Thời sựThời sự

Hết thời “mặn nồng”, quan hệ Trung Quốc – Singapore sẽ đi về đâu?

Sự qua đời của cố Thủ tướng Lý Quang Diệu, một nhân tố quan trọng trong các vấn đề liên quan đến Trung Quốc và tranh chấp trên Biển Đông, đã đẩy mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Singapore sang một chương mới.

Cho đến khoảng một năm trước, mối quan hệ giữa Singapore và Trung Quốc có thể được chia thành hai thời kỳ, đó là thời kỳ Mao Trạch Đông và hậu Mao Trạch Đông. Ở giai đoạn thứ nhất, từ khi thành lập Cộng hòa Dân chủ Nhân Dân Trung Hoa năm 1949 đến năm 1978, quan hệ giữa hai quốc gia mới khá lạnh nhạt.

Bắc Kinh, dưới sự lãnh đạo của Mao Trạch Đông, muốn thu hút sự trung thành của những Hoa Kiều và không công nhận sự tồn tại độc lập của Singapore mãi cho đến năm 1970. Trong khi đó, Singapore lo sợ sự ảnh hưởng của Trung Quốc đối với cộng đồng người Hoa. Cố Thủ tướng Lý Quang Diệu khi đó cũng thường xuyên phải chịu sự chỉ trích từ phía truyền thông Trung Quốc.

Năm 1978, giai đoạn thứ hai bắt đầu. Hai năm sau ngày mất của Mao Trạch Đông, thế hệ lãnh đạo mới của Trung Quốc, ông Đặng Tiểu Bình đã tới thăm Singapore và gặp cố Thủ tướng Lý Quang Diệu. Sự kiện này đã chấm dứt thời kỳ đóng băng, mở ra một kỷ nguyên tươi mới khi Singapore được nhìn nhận như một người bạn đồng thời là một hình mẫu trong công cuộc cải cách và mở cửa của Trung Quốc.

Mặc dù thỉnh thoảng cũng có ngắt quãng, nhưng mối quan hệ giữa hai nước vẫn tiếp tục phát triển mạnh mẽ, thương mại và trao đổi gia tăng, đỉnh điểm là lễ kỷ niệm 25 năm quan hệ ngoại giao vào năm ngoái 2015.

Theo như lời của ông Trần Khánh Viêm, Tổng thống Singapore để đánh dấu kỷ nguyên vàng này, đó là: “Các lãnh đạo tiền nhiệm của chúng ta, đặc biệt là ông Lý Quang Diệu và ông Đặng Tiểu Bình, đã đặt một nền móng mạnh mẽ cho mối quan hệ song phương trong những năm 1970. Trong quá trình phát triển 25 năm qua, mối quan hệ giữa hai nước đã nở hoa và tình bạn giữa nhân dân hai nước ngày càng mạnh mẽ hơn”.

Tuy nhiên, thời kỳ này đã kết thúc. Một mối quan hệ bình thường mới giữa Singapore và Trung Quốc đang hình thành, được thể hiện bằng một Bắc Kinh “ngạo mạn” hơn, không còn chỗ cho Singapore cũng như nảy sinh các tranh chấp thường xuyên hơn, từ nhỏ đến lớn.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) và Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long tại Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Hàng Châu tháng 9/2016. 

Dưới đây là ba yếu tố cho thấy sự thay đổi trong mối quan hệ này:

Sự ra đi của một “ông lớn”

Đàu tiên, cái chết của Thủ tướng Lý Quang Diệu vào năm ngoái, như ông Trần Khánh Viêm đã nói, cố lãnh đạo Singapore còn hơn là một người tham gia vào mối quan hệ Trung Quốc-Singapore, mà ông chính là người xây nên nó.

Tình bạn của ông Lý Quang Diệp với ông Đặng Tiểu Bình và cố Tổng bí thư Giang Trạch Dân cũng như vai trò như một người môi giới chân thành trong việc kết nối quan hệ hai nước đã giúp ông Lý có được vị thế quan trọng trong mắt của các nhà lãnh đạo Trung Quốc.

Hồi tháng 5/2011, cựu Phó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vẫn lên lịch gặp gỡ ông Lý Quang Diệu mặc dù trước đó bốn ngày, ông Lý đã tuyên bố rời khỏi nội các và không còn giữ chức vụ chính thức. Dấu hiệu ở đây rất rõ, đó là ông Lý giữ một vị trí đặc biệt trong con mắt của Bắc Kinh.

