Quan điểm “không có việc gì khó, chỉ sợ tiền không nhiều, đào núi và lấp biển, không làm được thì thuê” không phải là hiếm. Thế nhưng đừng tưởng “có tiền mua tiên cũng được“. Bởi việc mua không phải lúc nào cũng thuận lợi, dễ dàng, và nếu không cẩn trọng thì rất có thể bạn sẽ mua phải cái mà ông bà vẫn hay gọi là …của nợ.
Đó là nội dung chia sẻ của anh Nguyễn Anh Tuấn, Cố vấn Kinh doanh VBizPromo.com – Dịch vụ tư vấn kinh doanh và xúc tiến thương mại của người Việt tại Úc, trong group Quản trị và Khởi nghiệp. Chúng tôi xin đăng lại bài viết của anh Anh Tuấn.
Bài viết phục vụ cả người đang đi tìm mua lẫn rao bán công việc kinh doanh hoặc kêu gọi đầu tư.
Tôi từng thảo luận về các việc cần làm, các câu hỏi cần trả lời trước khi khởi nghiệp kinh doanh. Nhiều người đọc xong bảo, đấy là dành cho mấy chú “tép riu” đang loay hoay vượt khó, chứ mình trong tay đã có mớ bạc (hoặc cày cuốc tích cóp được, hoặc bố mẹ để lại cho, thậm chí hoặc mới đi vay về) thì mọi việc đơn giản hơn.
Quan điểm “không có việc gì khó, chỉ sợ tiền không nhiều, đào núi và lấp biển, không làm được thì thuê” không phải là hiếm. Thế nhưng đừng tưởng “có tiền mua tiên cũng được“. Bởi việc mua không phải lúc nào cũng thuận lợi, dễ dàng, và nếu không cẩn trọng thì rất có thể bạn sẽ mua phải cái mà ông bà vẫn hay gọi là… của nợ!
Người xưa có câu “mua nhầm nhưng bán không sai” để nói về tình trạng bất đối xứng về thông tin (asymmetrical information) giữa người mua và người bán. Trong khi người bán luôn biết rõ mình đang bán cái gì thì trách nhiệm của người mua là phải tìm cho bằng được thông tin tương xứng với thông tin của người bán về cái định mua.
Để giúp những người đang quan tâm đến việc mua công việc kinh doanh có thêm kiến thức nhằm tránh “mua nhầm” (và cũng để giúp người bán, hay kêu gọi đầu tư, chuẩn bị thông tin để việc sang nhượng được thuận lợi, suôn sẻ, đôi bên đều vui vẻ), bài viết giới đây giới thiệu 7 lỗi thường gặp nhất khi mua công việc kinh doanh ( business), tổng hợp từ trải nghiệm thực tế làm việc với các khách hàng của bản thân.
1. Mua nhầm công việc kinh doanh không phù hợp
Trước khi tìm mua business thì hãy tự trả lời câu hỏi rằng bản thân bạn mong muốn và phù hợp kinh doanh trong lĩnh vực nào và vì sao lại như vậy. Đừng nghĩ rằng người khác mở nhà hàng thành công thì mình cũng có thể làm tương tự.
Bất kể là bạn mua business để tự điều hành hay thuê giám đốc điều hành thì bạn vẫn cần phải mua một business phù hợp với kỹ năng, kiến thức, đam mê và cả tính cách của bạn.
Ngay cả việc mua franchise business (kinh doanh nhượng quyền) – thương hiệu đã “thành danh”, chỉ cần bỏ tiền là được người nhượng (franchisor) thiết lập, đào tạo và trợ giúp toàn bộ để hệ thống sẵn sàng vận hành và đẻ ra tiền, thì việc lựa chọn loại hình phù hợp vẫn hết sức quan trọng. Có người sẽ phù hợp với franchise về nhà hàng, cà phê, nhưng có người lại phù hợp với franchise về cắt cỏ (lawn-mowing) chẳng hạn.
2. Căng sức quá mức về mặt tài chính
Một trong những sai lầm thường thấy ở những người đi mua business là lâm vào hoàn cảnh nợ nần quá sức. Nếu chưa tích lũy đủ tài chính, bạn không nên quá phụ thuộc vào các khoản vay để mua business. Hãy chờ cho đến khi có đủ tiền hoặc nếu không hãy gọi thêm cộng sự.
Một khi đã ‘tất tay’ để mua business mà không có một khoản tiền dự phòng cho những chi phí phát sinh, bạn sẽ hết sức khó khăn trong việc vận hành thành công business đó. Nên nhớ, trong giai đoạn đầu của kinh doanh, bạn cần nhiều tiền hơn bạn tưởng.
Quy tắc bất thành văn: Hãy chuẩn bị đủ tiền để có thể chịu cảnh không có thu nhập, thậm chí chịu lỗ tối thiểu 6 tháng-1 năm.
3. Không biết tại sao business đó được bán
Chủ của business có thể nói với bạn đơn giản là vì họ đã đến lúc muốn về hưu để nghỉ ngơi hay gia đình họ có vấn đề nên không thể toàn tâm toàn ý tập trung cho công việc kinh doanh nữa. Tuy nhiên, sự thực có thể là họ đã biết mảnh đất ở phía đối diện đã được một đối thủ cạnh tranh đáng gờm mua hay hội đồng thành phố đang dự kiến siết chặt lĩnh vực kinh doanh này trên địa bàn.
