lý do sức khỏe.

 

Đông Nam Á sôi động thị trường đồ uống không đường

Một số loại trà không đường tại một kệ hàng ở Indonesia. Nguồn: Nikkei Asian Review

Khi một người gọi món trà tại một nhà hàng ở Đông Nam Á, loại trà sau đó được phục vụ mang đến thường là loại trà có đường. Tuy nhiên, hiện nay, các loại trà không đường đang ngày càng trở nên phổ biến trên khắp khu vực, và Indonesia cũng không phải là ngoại lệ.

Tỷ lệ béo phì tăng cao khiến người dân Indonesia cảnh giác nhiều hơn với việc tiêu thụ đường quá mức. Và, các nhà sản xuất đồ uống đang nhìn thấy sự bùng nổ nhu cầu về đồ uống không đường. Đại diện một nhà hàng ở phía Nam thủ đô Jakarta của Indonesia cho biết, doanh thu từ các loại trà không đường đang ngày càng tăng tại nhà hàng này.

Từ những năm 1970, loại nước giải khát nổi tiếng và phổ biến hàng đầu ở Indonesia là Tehbotol (“trà đóng chai”) – một loại trà hoa nhài có đường – được bán trên khắp đất nước vạn đảo. Hồi tháng 9 năm ngoái, nhà sản xuất Sinar Sosro của Tehbotol cuối cùng cũng phải ra mắt một phiên bản trà không đường với tên gọi Tehbotol Tawar (“trà nguyên chất”).

Các loại trà không đường đang dần chiếm nhiều chỗ hơn trên các kệ hàng siêu thị ở Indonesia. Công ty đồ uống Ito En (Nhật Bản) đã ra mắt một loại trà xanh không đường là Oi Ocha. Các đối thủ khác của Ito En trong ngành đồ uống tại thị trường Indonesia như Ichitan Group (Thái Lan) cũng đang tung ra nhiều loại sản phẩm không đường.

Đằng sau sự gia tăng nhu cầu về loại đồ uống này là sự quan tâm nhiều hơn đến các nguy cơ bệnh do lối sống – một “tác dụng phụ” của việc lượng người giàu ở Indonesia đang tăng lên và họ được tận hưởng chế độ ăn uống phong phú hơn trước. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, có 7% người Indonesia bị bệnh tiều đường, 5,7% người bị béo phì và 24,4% người thừa cân.

Lo lắng về nguy cơ gia tăng chi phí chăm sóc sức khỏe, Chính phủ Indonesia đang nỗ lực thúc đẩy các lối sống lành mạnh hơn. Họ đang cảnh báo về sự nguy hiểm của việc tiêu thụ đường quá mức và kêu gọi người dân tập thể dục nhiều hơn. Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã công bố một chương trình bảo hiểm y tế quốc gia – một phần trong nỗ lực của chính phủ để giảm thiểu các bệnh do lối sống như béo phì và cao huyết áp.

Những nỗ lực này đang phát huy hiệu quả, với sự hưởng ứng nhiều nhất từ các cư dân thành phố. Chẳng hạn, The Jakarta Marathon – cuộc chạy đua marathon được tổ chức hằng năm tại Thủ đô Jakarta – đang ngày càng thu hút nhiều sự quan tâm. Đồng thời, nhiều người dân cũng thích sử dụng xe đạp hơn trước.

Các nhà sản xuất trà đang tận dụng xu hướng chú trọng vận động và tăng cường sức khỏe của người dân để ra mắt các sản phẩm mới. Đại diện Sinar Sosro cho biết, mặc dù đồ uống có đường vẫn là dòng sản phẩm chính, hãng vẫn đang tìm kiếm những thị trường mới, trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt với những đối thủ nội địa lẫn quốc tế.

Bên cạnh những dòng sản phẩm không đường, các loại đồ uống ít đường cũng đang có mặt trên thị trường Indonesia để thu hút một bộ phận người tiêu dùng nhất định. Các loại soda không đường cũng dần trở nên phổ biến hơn.

Trên khắp châu Á, sự quan tâm mạnh mẽ đến vấn đề bệnh do lối sống đã khiến nhiều nước bắt đầu tiến hành đánh thuế đối với đường và soda, như Ấn Độ, Thái Lan và Philippines. Chính phủ nhiều nước khác trong khu vực cũng đang xem xét triển khai các cách làm tương tự.

BÍCH TRÂM

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Trả lời

Close