CEO Thế giớiNhân vật

“Giấc mơ Mỹ” nghiệt ngã của “vua nệm” 1800mattress: Từ cậu bé ngủ ổ rơm, nằm lề đường, thành cha đẻ chuỗi nệm lớn nhất Hoa Kỳ

Napoleon Barragan – nhà sáng lập 1800Mattress, thường được mọi người nhớ đến như là một minh chứng hùng hồn cho “giấc mơ Mỹ”, nhưng chính 1800Mattress cũng dạy không ít người về sự thật nghiệt ngã trong kinh doanh.

Thời gian đầu bão tố

Napoleon Barragan được sinh ra vào năm 1941 tại Bilovan, một vùng quê nghèo khó chuyên làm nông tại Ecuador. Suốt thời niên thiếu, Napoleon phải ngủ trên từng lớp rơm được đan lại trên một sàn nhà dơ bẩn. Không cam phận, khi vừa được 17 tuổi, Napoleon bỏ xứ đến lập nghiệp tại Colombia với hy vọng về một tương lai tươi sáng.

Tại đất nước xa lạ, chàng trai trẻ tuổi bắt đầu bằng việc chở bia và nước ngọt trên lưng lừa. Với mức lương hàng ngày chỉ khoảng 24 pesos (tỷ giá hiện tại vào khoảng 26.000 VND – PV), Napoleon thường xuyên ngủ ngoài lề đường và trong công viên vì không đủ tiền thuê nhà.

Không lâu sau đó, Napoleon lấy vợ tên là Kay Barragan, cả hai đều nuôi hy vọng lập nghiệp tại Mỹ và cùng nhau bay đến đây với đứa con gái 2 tuổi của mình. Không có tiền ở trọ, gia đình 3 người phải ngủ nhờ trên ghế sofa tại nhà người thân trong khi Napoleon đi làm đủ thứ việc lao động tay chân, từ đóng hộp giày, lắp thảm cho đến đóng khuy nhựa … Sau này, ông trở thành một nhân viên tiếp thị tại một cửa tiệm nội nhất cũ vì khả năng giao tiếp tốt của mình. Vợ Napoleon cũng không ngừng phụ giúp chồng mình bằng cách tham gia tiếp thị mỹ phẩm Avon.

Quyết tâm khởi nghiệp với chỉ 2.000 USD từ vợ

Giấc mơ Mỹ nghiệt ngã của vua nệm 1800mattress: Từ cậu bé ngủ ổ rơm, nằm lề đường, thành cha đẻ chuỗi nệm lớn nhất Hoa Kỳ - Ảnh 1.

Vào năm 1976, Napoleon nhận ra cơ hội kinh doanh của đời mình trong lúc đọc báo khi chờ tàu điện ngầm. Trên tờ báo định mệnh đó là mục quảng cáo cho Dial-A-Steak, dịch vụ bán thịt chiên nướng giao qua điện thoại.

Ý tưởng lóe lên trong đầu Napoleon, nếu người dùng sẵn sàng gọi điện thoại chỉ để đặt những mẩu thịt kia, tại sao ông lại không bán nệm qua điện thoại? Mượn 2.000 USD từ vợ của mình, Napoleon thành lập công ty cung cấp nệm qua điện thoại: Dial-A-Mattress (Mattress nghĩa là Nệm).

Sau khi sử dụng hết số tiền trên để lập nghiệp, Napoleon làm ngày làm đêm để không phụ lòng người vợ. Nhưng dù cố gắng đến mấy, Dial-A-Mattress vẫn chật vật trên thị trường với tên tuổi không mấy nổi bật.

Quyết tâm “liều” một lần nữa, Dial-A-Mattress chi một khoản tiền khổng lồ để xuất hiện trên sóng truyền hình vào năm 1986, tức 10 năm sau khi thành lập.

Và khi một nhà sản xuất chương trình phàn nàn rằng chữ “Mattress” quá dài đối với 7 số điện thoại sau số 1800. “Vậy tại sao chúng ta không để dành chữ “s” cuối cùng”, một phụ tá góp ý. Và từ đó, câu slogan “Chữ s cuối là dành cho tiết kiệm” – “Leave off the last ‘s’ for savings” ra đời và nhanh chóng trở thành mẫu quảng cáo ăn sâu vào tâm trí người dùng vào thời điểm đó.

Công ty đổi tên thành 1-800-Mattess vào năm 1994. Đến những năm 1990, 1-800-Mattress trở thành công ty bán lẻ nệm lớn nhất nước Mỹ.

