Bất động sảnThị trường

Thực hư về tranh chấp tại Dự án Riverside Garden của Prosimex

Đại diện chủ đầu tư khẳng định, dự án đáp ứng đầy đủ quy định pháp lý. Nội dung trên băng rôn của các cổ đông Prosimex về việc dự án đang có tranh chấp là không đúng.

Chiều 7/11, phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán đã có cuộc làm việc với CTCP Sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu Prosimex và Công ty Videc, đối tác của Prosimex trong việc thực hiện Dự án Riverside Garden (quận Thanh Xuân, Hà Nội) để tìm hiểu thực hư chuyện đất dự án này đang có tranh chấp.

Trước đó, dư luận xôn xao trước vụ việc các cổ đông của Prosimex căng băng rôn, biểu ngữ tại Dự án Riverside Garden với nội dung khuyến cáo khách hàng không nên mua dự án này do đất đai đang có tranh chấp.

Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, ông Lữ Văn Sơn, Chủ tịch HĐQT Prosimex khẳng định, hành vi căng băng rôn là cản trở doanh nghiệp đang kinh doanh hợp pháp. Dự án Riverside Garden đã được triển khai theo đúng các quy định của pháp luật.

Cụ thể hơn, ông Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng phòng Hành chính – Kinh doanh của Công ty Videc cho biết, Dự án Riverside Garden đang ở giai đoạn mở bán, hiện đã làm xong móng và tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật, cũng như thực hiện tất cả thỏa thuận hợp tác liên doanh giữa hai bên.

Theo ông Dũng, việc mở bán là đúng quy định, bởi để có thể mở bán, dự án phải có văn bản chấp thuận của Sở Xây dựng, có đăng ký hợp đồng mẫu gửi tới Sở Công thương, có thư bảo lãnh bán nhà hình thành trong tương lai của ngân hàng.

“Những cổ đông này đã tham dự đại hội và biểu quyết đồng ý thông qua việc liên doanh liên kết thực hiện dự án. Việc này đã có từ trước khi tôi tham gia ban lãnh đạo công ty, nhưng bây giờ họ lại quay ra phản đối”

– Ông Lữ Văn Sơn, Chủ tịch HĐQT Prosimex.

Ông Dũng cho biết, từ năm 2015, UBND TP. Hà Nội đã có Quyết định số 7219/QĐ-UBND về việc cho phép Công ty Prosimex chuyển đổi mục đích sử dụng hơn 8.800 m2 đất tại phường Khương Đình, quận Thanh Xuân (Hà Nội) để thực hiện dự án Khu nhà ở để bán kết hợp văn phòng và dịch vụ với tên thương mại là Riverside Garden.

Quyết định này cũng nêu rõ, cho phép chuyển đổi sang đất nhà ở để thực hiện Dự án Riverside Garden, trong đó Prosimex hợp tác với Công ty Videc. Công ty Prosimex và Công ty Videc có trách nhiệm liên hệ với các cơ quan chức năng để xác định giá thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất…; nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất…; làm thủ tục về xây dựng, cấp phép xây dựng; sử dụng diện tích đất đúng vị trí, mốc giới, diện tích, mục đích.

“Sau đó, chúng tôi đã triển khai dự án và đã được Sở Xây dựng cấp phép xây dựng theo Giấy phép số 17/GPXD-SXD ngày 18/3/2016. Đến nay dự án đã hoàn thành phần móng, có bảo lãnh của ngân hàng, có văn bản của Sở Xây dựng xác nhận đủ điều kiện ký hơp đồng bán, thuê mua”, ông Nguyễn Trung Dũng cho biết.

Cũng theo ông Dũng, nội bộ cổ đông Công ty Prosimex mâu thuẫn với nhau thì họ có thể đề nghị HĐQT giải quyết các quyền lợi cho họ, nếu không thỏa đáng thì có thể khởi kiện đề nghị Tòa án giải quyết, chứ không thể gây rối tại Dự án.

Về mâu thuẫn nội bộ cổ đông Prosimex, ông Lữ Văn Sơn cho biết, chủ trương thực hiện Dự án trên khu đất 349 Vũ Tông Phan (Hà Nội) có từ năm 2014, thể hiện qua tờ trình số 29/2014/Ttr-HĐQT và sau đó đã được thông qua tại ĐHCĐ với tỷ lệ đồng ý là 99,28% và chỉ 1 ý kiến không đồng ý, nhưng không phải là một trong số các cổ đông đến căng băng rôn tại dự án.

“Những cổ đông này đã tham dự đại hội và biểu quyết đồng ý thông qua việc liên doanh liên kết thực hiện dự án. Việc này đã có từ trước khi tôi tham gia ban lãnh đạo công ty, nhưng bây giờ họ lại quay ra phản đối”, ông Lữ Văn Sơn nói.

“Họ còn có văn bản chào bán cổ phần nêu lý do vì HĐQT và Tổng giám đốc đã bán trụ sở làm việc, nên họ yêu cầu mau lại cổ phần với giá 80.000 đồng/CP. Nhưng tôi khẳng định không có việc bán trụ sở công ty. Hợp đồng hợp tác đầu tư giữa Prosimex và Videc tôi đã cung cấp cho họ rồi, hai bên cùng thực hiện dự án và Prosimex được hưởng 75 tỷ đồng cộng với 1.000 m2 mặt sàn tầng 3”, ông Sơn thông tin thêm.

 

Được biết, mẫu thuẫn tại Prosimex kéo dài từ lâu. Một nhóm 57 cổ đông cho rằng, từ năm 2014, Ban lãnh đạo Công ty đã ký bán thanh lý khối tài sản trên với tổng số tiền thu về là 75 tỷ đồng và 1.000 m2 sàn văn phòng làm việc.

Tại các cuộc họp ĐHCĐ, HĐQT, Ban lãnh đạo không đề cập việc bán thanh lý, chỉ trình chủ trương xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất, liên doanh liên kết để xây dựng tòa nhà văn phòng cho thuê và xây căn hộ để bán.

Theo nhóm cổ đông này, Công ty đã bán khối tài sản lớn nhất sau cổ phần hóa nhưng họ không hề được hưởng gì từ số tiền bán tài sản.

Bùi Trang

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Trả lời

Close