Thế giớiThời sự

Khi bóng đá nhuốm màu chính trị

Siết chặt quy định, ban hành án phạt…, Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) không ngừng nỗ lực loại bỏ yếu tố chính trị ra khỏi bóng đá. Nhưng có vẻ vẫn chưa đủ.

Huấn luyện viên (HLV) Pep Guardiola của Manchester City tuần trước xuất hiện trong một trận đấu ở Champions League với dải ruy băng màu vàng cài trên ngực áo. Đây được xem là cách chiến lược gia gốc Catalonia bày tỏ sự ủng hộ với Jordi Cuixart và Jordi Sanchez – những chính trị gia đang bị giam giữ trong phong trào Catalonia đòi độc lập, muốn tách khỏi Tây Ban Nha.

Kênh tuyên truyền siêu hiệu quả

Đầu tháng 11 này, Tòa án Tây Ban Nha đã ban lệnh bắt giữ 8 cựu quan chức Catalonia – những người được cho là đứng sau phong trào đòi độc lập. Mặc dù đang làm việc tại nước Anh, song Pep Guardiola vẫn lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ, coi đây là một hành động “đi ngược lại nguyên tắc của một quốc gia dân chủ”, theo Independent.

Từ phản đối bằng lời lẽ cho đến dùng biểu tượng, hành động của Guardiola thực sự khiến FIFA “nóng mắt”. Từ lâu, tổ chức này đã đưa ra những quy định rõ ràng, nghiêm cấm những hành vi lôi chính trị vào bóng đá. Nhưng đây không phải lần đầu những quy định của FIFA bị phớt lờ.

Năm 2009, tiền đạo Frederic Kanoute của Sevilla sau khi ghi bàn đã cởi áo, trưng ra khẩu hiệu ủng hộ nhà nước Palestine bên trong. Rồi năm 2013, đến lượt Didier Drogba thách thức FIFA khi trưng biểu ngữ tưởng niệm Nelson Mandela. Nghiêm trọng hơn, sau trận thắng Nhật Bản ở Olympic 2012, tiền vệ người Hàn Quốc là Park Jong Woo đã giơ cao tấm biểu ngữ với nội dung khẳng định chủ quyền hòn đảo Dokdo/Takeshima đang tranh chấp giữa 2 nước.

Không quá khó để lý giải những hành vi của các cầu thủ và HLV khi tận dụng các trận đấu để đưa ra thông điệp chính trị của mình. Những sự kiện bóng đá luôn là dịp khơi dậy tinh thần dân tộc, cũng là cơ hội cho những biểu hiện cực đoan, quá khích lên ngôi. Và FIFA thì không muốn ý nghĩa thể thao chân chính sẽ bị nhận chìm giữa những thù hận, chia rẽ, ngược lại với tinh thần gắn kết thuần túy của thể thao.

Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển của truyền hình và mạng xã hội, những sự kiện bóng đá lớn đã được phủ sóng trên phạm vi toàn cầu, trở thành kênh truyền thông hiệu quả nhất. Chiếc ruy băng vàng trên ngực áo Guardiola, từ đường piste sân bóng vào đến tận phòng họp báo đã được truyền đến mọi khán giả trên khắp thế giới, như một biểu tượng cho quyết tâm độc lập của người Catalonia.

Bài toán khó cho FIFA

Bất chấp các quy định nghiêm khắc liên tục được đưa ra, FIFA dường như vẫn đang mâu thuẫn trong cách xử lý các trường hợp đưa chính trị vào bóng đá. Biện pháp trừng phạt thường thấy nhất vẫn là phạt tiền, treo giò một vài cầu thủ, chuyện cấm thi đấu một đội bóng, nếu có được áp dụng thì cũng là chẳng đặng đừng, bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của FIFA trong các giải đấu lớn.

Tháng 6/2014, trong trận đấu giao hữu với Slovenia trước thềm World Cup, đội tuyển Argentina đã giương biểu ngữ đòi chủ quyền cho quần đảo Falkland/Malvinas (đang tranh chấp với Anh). Tuy nhiên, FIFA lại chỉ “giơ cao đánh khẽ” khi vẫn để Argentina thi đấu tại World Cup, để rồi sau đó đưa ra mức phạt 19.540 bảng. Cuối năm 2014, màn hỗn chiến giữa các cầu thủ Serbia và Albania vì vấn đề Kosovo độc lập cũng “chìm xuồng” với một án phạt tiền.

Đầu tháng 11 vừa qua, sau nhiều năm tranh cãi, FIFA cũng đã chấp nhận cho phép tuyển Anh ra sân với bông hoa poppy màu đỏ trên trang phục thi đấu. Người Anh cho rằng bông hoa này chỉ là biểu tượng tưởng nhớ các binh sĩ Anh đã hy sinh trong Thế chiến I, thế nhưng FIFA lại coi đây là hành vi mang yếu tố chính trị, gợi nhớ đến những trận chiến thực dân. Mỗi năm, FIFA lại đưa ra án phạt, tuyển Anh lại phớt lờ, để rồi cuối cùng FIFA đành chấp nhận lùi bước.

Năm 2014, FIFA đã chính thức ban hành quy định nghiêm cấm các thông điệp trên áo lót khi thi đấu. Thế nhưng, đến năm 2017, quy định này dường như đã không còn bao nhiêu tác dụng, khi giới bóng đá giờ đây đã có quá nhiều cách để thể hiện quan điểm chính trị của mình. Đã đến lúc tổ chức bóng đá quyền lực nhất thế giới cần đến những quy định mới, hay chính xác hơn là một thái độ nghiêm khắc thực sự, nếu như muốn đưa bóng đá trở lại đúng với ý nghĩa thể thao và đoàn kết ban đầu.

TRƯỜNG NHÂN

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Để lại một bình luận

Close