Công nghệThời đại số
Hành trình 70 ngày của Samsung Galaxy Note7: Từ đỉnh cao danh vọng xuống vực thẳm tăm tối
Thật đáng tiếc cho một siêu phẩm của năm 2016.
Nếu có một giải thưởng dành cho chiếc smartphone nhiều cảm xúc nhất của năm 2016, chắc hẳn ứng cử viên nặng ký nhất không gì khác ngoài chiếc Samsung Galaxy Note 7. Hành trình kể từ khi ra mắt cho đến lúc nó bị khai tử, đã đem lại cho người dùng vô vàn cung bậc cảm xúc khác nhau, từ hân hoan chào đón, háo hức chờ đợi, cho đến thất vọng tràn trề và cuối cùng là sự nuối tiếc cho một chiếc điện thoại đẹp.
Dưới đây là hành trình của chiếc điện thoại yểu mệnh này, cũng như những cung bậc cảm xúc khác nhau mà nó mang lại.
Ngày 2 tháng Tám: chiếc Galaxy Note7 chính thức ra mắt với những điểm vượt trội hơn hẳn các đối thủ khác: khác biệt với thiết kế màn hình cong, camera và màn hình được đánh giá cao, tính năng bảo mật mống mắt… và được kỳ vọng như một đối thủ nặng ký so với chiếc iPhone mới, chuẩn bị ra mắt.
Phá kỷ lục đặt trước tại Hàn Quốc (200.000 chiếc chỉ trong 2 ngày) gấp đôi so với Galaxy S7, dù là chiếc smartphone có giá ra mắt cao nhất từ trước đến nay. Theo các nhà phân tích tại Strategy Analytics và Nomura Securities, Note7 sẽ bán được khoảng 15 triệu sản phẩm trong năm 2016.
Ngày 19 tháng Tám: Galaxy Note7 bắt đầu mở bán tại 10 thị trường chính, bao gồm Hàn Quốc và Mỹ. Sự nồng nhiệt của người dùng với chiếc smartphone này có thể thấy rõ ở những hàng dài người đứng chờ trong ngày mở bán, cũng như các báo cáo cho thấy nguồn cung thiếu hụt do không đáp ứng kịp nhu cầu tăng cao.
Ngày 18 tháng Tám, sự lạc quan từ doanh số Note7 cũng như tình hình kinh doanh của Samsung đẩy giá cổ phiếu công ty lên mức cao kỷ lục, bổ sung thêm 30 tỷ USD giá trị vốn hóa cho công ty này. Đồng thời đưa Samsung trở thành công ty có giá trị cao thứ 2 châu Á (239 tỷ USD) sau Tencent (249 tỷ USD).
Ngày 24 tháng Tám: vết đen bắt đầu xuất hiện, chỉ 5 ngày sau khi bắt đầu mở bán chính thức, thông tin về chiếc Note7 đầu tiên phát nổ xuất hiện trên các bản tin. Những hình ảnh cháy đen của chiếc Galaxy Note7 nhanh chóng lan rộng trên các phương tiện truyền thông.
Những ngày tiếp theo, thêm một số báo cáo cho biết chiếc Galaxy Note7 bắt cháy hoặc phát nổ, kinh hoàng hơn khi có thông tin về những chiếc Note7 là nguyên nhân cho các vụ nổ xe hoặc cháy nhà, và làm bị thương người dùng. Sự hoang mang của người dùng bắt đầu xuất hiện.
Ngày 2 tháng Chín: Sau liên tiếp các thông tin về cháy và phát nổ của chiếc Galaxy Note7, Samsung buộc phải đưa ra thông báo thu hồi và dừng bán sản phẩm này. Công ty cho biết các sự việc có nguyên nhân từ viên pin trên thiết bị, với 35 báo cáo về lỗi pin trên toàn cầu (cho đến thời điểm đó).
Bên cạnh kế hoạch đổi và thay thế thiết bị cho những người đã mua Note7, một số nhà mạng trên thế giới còn đưa ra chương trình hoàn lại tiền cho người mua. Tổng cộng đã có khoảng 2,5 triệu chiếc Note7 được tiến hành thu hồi.