Thực tế, khi ông Lý Quang Diệu qua đời, truyền thông Trung Quốc đã liên tục đưa tin, một điều hiếm thấy đối với các nhà lãnh đạo nước ngoài. Không may là, tình thế này đã không thể chuyển giao cho lãnh đạo kế tiếp. Những quan hệ tốt đẹp mà ông Lý Quang Diệu gìn giữ suốt hơn bốn thập kỷ, đi qua 5 thế hệ lãnh đạo ở Trung Quốc, cuối cùng cũng đã theo ông xuống mồ.

Chấm dứt sự trỗi dậy hòa bình

Thứ hai, mối quan hệ Singapore – Trung Quốc không thể thoát khỏi xu thế lớn của một Bắc Kinh đang ngày càng quyền lực và quyết đoán hơn.

Trong thời kỳ Olympic Bắc Kinh và khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, một Trung Quốc hùng mạnh hơn đã chọn cách thể hiện sức mạnh của mình một cách thường xuyên và cởi mở hơn. Mặc dù chính sách ngoại giao thời kỳ hậu Mao Trạch Đông bị chi phối bởi tư tưởng “giấu diếm thực lực” nhưng kể từ năm 2008, triết lý này đã bị trì hoãn.

Sự nổi lên của ông Tập sau năm 2012 và giấc mơ Trung Hoa của ông nhằm khôi phục đất nước trở thành một cường quốc toàn cầu, đã cho thấy rõ rằng Bắc Kinh không còn sẵn lòng chơi theo quy định của các nước khác nữa.

Mong muốn cạnh tranh với ưu thế và sự vượt trội của Mỹ, đặc biệt là ở châu Á, đã khiến Trung Quốc không còn không gian và những lựa chọn cho các người chơi nhỏ bé hơn. Các quốc gia như Singapore giờ đây phải níu giữ với lợi ích của hai “người khổng lồ”, không giống như những ngày đơn giản thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh khi Bắc Kinh cần phải chơi với Washington.

Dù muốn hay không, mối quan hệ giữa Trung Quốc và Singapore sẽ cần phải chịu đựng sự căng thẳng và áp lực giữa một cường quốc và một quốc gia đang khao khát phát triển.

Tranh chấp trên Biển Đông

Thứ ba, Bắc Kinh và Singapore đang nảy sinh một vấn đề chông gai và bất đồng, đó là Biển Đông. Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với hầu hết các đảo ở Biển Đông và mặc dù Singapore không tuyên bố chủ quyền ở đây nhưng với sự ủng hộ mạnh mẽ của đảo quốc sư tử trong việc tự do hàng hải đã khiến Bắc Kinh tức giận.

Cuộc tranh cãi mới đây giữa chính phủ Singapore và Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc là vụ việc mới nhất trong chuỗi những bất đồng khiến quan hệ song phương trở nên bấp bênh. Và vấn đề này chắc chắn sẽ không thể giải quyết trong một sớm một chiều.

Vai trò không thể chối cãi của các nước ASEAN trong vấn đề Biển Đông đã khiến Singapore rơi vào một cuộc tranh cãi với Bắc Kinh. Cuối cùng thì, rõ ràng tư cách thành viên của khối 10 quốc gia này vẫn là trung tâm của chính sách đối ngoại của chính phủ Singapore.

Một mối quan hệ bình thường mới?

Với tất cả những lý do trên, thời kỳ hậu Lý Quang Diệu trong mối quan hệ Singapore – Trung Quốc hứa hẹn sẽ bấp bênh hơn những thời điểm trước đó. Tất nhiên, nó sẽ không hoàn toàn ảm đạm bởi chỉ mới tháng trước khi ông Tập Cận Bình gặp gỡ ông Lý Hiển Long bên lề Hội nghị G20 ở Hàng Châu, Chủ tịch Trung Quốc đã khẳng định rằng quan hệ Singapore – Trung Quốc luôn luôn được đặt lên một bước so với quan hệ với các quốc gia ASEAN khác.

Và cũng chỉ mới một năm kể từ khi hai nước ký thỏa thuận phát triển một dự án thứ ba ở Trung Quốc. Song cũng không còn đường nào có thể trốn thoát khỏi một Bắc Kinh ngày càng thích đối đầu và châm chọc.

Đây sẽ là một thử thách cho chiến lược làm bạn với tất cả của Singapore và những yêu cầu buộc quốc đảo này phải lựa chọn giữa các bên có thể sẽ sớm được đưa ra. Trong mối quan hệ bình thường kiểu mới này, không còn gì là dễ dàng cả.

Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin của Channel News Asia, phiên bản điện tử tiếng Anh của kênh Asian TV News (Singapore).

Tuệ Minh (lược dịch)/Infonet

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Để lại một bình luận

Close