Nhiều sinh viên đủ điểm vào những trường đại học lớn song vẫn quyết định “quay lưng” với cánh cửa đại học để lựa chọn trường nghề. Nhiều người thậm chí có bằng thạc sĩ cũng quyết định đi học nghề với hy vọng dễ xin việc hơn.
Những lựa chọn “lạ”
Nguyễn Văn Khoa (Lục Nam, Bắc Giang) đạt 21,55 điểm trong kỳ thi THPT quốc gia 2016. Với mức điểm cộng cả ưu tiên là 23 điểm, Khoa đậu vào Khoa Công nghệ điều khiển và Tự động hóa, Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội (lấy 22,75).
Mặc dù đã nộp Giấy chứng nhận kết quả thi để xác nhận nhập học vào Trường ĐH Công nghiệp song cuối cùng, Khoa lại quyết định từ bỏ giấc mơ vào đại học, nộp hồ sơ vào Trường CĐ nghề Cơ điện Hà Nội, ngành Cơ điện tử.
Khoa cho biết, anh em xung quanh nhà mình đều đi học đại học hết, nhưng có nhiều người đi học xong gần như là phải bỏ bằng để làm những công việc trái ngành. “Các anh ấy nói với em rằng, học ĐH ra bây giờ khó kiếm việc lắm” – Khoa nói.
Khoa chia sẻ, thầy giáo của em ở trường THPT cũng khuyên em rằng, nếu như học lực không đủ để đậu vào những trường top đầu thì tốt nhất là nên đi học các trường đào tạo nghề, thời gian đào tạo ngắn hơn và cũng dễ xin việc hơn.
Vì thế, mặc dù bố mẹ vẫn muốn Khoa vào học ĐH nhưng Khoa đã thuyết phục bố mẹ để quyết tâm theo học trường nghề với hy vọng ra trường sẽ có việc làm chứ không treo bằng thất nghiệp.
Tương tự, Nguyễn Văn Thất (Hải Hậu, Nam Định) cũng đạt 23,3 điểm trong kỳ thi THPT vừa qua. Với mức điểm cộng cả ưu tiên là 24,3, Thất đủ điểm để đậu vào một số ngành đào tạo của Trường ĐH Bách khoa HN.
Thất cho biết, khi đó, em băn khoăn giữa hai lựa chọn: Ngành Kỹ thuật Hạt nhân của Trường ĐH Bách khoa HN và đi học nghề. Cuối cùng, Thất đã lựa chọn nộp hồ sơ đi học nghề.
Lý giải về lựa chọn của mình, Thất cho biết, em quyết định nộp hồ sơ học nghề thay vì học ĐH vì từ thông tin trên báo đài, em biết rằng, sinh viên hiện nay ra trường thất nghiệp rất nhiều, bên cạnh đó, Việt Nam đang trong công cuộc xây dựng nên đang cần nhiều thợ giỏi.
Thất cho biết, em lựa chọn học tại Trường CĐ nghề Cơ điện HN vì học phí thấp, cơ sở vật chất của trường cũng khá tốt và quan trọng nhất là ngành em đăng ký học (Cơ điện tử) là ngành được nhà trường ký cam kết có việc làm ngay sau khi ra trường với mức lương tối thiểu là 5 triệu/tháng.
Ông Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng Trường CĐ nghề Cơ điện HN cho biết, trường hợp của Khoa và Thất không phải là những trường hợp duy nhất đạt mức điểm thi đại học cao nhưng vẫn quyết định đi học nghề tại trường trong năm nay.
“Tính từ đầu đợt tuyển sinh tới nay, đã có khoảng gần 100 em học sinh có mức điểm thi THPT quốc gia từ 16 trở lên tới nộp hồ sơ vào trường” – ông Ngọc chia sẻ.
Ông Ngọc cũng tiết lộ, trong đợt tuyển sinh năm nay, nhà trường đã tiếp nhận hồ sơ của 2 học viên đã có bằng thạc sĩ ở 2 trường ĐH khá lớn ở Hà Nội tới xin học.
