70% học sinh, sinh viên trường nghề có việc làm ngay sau khi ra trường; thậm chí, có những nghề 100% học sinh, sinh viên tốt nghiệp có việc làm ngay.
Mùa tuyển sinh năm nay, không ít chuyên gia nhận định đây là năm đầu tiên hệ đào tạo đại học đã không còn thu hút thí sinh nhiều như trước, thay vào đó các trường dạy nghề trở nên nóng một cách đột biến. Đây là sự chuyển biến tích cực về nguồn lao động nhưng cũng cho thấy sự cần thiết trong việc chú trọng vào chất lượng đào tạo đại học ở Việt Nam.
Câu chuyện thành công của các doanh nhân nổi tiếng bỏ ngang không học đại học như Steve Jobs, Bill Gates, Mark Zuckerburg… đã trở thành nguồn “cảm hứng” của giới trẻ Việt Nam và thế giới. Tại Việt Nam, thành công của những “kỹ sư nông dân” cũng khiến nhiều người tự hào về tính sáng tạo của người Việt Nam. Vì một nguyên nhân nào đó, không ít người đã không đến được giảng đường đại học. Họ sẽ tiếp cận với nghề bằng chính đam mê của mình qua lớp học tại các trung tâm đào tạo nghề ngắn hoặc dài hạn. Chẳng hạn, báo chí gần đây đã nhắc nhiều đến chị Vũ Thị Mai (Gia Lai) như một gương điển hình về vượt khó. Chị là một người khuyết tật, tiếp cận và làm quen với công nghệ thông tin bằng đôi chân. Với niềm đam mê công nghệ của mình, chị theo học tại một trung tâm dạy nghề và đến nay chị đã trở thành nhân viên thiết kế đồ họa cho một công ty với mức lương ổn định.
Không ít câu chuyện về những người Việt thành công không qua con đường đại học. Trong khi đó, con số kỹ sư, cử nhân thất nghiệp thì chắc có lẽ không liệt kê ra hết! Theo Tổng cục Thống kê, đến tháng 3.2016, cả nước đang có 418.200 người có trình độ chuyên môn kỹ thuật bị thất nghiệp. Trong đó, có 191.300 người có trình độ từ đại học trở lên, 94.800 người có trình độ cao đẳng chuyên nghiệp nhưng chỉ có 59.100 người có trình độ trung cấp chuyên nghiệp. Theo ông Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội, người lao động có chuyên môn thất nghiệp nhiều tập trung tại trình độ đại học trở lên là do “thừa ở nhóm lao động mà thị trường lao động không cần như ngành quản trị kinh doanh, kinh tế và đang thiếu các kỹ sư công nghệ, kỹ sư chuyên ngành kỹ thuật”.
Trong khi đó, học viên tham gia học nghề, thời gian đào tạo ngắn, chi phí thấp, mặc dù lương không cao nhưng dễ tìm được việc. Doanh nghiệp tuyển dụng có xu hướng đòi hỏi lao động có kỹ năng cao, ở một số công việc, người học nghề lại có kỹ năng thực tế cao hơn người học đại học và họ chấp nhận mức lương thấp hơn nhiều. “Thực tế cho thấy đã có độ vênh giữa công tác đào tạo và nhu cầu tuyển dụng trên thị trường lao động”, ông Vinh khẳng định.
“Nếu như khoảng 10, 20 năm trước, phụ huynh thường định hướng cho con học đại học với những ngành nghề quyết định được tương lai sau 4 năm. Những năm gần đây, sự định hướng này lại trở nên khó khăn hơn, chỉ còn phụ thuộc vào khả năng học tập của con em mình, miễn “đại học” là được. Đến nay, họ nhận thức rõ hơn về việc để con em phát triển bản thân và đại học không là con đường duy nhất”, chuyên gia giáo dục Lê Thị Mỹ Trà chia sẻ.
