Cách sốngCâu chuyệnKinh doanhSống
Giữ tâm an giữa đại dịch
Khi mọi thứ bị xáo trộn, từ sinh hoạt hằng ngày đến việc tổ chức sản xuất, kinh doanh, hai chữ “tâm an” dường như quá xa xỉ và xa vời với mọi người, đặc biệt là giới chức, doanh chủ, nhà điều hành và nhà quản lý. Đại dịch Covid-19 là một phép thử quá lớn, thách đố trí năng và khả năng quản trị cảm xúc cá nhân với những ai bén duyên làm lãnh đạo.
Dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp trên bình diện toàn cầu sau sự xuất hiện của các biến chủng, đặc biệt là biến chủng Delta và Delta Plus, với mức độ lây lan cao hơn 40-60% so với biến thể Alpha, theo công bố của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Ở TP.HCM, từ nội thành đến ngoại ô, những khung cửa đóng im ỉm bên dưới các biển hiệu cửa hàng ăn uống và dịch vụ không thiết yếu. Nhà máy, xí nghiệp trong các khu công nghiệp, khu chế xuất gặp muôn vàn khó khăn ngay từ năm đầu bùng phát dịch, do khan hiếm nguồn cung vật tư, nguyên phụ liệu; nguồn nhân lực thì bấp bênh do giãn cách xã hội, dẫn đến giá bán bị đẩy lên cao. Việc kẹt tàu ở kênh đào Suez, tình trạng giải phóng tàu chậm tại một số cảng phía Nam Trung Quốc dẫn đến áp lực tăng giá cước do thiếu container rỗng. Chưa kể, mỗi ngày doanh nhân phải tiếp nhận và xử lý một lượng lớn thông tin là những chỉ đạo, quy định, yêu cầu, hướng dẫn; rồi thay đổi, điều chỉnh của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương. Hàng loạt hồ sơ, giấy tờ phải hoàn thành theo quy định, chỉ đạo; nào giải quyết chính sách cho người lao động khi thay đổi cấu trúc sản phẩm làm họ dôi dư, nào lập phương án sản xuất và phân bổ nguồn nhân lực, nào thu hồi công nợ, nào xin “giấy thông hành” để hàng hóa được lưu thông (do thiếu sự đồng bộ và hợp tác giữa các địa phương). Vừa giãn cách xã hội, vừa xây “pháo đài” “ba tại chỗ” – sản xuất, ăn uống, nghỉ ngơi tại chỗ để vừa phòng, chống dịch vừa sản xuất. Không đơn giản chỉ là chi phí, mà còn là nguy cơ phải tạm dừng sản xuất nếu cách cách ly như vậy chưa đạt quy chuẩn, dẫn đến công ty mất hợp đồng, người lao động mất việc.
Mỗi ngày đối diện với biết bao khó khăn, thử thách, nhọc nhằn như vậy, tiếp tục “chiến đấu” hay “đầu hàng” đây?
Theo các chuyên gia tâm lý, khi đối diện với sự tác động và thay đổi từ bên ngoài, con người có thể trải qua ba trạng thái tâm lý. Khó chịu: thể hiện qua những biểu hiện kháng cự, bất hợp tác, không chấp hành, chấp hành miễn cưỡng hoặc buông xuôi. Chấp nhận: nhận thức đúng và đủ về bản chất của vấn đề, sẵn lòng chấp hành, hợp tác và tuân thủ. Trưởng thành: ý thức được vai trò, trách nhiệm và đóng góp của bản thân mà tiếp tục nỗ lực, phấn đấu, hy sinh và san sẻ.
Sinh hoạt trong Hội Nữ doanh nhân TP.HCM dưới sự dẫn dắt của bà Cao Thị Ngọc Dung, chúng tôi có những chương trình hành động cụ thể, thiết thực hướng đến xây dựng thân, tâm, trí cho chị em trong Hội, nào là yoga, mentoring, siêu thị 0 đồng, ủng hộ đồ bảo hộ và thiết yếu phẩm cho tuyến đầu chống dịch, vừa chăm sóc bản thân, gia đình, vừa điều hành doanh nghiệp với hàng trăm, có doanh nghiệp lên đến hàng nghìn lao động. Chúng tôi đều có những nỗi niềm riêng, nhưng hơn bất cứ lúc nào, tinh thần người phụ nữ Việt Nam trung hậu, đảm đang càng trỗi dậy. Chính tinh thần lạc quan, chọn cách sống yêu thương, sẻ chia mà những người phụ nữ làm kinh doanh như chúng tôi trong cái khó vẫn ló được cái khôn. Khôn không phải là để tăng trưởng hoặc duy trì doanh số, lợi nhuận trong thời điểm này, mà là bảo toàn nguồn lực cho doanh nghiệp và góp sức chung lòng để hỗ trợ cộng đồng vượt qua đại dịch.
Nhan Húc Quân