Ngày 8 tháng Chín: Tác động của các vụ cháy nổ Note7 trở nên nghiêm trọng khi Cục hàng không Liên bang Mỹ và một số hãng hàng không trên thế giới khuyến cáo người dùng không bật hoặc sạc chiếc Note7 trên máy bay (nhưng không được để trong hành lý ký gửi). Ngày 12 tháng Chín, giá cổ phiếu của Samsung chìm sâu 7%, giá trị vốn hóa công ty bốc hơi 14 tỷ USD, dù sau đó đã dần hồi phục trở lại.
Tình hình càng trở nên tồi tệ hơn khi Cục An toàn sản phẩm tiêu dùng Mỹ khuyên mọi người nên dừng sử dụng chiếc điện thoại này. Vào ngày 15 tháng Chín, cơ quan này chính thức yêu cầu thu hồi chiếc Galaxy Note7 khi đến thời điểm đó, đã có 92 báo cáo về pin quá nhiệt xảy ra ở Mỹ, trong đó có 26 trường hợp gây cháy và 55 trường hợp gây thiệt hại về tài sản.
Ngày 19 tháng Chín: Cho dù những chiếc Note7 phân phối ở Trung Quốc được xem là an toàn vì sử dụng pin của nhà cung cấp khác và chỉ một lượng nhỏ phải thu hồi, nhưng vẫn có một số báo cáo cho thấy có 2 chiếc Note7 bị bắt lửa tại thị trường này.
Ngày 1 tháng Mười: Samsung đã bắt đầu bán Note7 trở lại tại Hàn Quốc. Còn tại thị trường Mỹ, công ty cho biết việc thay thế chiếc smartphone này đã hoàn tất, dù vẫn còn một lượng khá lớn người dùng (khoảng 40%) không mang đến chiếc Note7 đến đổi.
Việc mạnh tay thay thế thiết bị mới cho người dùng dường như đã giúp trấn an niềm tin người tiêu dùng khi việc mở bán trở lại có những tín hiệu khả quan. Theo tờ Korea Herald, hai ngày sau khi bán trở lại, Samsung đã bán được 30.000 sản phẩm ở Hàn Quốc.
Ngày 6 tháng Mười: báo cáo đầu tiên cho thấy, một chiếc Note7 dù đã được thay thế nhưng vẫn tiếp tục mắc các vấn đề như trước. Một chiếc Note7 được cho là nguyên nhân gây bốc khói và làm cháy xém tấm thảm trải sàn trên một chuyến bay của hãng Southwest Airlines đã làm hành khách phải sơ tán khỏi máy bay.
Trong những ngày tiếp theo, liên tục xuất hiện các báo cáo về việc những chiếc Note7 đã được thay thế bốc cháy. Ví dụ hai trường hợp người dùng cho biết Note7 bắt cháy tại bang Kentucky và bang Virginia Mỹ chỉ riêng trong ngày 9 tháng Mười.
Ngày 9 tháng Mười: Dường như sức chịu đựng của các đối tác đã tới giới hạn, quá thất vọng về sự ổn định của smartphone này, các nhà mạng lớn ở nước Mỹ, AT&T và T-Mobile cho biết, họ sẽ dừng việc thay thế Note7 cũng như dừng bán sản phẩm này.
Ngày 11 tháng Mười: Chiếc Galaxy Note7 xem như bị Samsung khai tử khi họ phát đi thông báo, yêu cầu các nhà mạng và cửa hàng trên toàn cầu ngừng bán và đổi mới sản phẩm này cho người dùng. Trên trang thu hồi của mình, Samsung cũng khuyến cáo người dùng nên tắt nguồn để đảm bảo an toàn, và những khách hàng đang sở hữu Note7 có thể đổi lấy một smartphone mới hoặc được hoàn lại tiền.
Sau khi thông báo được phát ra, giá cổ phiếu Samsung một lần nữa sụt giảm mạnh 8%, giá trị vốn hóa thị trường bốc hơi 17 tỷ USD. Lời kêu gọi chia tách tập đoàn của nhà đầu tư Paul Elliot Singer có trọng lượng mạnh hơn bao giờ hết.
Dường như vấn đề của chiếc Galaxy Note7 không chỉ đơn giản là từ pin thiết bị, tuy nhiên cho đến khi xác định được chính xác nguyên nhân, việc khai tử thiết bị này lại hết sức cần thiết cho Samsung. Ít nhất họ vẫn có thể cứu vãn danh tiếng của mình bằng những sản phẩm khác.
Rất có thể cứu tinh của họ sẽ là Galaxy Note8.