Thông tin về nạn thất nghiệp tràn lan đã tác động tới ý thức chọn trường, chọn nghề của nhiều gia đình. Ảnh: tcdn.gov.vn |
Mới đây, câu chuyện về một bà mẹ cũng vừa nộp đơn xin cho con được nghỉ học để luyện tập thể thao cũng khiến nhiều người quan tâm hơn đến giáo dục Việt Nam. Bà mẹ “dũng cảm” này là chị Lê Thị Phương Hoa, Giám đốc Trung tâm UNESCO về Phát triển bản thân Life School. Giải thích về quyết định của mình, chị Hoa cho biết, hai đứa con của mình đều từng không đạt thành tích cao về học tập ở trường công nhưng rất tự tin, năng động, giỏi trong các lĩnh vực thể thao, nghệ thuật và chưa bao giờ bị mẹ ép học. Nhưng nhờ phát huy được đam mê và sở trường của mình, con chị đã nhận được học bổng ở Ý…
Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga, các nguyên nhân chính ảnh hưởng đến sự lựa chọn của thí sinh trong mùa tuyển sinh năm nay là do thị trường việc làm và ý thức phân luồng của thí sinh cũng như các vấn đề về học phí, chất lượng giảng dạy. Thị trường việc làm là yếu tố ảnh hưởng đầu tiên đến sự lựa chọn của thí sinh, tiếp đó là ý thức bản thân của thí sinh. Họ chọn nghề ngay từ đầu khi nhận thấy bản thân không có năng lực theo học đại học. Nguyên nhân thứ ba là học phí ngày càng tăng, ở cả trường công lẫn ngoài công lập. Thông tin về thị trường lao động, nạn thất nghiệp tràn lan đã có những tác động đến ý thức chọn trường, chọn nghề của nhiều gia đình.
Ngành giáo dục đang khá mở cửa cho các trường đại học có vốn nước ngoài trong khi nhiều học sinh du học quay trở về nước kiếm việc ngày càng nhiều. Trong thị trường lao động cạnh tranh, dịch chuyển từ đại học – cao đẳng sang nghề là một hướng đi khả quan và tối ưu nhất, đảm bảo cân bằng được cung cầu của thị trường lao động. Theo thống kê của Tổng cục Dạy nghề, có tới 70% học sinh, sinh viên trường nghề có việc làm ngay sau khi ra trường; thậm chí, có những nghề 100% học sinh, sinh viên tốt nghiệp có việc làm ngay.
Tuy nhiên, xu hướng này cũng là sức ép cho các trường đại học trong nước cần có sự thay đổi và nâng cao chất lượng giảng dạy một cách thực tế, không chạy theo thành tích. Mặt khác, cũng yêu cầu cao hơn trong việc kết nối cung cầu giữa doanh nghiệp với các trường dạy nghề. Sở dĩ có tình trạng cung cầu không khớp nhau là do việc kết nối trường học – xã hội không khớp nhau. Trong đó, chú trọng tới nội dung doanh nghiệp cùng với nhà trường xây dựng chương trình, nội dung giáo án. Qua đó, đào tạo học sinh ra trường có các kỹ năng có thể đáp ứng ngay nhu cầu cụ thể của doanh nghiệp và xã hội.
Ông Hồ Đắc Lộc, Hiệu trưởng Đại học Công nghệ TP.HCM, cho rằng, phụ huynh và thí sinh đã ngày càng chuyển biến tích cực khi không còn coi đại học là con đường tương lai duy nhất. Thay vì cứ chạy theo những khối ngành truyền thống, năm nay sĩ tử chủ động cập nhật những khối ngành mới phù hợp với nhu cầu xã hội. Xu hướng chọn nghề năm 2016 tập trung vào các nhóm ngành như: điện – điện tử; nông – lâm – ngư nghiệp; công nghệ; xã hội và xây dựng… Đây là các nhóm ngành có điểm chuẩn đầu vào không quá cao, cơ hội việc làm rộng mở, thu nhập lại ổn định… Khi đó, gia đình không đặt gánh nặng học vấn để cản trở con đường vào tương lai của con em mình, phù hợp với năng lực, bản thân cũng như tài chính gia đình hơn. Đây là tín hiệu tốt đối với thị trường lao động trong nước lâu nay ở trong tình trạng thừa thầy thiếu thợ.
Đức Tài/NCĐT