Theo Markus Schomer, chuyên gia kinh tế trưởng tại PineBridge Investment, những hệ lụy dai dẳng của cuộc khủng hoảng tài chính đã khiến những vấn đề kinh tế trở nên trầm trọng hơn và cuối cùng là ảnh hưởng đến kết quả bầu cử.
Chiến thắng của Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vừa qua đã khiến cả thế giới phải ngạc nhiên bởi từ giới phân tích đến kết quả thăm dò đều dự đoán một kết quả hoàn toàn ngược lại.
Gần 2 tháng kể từ khi sự kiện này diễn ra, đã có rất nhiều bài báo được viết ra để giải thích bằng cách nào và tại sao Trump lại giành chiến thắng. Thậm chí một số người đổ lỗi cho các hacker Nga hoặc Giám đốc Cục điều tra liên bang James Comey.
“Lý do Trump thắng là vì một phần của nước Mỹ không cảm thấy thỏa mãn với những lợi ích kinh tế mà chính quyền của Tổng thống Obama mang lại. “Nhiều công việc trong ngành sản xuất đã mất đi mà không có việc làm mới nào được tạo ra”, Schomer nhận định trong một buổi phỏng vấn với Markets Insider.
Có một khoảng trống lớn giữa những việc làm bị mất đi ở những trung tâm sản xuất truyền thống (như Ohio, Pennsylvania hay Michigan) và những việc làm mới được tạo ra ở những nơi như California.
Khoảng trống này bị phóng to lên khi chịu tác động từ thị trường nhà đất.
“Trong thời kỳ trước khủng hoảng tài chính, nhà đất là một tài sản có tính thanh khoản rất cao. Nếu bạn mất việc ở Ohio, chỉ cần bán nhà và chuyển tới California – nơi dễ tìm được việc hơn. Nhưng vì khủng hoảng nhà đất mà nhiều người không biết phải làm gì”, Schomer nói.
Ông còn bổ sung thêm rằng trong 6 năm qua, triết lý việc làm ở đâu thì dân Mỹ sẽ đi tới đó không còn đúng nữa. Những việc làm mới được tạo ra không phải là loại mà ai cũng có thể làm được. Người thất nghiệp khó chuyển sang một ngành mới.
Trong vài thập kỷ gần đây, thứ gọi là tính di động về dân số ở Mỹ đã suy yếu. Theo báo cáo của Liberty Street Economics công bố hồi tháng 10, tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động (từ 25 đến 59 tuổi) chuyển đến một bang khác đã giảm từ mức 3% của những năm 1980 xuống còn 1,5% trong năm 2010.
Báo cáo có đoạn: “Ý tưởng chuyển từ bang này sang bang khác để kiếm việc là một trong những “sợi chỉ” thêu dệt nên giấc mơ Mỹ. Tuy nhiên, hình tượng một nước Mỹ “di động” đã mờ nhạt đi nhiều trong mấy chục năm trở lại đây”.
Ngày càng có nhiều người sống ở miền Trung nước Mỹ tin rằng giá trị của ngôi nhà mà họ sở hữu không tăng lên, trong khi đây là khu vực bị mất đi nhiều việc làm và tính di động của lao động là điều quan trọng nhất. Bản đồ dưới đây của Cục dự trữ liên bang thể hiện rõ nét điều này.
Theo Schomer, dưới thời Tổng thống Obama, không có bất kỳ chính sách nào được đưa ra để giải quyết vấn đề này. Giấc mơ Mỹ vì thế đã mang một màu sắc khác và đó cũng chính là lý do khiến bà Clinton “thua đau” ở Pennsylvania và Ohio – những nơi tưởng chừng như đã nắm chắc phần thắng.
Trí thức trẻ