Câu chuyệnKinh doanh

Giữ hay buông công ty gia đình?

Rất nhiều mô hình công ty gia đình đã thành danh và thành công trên thương trường. Liệu mô hình này có còn phù hợp trong bối cảnh hội nhập toàn cầu?     

Minh Long, Kinh Đô, Biti’s, Liên Thái Bình Dương, Doji… là những công ty gia đình đang rất nổi tiếng trên thương trường Việt Nam.

Đó cũng là những minh chứng cho thấy, mô hình công ty gia đình đã giành được chỗ đứng và khẳng định được vị thế của mình. Tuy vậy, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hiện nay, những điểm yếu cố hữu của mô hình công ty cũng đã bộc lộ rõ ràng hơn.

Để có thể đứng vững trong môi trường cạnh tranh toàn cầu, các công ty gia đình hiện có quá nhiều vấn đề cần khắc phục và giải quyết, từ việc hoạch định đội ngũ kế thừa, những xung đột trong công ty gia đình, đến việc có nên sử dụng nhà quản lý chuyên nghiệp ngoài gia đình hay không, quản trị và kiến tạo doanh nghiệp…

Thực tế cho thấy, ngoài những gia tộc kinh doanh đình đám, đã thành danh trên thương trường và khẳng định được uy tín của mình, thì không ít công ty gia đình khá khó khăn khi làm việc với đối tác. Lý do là, các đối tác thường e dè khi phải làm việc với một bộ máy công ty giằng chéo giữa quyền lợi và nghĩa vụ của các thành viên trong một gia đình. Chính yếu tố này khiến các công ty gia đình thiếu đi sự linh hoạt trong việc đưa ra quyết định.

Vì thế, nhiều công ty gia đình đã tính đến việc từ bỏ mô hình công ty gia đình để chuyển hướng sang mô hình công ty cổ phần để trở nên cạnh tranh hơn trên thương trường. Nhưng không phải công ty nào cũng sẵn sàng buông bỏ. Đó là một bài toán không dễ giải.

Câu chuyện xảy ra ở một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nhập khẩu và phân phối nguyên vật liệu cho ngành in, chủ yếu là giấy. Cách đây hơn 10 năm, công ty được thành lập bởi sự chung tay, góp sức của những người anh, em, họ hàng của một gia đình. Trong đó, CEO và các cổ đông là những người đã có công sức xây dựng, phát triển và đóng góp vốn liếng nhiều nhất cho Công ty. Bởi vậy, hiện nay, CEO và các cổ đông đang là những người nắm giữ tỷ lệ sở hữu Công ty cao nhất và cũng đang tiếp tục nỗ lực sát cánh để đưa công ty phát triển và hội nhập.

Nhận thấy thị trường có nhiều cơ hội để phát triển kinh doanh, tăng doanh thu và tăng lợi nhuận, Công ty đã chuyển hướng từ phân phối sang trực tiếp in ấn các sản phẩm như bao bì giấy, nhãn hàng hóa, bao thư. Việc kinh doanh thuận lợi, số lượng đơn hàng tăng lên nhanh chóng, đòi hỏi phải đầu tư thêm nhiều máy móc, thiết bị… Lúc này, doanh nghiệp nhận thấy rằng, khả năng tài chính có hạn sẽ cản trở tham vọng phát triển của Công ty.

Trước tình hình đó, CEO và các cổ đông đã ngồi lại với nhau để tìm giải pháp. Các cổ đông cho rằng, Công ty cần chuyển đổi từ mô hình gia đình sang cổ phần (đại chúng) để gọi vốn. Đây là điều kiện tiên quyết để Công ty có thể thực hiện được các tham vọng phát triển, cạnh tranh thành công trong thời gian tới, đặc biệt trong bối cảnh hiện có một số đối tác đã sẵn sàng bàn chuyện hợp tác, song lại e ngại mô hình công ty gia đình. Thậm chí, các cổ đông còn nghĩ tới một tương lai xa hơn, đó là công ty tiến tới niêm yết trên sàn chứng khoán để huy động nguồn lực của xã hội.

Song, trái ngược với ý kiến của các cổ đông, CEO cho rằng, nếu chuyển đổi thì tỷ lệ sở hữu của CEO và các cổ đông hiện hữu sẽ giảm, nên việc kiểm soát và chia sẻ lợi nhuận của CEO và các cổ đông trong Công ty sẽ giảm. Đồng thời, phải tiến hành tái cấu trúc bộ máy nhân sự từ trên xuống dưới, tăng nhân viên, phân chia trách nhiệm. Bên cạnh đó, phải tăng quy mô sản xuất, phát triển, nên kéo theo hàng loạt vấn đề. Như vậy, Công ty có thể rơi vào tình trạng phát triển nóng và khó kiểm soát.

Do đó, CEO không đồng tình với quan điểm trên của cổ đông và đề nghị giữ nguyên mô hình hiện tại, đồng thời đề xuất việc CEO và các cổ đông rót vốn thêm giúp Công ty nắm bắt cơ hội thành công. Thậm chí, nếu cần thì sẽ đi vay vốn bên ngoài.

Tuy nhiên, các cổ đông không đồng tình với quan điểm của CEO. Vậy phải quyết định như thế nào trong trường hợp này?

Đây chính là tình huống và là bài toán được đặt ra trong Chương trình CEO – Chìa khóa thành công kỳ này, với chủ đề Tái cấu trúc hệ thống – gia đình hay cổ phần. Bà Trần Thanh Hà, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty cổ phần Bes Việt Nam sẽ là người ngồi ở vị trí CEO để giải quyết tình huống này. Bà Trần Thanh Hà cũng là doanh nhân sẽ xuất hiện trên chuyên mục Chân dung doanh nhân của Báo Đầu tư số báo này.n

Chuyên mục được thực hiện với sự hợp tác của Chương trình CEO – Chìa khóa thành công do Đài Truyền hình Việt Nam và Tổ hợp Truyền thông Hoàng Gia phối hợp sản xuất với sự đồng hành của nhãn hàng OTIV.

Theo Nhã Nam
baodautu.vn

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Trả lời

Close