Việc tìm hiểu được lý do tại sao business được rao bán (đặc biệt là các business có vẻ đang kinh doanh thuận lợi) và môi trường kinh doanh xung quanh sẽ ra sao khi bạn tiếp nhận business sẽ giúp bạn nắm được ba yếu tố “thiên thời”, “địa lợi” và “nhân hòa” để có quyết định sáng suốt.
4. Không khảo sát, nghiên cứu kỹ về business định mua
Sau khi đã tìm hiểu được lý do vì sao business được rao bán, ‘due diligence’ là bước quan trọng tiếp theo trước khi đàm phán việc mua bán. Đừng nghĩ rằng một business trông có vẻ thành công (đông khách), thậm chí sổ sách kế toán cho thấy có lợi nhuận, là nó không có vấn đề.
Bạn cần phải trả lời cho bằng được business định mua chính xác đang sở hữu gì (own), đang vay mượn gì (borrow), đang thuê mướn gì (lease) và đang nợ gì (owe). Bởi bạn không muốn sau khi đã thành chủ nó thì bị một đống hóa đơn (bills), công nợ (unpaid vendors), tiền thuê mặt bằng đến hạn (due rent) và các chi phí ‘outgoing’ khác như phí hội đồng thành phố (council rate) hay tiền điện nước (electricity and water bills) đổ vào đầu.
5. Không lập kế hoạch kinh doanh
Nghe có vẻ không cần thiết, nhưng ngay cả khi bạn mua một business đang hoạt động tốt và đang có doanh thu, bạn vẫn cần lập Kế hoạch kinh doanh. Bởi sau khi mua business đó, bạn trở thành thuyền trưởng, và bạn cần có một “bản đồ” để lèo lái con thuyền kinh doanh của mình.
Do vậy, trước khi lao mình vào một business, ngoài việc nghiên cứu về nó như đã nói ở trên, bạn cần lập một kế hoạch kinh doanh như thể bạn đã là chủ của nó. Hãy nghiên cứu thị trường địa phương (local market), tìm hiểu về ngành (industry) bạn đang tính tham gia.
Kể cả trong trường hợp mua nhượng quyền, ‘franchisor’ và cả những ‘franchisees’ khác thường có thể nói với bạn rất nhiều về tình hình thị trường sở tại, tình hình thị trường trong nước cũng như những xu hướng tốt đẹp trong ngành. Đừng chỉ lắng nghe họ.
Bạn nên hỏi ý kiến các chuyên gia, đặc biệt là những người có kinh nghiệm lâu năm trong ngành. Hoặc tối thiểu phải lên mạng internet để tự tìm và đọc. Hãy tìm hiểu thật cẩn thận. Và với các thông tin có được, hãy lập một bản Kế hoạch kinh doanh (xem bài phía dưới).
Nếu với bản Kế hoạch Kinh doanh có được, bạn không thấy thật sự ấn tượng với kết quả dự kiến, hãy đừng mua business đó!
6. Không biết giá trị thật của business
Trước khi ngã giá, bạn cần phải thực hiện phân tích tài chính chi tiết để xác định được mức giá phù hợp cần phải trả cho business định mua. Các thông tin cần có được từ người bán gồm: Báo cáo lãi lỗ (Profit & Loss Statements), Bản cân đối kế toán (Balance Sheets), Các tài sản chủ yếu (Key Assets), Các khoản nợ thực tế và dự phòng (Contigent & Actual Liabilities) và Báo cáo dòng tiền (Cashflow Statements).
Bên cạnh đó, việc thực hiện một báo cáo so sánh đối chuẩn (business benchmarking) cũng rất cần thiết, bởi nó sẽ cho bạn biết tương quan của business định mua với các business trong cùng lĩnh vực kinh doanh.
Sau khi phân tích, so sánh, trong một số trường hợp, bạn có thể thấy mua lại business chưa hẳn đã hiệu quả bằng xây dựng một business mới ngay từ đầu.
7. Không đàm phán được một bản hợp đồng mua bán chi tiết
Không giống như mua nhà, với business, bạn cần phải đàm phán từng chi tiết về việc chuyển giao. Bạn phải hết sức chi li và cụ thể đối với mọi việc, từ các vấn đề liên quan đến cửa tiệm (property), hợp đồng thuê mướn (lease contract), tài sản (assets), hàng tồn kho (stock), các hóa đơn đến hạn (outstanding bills) cho đến các vấn đề về sở hữu trí tuệ (intellectual property) như trademarks, website (tiền miền – domain, hệ thống quản trị nội dung CMS) và các trang truyền thông xã hội của business (social media như Facebook, Youtube, Twitter).
Trong hợp đồng mua bán, bạn cần quy định chi tiết ai chịu trách nhiệm lĩnh vực nào và thời điểm chính xác cũng như cách thức mà các trách nhiệm này sẽ được chuyển từ người bán sang người mua.
Tôi đã từng gặp không ít khách hàng sau khi mua business nhưng không biết logo của mình đã được đăng ký bảo hộ hay chưa, hay hoàn toàn không có khái niệm gì về website của business (thậm chí không biết công ty nào đang quản lý tên miền và cơ sở dữ liệu của website).
Theo Trí Thức Trẻ