Khởi nghiệpKinh doanh

Khởi nghiệp thất bại phải đi làm thuê trả nợ, tôi đã học được những gì?

Ai cũng có thể gặp thất bại nhưng đừng để điều đó biến bạn thành một kẻ thất bại!

32 tuổi, có vợ và 3 con, khởi nghiệp thất bại phải đi làm ca ở cửa hàng rau củ trả nợ, tất cả đã dạy cho tôi những gì?

Tac Anderson hiện tại là ông chủ của một công ty khởi nghiệp. Khi đọc được câu chuyện của một doanh nhân 30 tuổi kinh doanh thất bại, cần lời khuyên xem nên làm gì tiếp theo. Tac đã kể lại câu chuyện cuộc đời của chính anh như một lời khuyên, lời động viên gửi tới vị doanh nhân đang rơi vào hoàn cảnh bế tắc đó.


32 tuổi là năm khủng hoảng nhất trong cuộc đời tôi. Khi ấy tôi đã có vợ cùng 3 con, doanh nghiệp do chính tôi tạo dựng đã bị phá sản. Do nợ quá nhiều, tôi buộc phải bán ngôi nhà đang sống và chuyển tới nhà bố vợ ở nhờ.

Khó khăn chồng chất khó khăn khi số tiền bán nhà vẫn chưa đủ trả hết nợ, tôi buộc phải tìm công việc làm ca đêm tại một cửa hàng rau củ để tiếp tục trả nợ. Với tôi, cuộc sống trong quãng thời gian đó thật quá mức tàn nhẫn!

Sau đó, tôi tìm được một công việc tập sự tại công ty quan hệ công chúng (PR) nhỏ ở trong thành phố. Tuy nhiên công ty này đã bỏ lỡ hầu hết những xu hướng truyền thông mới mẻ, thậm chí họ cho rằng những điều đó chỉ là nhất thời nên tôi đã quyết định bỏ việc.

Tôi tìm đến một công ty marketing cỡ nhỏ hơn nhưng có nhiều yếu tố phù hợp với những gì tôi muốn.

Sau 6 tháng, tôi trở thành đối tác đầu tiên không phải nhà sáng lập tại công ty. 2 năm sau đó chúng tôi đã phát triển từ tập thể gồm 6 thành 20 người và mua lại được một công ty phát triển web nhỏ. Tuy nhiên các nhà sáng lập điều hành công ty không tốt và tôi đã nhận ra một vài lỗ hổng trong khâu quản lý. Đáng tiếc họ không chịu lắng nghe ý kiến của tôi hay thay đổi những gì đang làm vì vậy tôi quyết định từ bỏ một lần nữa và tự thành lập công ty khởi nghiệp của riêng mình.

Startup lần thứ 2 này của tôi khởi đầu cũng không thuận lợi và tôi buộc phải tìm và xin lời khuyên về việc đóng cửa công ty. Trong quá trình đó, mảng kinh doanh Laserjet của HP đã tuyển dụng tôi tham gia vào chiến dịch Web 2.0 của họ.

Cũng trong thời gian làm việc tại HP, tôi lập một trang blog riêng để chia sẻ những bài viết về công nghệ và tiến hành tổ chức những buổi gặp mặt hàng tháng cho các doanh nhân địa phương. Việc này đã gây được sự chú ý đối với một quỹ đầu tư mạo hiểm trong thành phố. Quỹ này chuyên đầu tư vào các công ty khởi nghiệp ở những vòng đầu và họ mời tôi về làm Entrepreneur-in-Residence (một vị trí thời vụ và không chính thức tại các quỹ đầu tư). Tôi đồng ý và làm việc tại đây song song với công việc tại HP.

Một vài năm sau đó, tôi được một công ty PR quy mô lớn hơn có trụ sở tại Seattle mời về giúp họ xây dựng chương trình marketing kỹ thuật số. Tôi đã gia nhập đội ngũ làm việc khi ấy có 60 người và nhanh chóng phát triển ra tầm cỡ toàn cầu với 200 người.

Tôi cũng từng làm việc cho Microsoft, HTC, T-Mobile, Verizone, GE và hàng loạt công ty khác. Sau đó, tôi còn chuyển tới London một thời gian để phụ trách mảng truyền thông kỹ thuật số của những công ty này trên khắp châu Âu, Trung Đông và châu Phi.

Sau khi nghỉ việc ở những dự án này, tôi quay lại Mỹ và quyết định khởi nghiệp lại một lần nữa. Nhờ những kinh nghiệm đa dạng từ bán lẻ đến marketing kỹ thuật số, tôi đã nhận được lời mời về làm việc rất hấp dẫn từ Amazon nhưng tôi đã từ chối.

Hiện tại dù vẫn chưa thể coi là một nhà sáng lập startup thành công nhưng tôi cũng chưa bao giờ nghĩ mình là một doanh nhân thất bại.

Vì vậy câu trả lời của tôi với câu hỏi của doanh nhân 30 tuổi đang cảm thấy bế tắc được nhắc tới lúc ban đầu đó là: Anh vẫn còn cả thế giới phía trước. 30 tuổi mới chỉ là bắt đầu thôi. Bất kỳ một doanh nhân thành công, nhà sáng lập hay nhà đầu tư mạo hiểm nào cũng đều biết rằng ai cũng thất bại nhưng điều đó không khiến bạn trở thành một kẻ thất bại.

Theo Trí Thức Trẻ

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Để lại một bình luận

Close