Chính trị - Xã hộiKinh tế vĩ mô

Tập đoàn Thụy Sỹ nâng tầm sản phẩm gạo Việt

Tập đoàn Bühler (Thụy Sĩ) hôm nay khánh thành nhà máy chế tạo máy móc, thiết bị sản xuất lúa gạo tại tỉnh Long An để khai thác lợi thế sản xuất lúa gạo lớn ở Việt Nam.

Là nước xuất khẩu gạo thứ 3 trên thế giới nhưng nông dân trồng lúa vẫn nghèo. Một lý do quan trọng được chuyên gia chỉ rõ là chính giá gạo xuất khẩu thấp, vì không có thương hiệu. Một trong những yếu tố khiến giá trị xuất khẩu gạo thấp là chất lượng chưa cao do khâu chế biến.

Các nhà sản xuất lúa gạo Việt Nam phần lớn chưa chú trọng nhiều đến khâu chế biến hoặc chế biến theo phương pháp thủ công. Buhler đã có nhiều nghiên cứu và thấy được thị trường lúa gạo Việt Nam đang cần gì.

Cụ thể, Tập đoàn Buhler đã xây dựng nhà máy rộng 10.000 m2 tại Long An. Nhà máy chuyên sản xuất các loại máy chế biến gạo như máy đánh bóng, máy tách sạn, máy xát trắng, máy bóc vỏ…

Đại diện phía Buhler nêu lý do chọn Việt Nam là nơi đặt nhà máy vì Việt Nam là nhà sản xuất lúa gạo đứng thứ 4 thế giới, thứ 3 về xuất khẩu gạo toàn cầu. Bên cạnh đó, chính trị ổn định, tốc độ tăng trưởng cao cũng là lý do mời gọi Buhler đến đầu tư tại Việt Nam.

Ông Rustom Mistry, Giám đốc Kinh doanh ngành gạo khu vực châu Á, Chủ tịch Buhler Việt Na cho nhận định, “Việt Nam sản xuất lúa gạo nhiều với chất lượng tốt nhưng vẫn chưa xây dựng tốt thương hiệu gạo Việt. Lý do chủ yếu nằm ở khâu chế biến. Người chế biến cần nắm rõ được độ ẩm phù hợp. Độ ẩm quá cao thì cũng khiến gạo dễ hỏng.

Bên cạnh đó, ở Việt Nam, nhà sản xuất chưa chú trọng nhiều đến khâu chế biến. Nếu sạn, bụi lẫn vào gạo cũng khiến gạo không an toàn, giảm chất lượng. Nếu quy trình tốt thì sẽ nâng cao chất lượng của hạt gạo”.

Lãnh đạo Buhler cho rằng nhà máy được khánh thành trong thời khắc quan trọng đối với thị trường sản xuất lúa gạo ở Việt Nam. Năm nay, sản xuất gạo dự tính đạt 50 triệu tấn. Hơn 5.000 doanh nghiệp ở Việt Nam đang hoạt động trong lĩnh vực lúa gạo, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia sản xuất lúa gạo lớn nhất thế giới.

Trong số 5.000 doanh nghiệp sản xuất lúa gạo tại Việt Nam, khoảng 1.000 doanh nghiệp cỡ lớn và Buhler kỳ vọng sẽ thu hút khoảng 40% đối tượng khách hàng là doanh nghiệp cỡ lớn.

Hiện, cả nước có 3,8 triệu ha đất lúa và khoảng 7 triệu ha diện tích lúa 2 vụ. Lúa trồng ở miền Trung trở ra phía Bắc chủ yếu tiêu thụ nội địa, còn ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) phục vụ xuất khẩu.

Ông Ma Quang Trung, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), từng cho biết, thu nhập của bà con nông dân trồng lúa đang ở mức thấp. Theo ông, nếu 1 ha lúa, trồng một năm 2 vụ, được hơn 10 tấn, thu được 60-70 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí cho mua giống, phân bón, thuốc trừ sâu, công… (thường chiếm khoảng 70%), nông dân thu được chỉ khoảng 20 triệu/ha, rất thấp.

Thế Trần

Theo Trí Thức Trẻ

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Trả lời

Close