Giấc mơ Mỹ nghiệt ngã của vua nệm 1800mattress: Từ cậu bé ngủ ổ rơm, nằm lề đường, thành cha đẻ chuỗi nệm lớn nhất Hoa Kỳ - Ảnh 2.

1-800-Mattress ghi điểm với khách hàng nhờ cam kết giao hàng cho khách chỉ trong vòng 4 giờ kể từ lúc đặt hàng, luôn có một đội ngũ túc trực tư vấn 24/24 và sẵn sàng hỗ trợ “giải quyết” tấm nệm cũ của thượng đế. “Tôi xem ông ta là một vĩ nhân,” một nhà phân tích kinh tế chia sẻ. “Không ai dám mơ rằng mình có thể đặt nệm qua điện thoại và được giao ngay trong ngày. 1-800-Mattress là một chủ đề được bàn tán xôn xao vào thời kì đó.”

Thời kỳ “lên voi, xuống chó”

Giấc mơ Mỹ nghiệt ngã của vua nệm 1800mattress: Từ cậu bé ngủ ổ rơm, nằm lề đường, thành cha đẻ chuỗi nệm lớn nhất Hoa Kỳ - Ảnh 3.

Nhưng chưa phát triển được bao lâu, Napoleon đã bị bắt vì trốn thuế. Vào tháng 3 năm 1993, cảnh sát ập vào văn phòng tại nhà kho Queens và tìm thấy rất nhiều sổ sách kế toán giả mạo. Chỉ vài ngày sau, “ông vua nệm” bị cáo buộc trốn tổng cộng 300.000 USD tiền thuế.

“Vua nệm vào tù” được đăng ầm ầm trên khắp mọi mặt báo vào thời đó, Napoleon bị giam giữ 36 giờ, phải chịu một năm theo dõi bằng vòng chân điện tử và trả 1 triệu USD tiền phạt. Sự cố này được ông miêu tả là “Sai lầm lớn nhất cuộc đời”, và nó cũng đánh dấu một thời kì “chao đảo” của hệ thống 1-800-Mattress.

Nhưng nhà sáng lập “cứng đầu” đó không hề khuất phục, sau bê bối tài chính, 1-800-Mattress nhanh chóng “thay máu” chính mình bằng cách mở hàng loạt showroom trên khắp cả nước, xây dựng một website để khách hàng có thể dễ dàng tìm kiếm và đầu tư mạnh mẽ vào thương hiệu.

1-800-Mattress còn cung cấp thêm các mẫu nệm được làm bằng tay từ Hypnos, thương hiệu “xa xỉ” chuyên làm nệm cho gia đình hoàng gia Anh với mức giá trung bình … 12.000 USD mỗi tấm. Vào năm 2004, 1-800-Mattress phá vỡ kỷ lục doanh thu 100 triệu USD. Và vào năm 2005, công ty đạt thành tích kinh doanh cao nhất từ lúc thành lập với hơn 300 nhân viên, 50 showroom, 250 nhà phân phối và doanh thu đạt tới 120 triệu USD.

Giấc mơ Mỹ nghiệt ngã của vua nệm 1800mattress: Từ cậu bé ngủ ổ rơm, nằm lề đường, thành cha đẻ chuỗi nệm lớn nhất Hoa Kỳ - Ảnh 4.

Napoleon lúc này tuy đã 65 tuổi nhưng vẫn liên tục tham gia vận hành trực tiếp và nhiều lần còn ngủ ngay tại showroom vào những đợt sale cao điểm. Napoleon không chỉ tập trung vào kinh doanh mà còn hào phóng chia sẻ tài sản của mình cho các quỹ từ thiện, cung cấp nhiều suất học bổng và mở ra nhiều vị trí thực tập ngay tại công ty.

Nhưng tiếc thay, do phát triển quá nhanh mà không chú ý đến bảo toàn lợi nhuận và giữ vững lợi thế cạnh tranh. 1-800-Mattress dần dần thua lỗ và phải nộp đơn xin phá sản vào ngày 23 tháng 3 năm 2009. Không lâu sau đó, 1-800-Mattress được đối thủ Sleepy’s mua lại và chính thức trở thành 1800Mattress.com, khép lại ba thập kỷ với nhiều bài học kinh doanh sâu sắc.

Lê Thanh Sang

Theo Trí Thức Trẻ

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Để lại một bình luận

Close