Vì lý do tế nhị, các học viên “đặc biệt” này không muốn tiết lộ thông tin cá nhân của mình. “Các em tâm sự rằng, hiện tại chỉ muốn học một nghề nào đó để có thể xin được việc làm” – ông Ngọc chia sẻ.
Đảm bảo chất lượng mới thu hút được người học
Thực tế, lựa chọn của Khoa, Thất hay câu chuyện tế nhị của 2 thạc sĩ phải “giấu bằng” để xin đi học nghề không có gì khó hiểu khi con số cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp tại Việt Nam đang ngày càng tăng.
Theo thống kê của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, trong quý 1/2016, nước ta có 190.900 lao động có trình độ đại học trở lên (cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ) thất nghiệp, tăng 35.400 người so với quý 4/2015.
Tới quý 2/2016, con số báo cáo mới nhất của bộ này cho thấy, số lượng người có trình độ cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ thất nghiệp đã lên tới 191.300 người.
Theo đuổi giấc mơ ĐH “buộc người ta phải trả giá bằng cả thời gian và tiền bạc”. Đào tạo ĐH đòi hỏi thời gian đào tạo dài, mức học phí cao hơn. Tuy nhiên, đổi lại, người học lại đang phải đối mặt với nguy cơ thất nghiệp cao không kém. Đây chính là lý do, nhiều học sinh hoàn thành chương trình THPT không còn coi ĐH là cánh cửa duy nhất.
Trong khi đó, các trường đào tạo nghề có lợi thế ở mức học phí thấp, thời gian đào tạo ngắn hơn (thông thường chỉ 3 năm so với 4 năm ĐH), được học thực hành nhiều hơn và quan trọng nhất là tỉ lệ học viên có việc làm sau khi tốt nghiệp từ các trường đào tạo nghề là khá tốt.
Theo thông tin từ Bộ Lao động thương binh xã hội, năm 2015 tỉ lệ học sinh học nghề tốt nghiệp có việc làm đạt khoảng 70%. Nhiều trường có những nghề trên 90% học viên có việc làm ngay khi tốt nghiệp. Một số nghề có số học sinh có việc làm ngay khi tốt nghiệp chiếm tỉ lệ cao, trên 77%.
Ông Đồng Văn Ngọc cho biết, tình hình tuyển sinh của Trường CĐ nghề Cơ điện mấy năm trở lại đây khá tốt. Nếu như các năm trước, đến thời điểm hiện tại, trường chỉ mới nhận được khoảng 600-800 hồ sơ xin nhập học thì năm nay, nhà trường đã nhận được 1.100 hồ sơ trên tổng số 1.400 chỉ tiêu được giao.
“Chưa năm nào chúng tôi tuyển sinh thành công như năm nay” – ông Ngọc chia sẻ. Tuy nhiên, ông Ngọc cho rằng, không phải trường cao đẳng đào tạo nghề nào cũng thuận lợi trong công tác tuyển sinh. Thực tế có nhiều trường đào tạo nghề gặp rất nhiều khó khăn trong công tác tuyển sinh.
Vì vậy, ông Ngọc cho rằng, nói rằng, hiện nay xu thế của thí sinh và phụ huynh không lựa chọn trường ĐH mà quay sang lựa chọn các trường nghề cũng không hoàn toàn đúng. Thực tế, xu hướng này chỉ đúng với những trường đảm bảo được chất lượng đào tạo cũng như trách nhiệm với học viên trong khâu đảm bảo đầu ra.
“Xã hội đào tạo hiện nay đang định hình theo xu hướng thiết thực hơn. Nghĩa là đã học là mong muốn phải có việc làm. Vì thế, mảng đào tạo nào làm được việc này thì sẽ được thí sinh và phụ huynh lựa chọn chứ không phân biệt là trường nghề hay trường đại học” – ông Ngọc giải thích.
Từ đó, ông Ngọc cho rằng, cơ hội của các trường đào tạo nghề và các trường đại học là như nhau nhưng chỉ trường nào xác định xây dựng thương hiệu của trường, gắn trách nhiệm của mình với người học thì mới có thể thành công trong việc thu hút người học.
Vietnamnet