Câu chuyệnKinh doanh

Kinh doanh nước mắm: Khó khăn chồng chất

Đem lại doanh thu hằng năm 7.200 – 7.500 tỷ đồng, tạo việc làm cho nhiều lao động và các ngành phụ trợ nhưng sản xuất nước mắm hiện đang gặp rất nhiều khó khăn. Từ việc quảng cáo tùy tiện đến các khái niệm không rõ ràng gây khó cho việc xây dựng thương hiệu của doanh nghiệp, trong khi hoạt động sản xuất vẫn chưa được quy hoạch. 

Làm rối trí người tiêu dùng

Theo ông Huỳnh Ngọc Diệp – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản 584 Nha Trang, một trong những khó khăn, bất cập của sản xuất nước mắm là mặc dù đã có quy định về tiêu chuẩn nước mắm nhưng trên thị trường vẫn có nhiều sản phẩm công bố chất lượng theo nhiều cách khác nhau và chưa rõ ràng, gây hiểu nhầm cho người dùng.

Ông Diệp nói: “Lâu nay, theo cách truyền thống bắt buộc phải công bố giá trị dinh dưỡng theo gN/lít, nhưng nhiều sản phẩm hiện nay chỉ công bố giá trị theo gram Protein, đặc biệt là công bố nhiều gram Protein trên 100ml chứ không phải cho một lít như thông lệ. Việc không thống nhất cách ghi giữa đạm thành phần (gN/lít) hay gram Protein đã làm cho người tiêu dùng hoang mang, muốn hiểu phải làm một bài toán so sánh phức tạp mà không phải ai cũng hiểu.

Ví dụ, ghi 25 gProtein/l (ngầm hiểu 25 độ đạm) nhưng thực chất chỉ gần 4gN/l (4 độ đạm). Song, điều đáng nói là hiện nay mới chỉ có quy định về tiêu chuẩn đối với nước mắm mà chưa có quy chuẩn kỹ thuật với nước mắm. Cụ thể là quy chuẩn kỹ thuật về mức giới hạn của đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý mà sản phẩm phải tuân thủ để bảo vệ sức khỏe người dùng.

Đặc biệt, các doanh nghiệp sản xuất nước mắm đang chịu sự quản lý của nhiều cơ quan, ban ngành như Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản (về cơ sở đủ điều kiện), Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm (về công bố chất lượng sản phẩm), Sở Khoa học Công nghệ (về đo lường sản phẩm – chất lượng sản phẩm)…, nhưng không có cơ quan nào bảo vệ quyền lợi cho doanh nghiệp khi có thông tin phản ảnh không đúng sự thật”.

Chia sẻ khó khăn về chất lượng, bà Lê Thị Nga – Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển cấp cao Tập đoàn Masan nói: “90% nước mắm trên thị trường qua khảo sát của Masan là có độ đạm cao, có hàm lượng thạch tín cao hơn quy chuẩn của Bộ Y tế. Vì vậy, Masan đã đầu tư công nghệ kiểm soát hàm lượng Arsen (thạch tín) theo đúng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với giới hạn ô nhiễm kim loại nặng”.

Bà Nguyễn Thị Tịnh – nguyên Chủ tịch Hội Nước mắm Phú Quốc cũng cho rằng, hiện nay các cơ quan quản lý vẫn chưa kiểm tra được nguyên liệu cá cơm. Theo quy định, lượng histamin chỉ 400 nhưng hiện nay lượng histamin của nước mắm Phú Quốc đang cao hơn con số này.

“Loạn” khái niệm

Hiện nay, có nhiều quan niệm chưa rõ ràng về nước mắm truyền thống và nước mắm công nghiệp. Ông Phạm Ngọc Dũng – Chủ tịch Hội Nước chấm TP.HCM cho rằng: “Quy chuẩn của Việt Nam hiện nay đã quá lạc hậu. Khái niệm nước mắm truyền thống và công nghiệp là chưa chuẩn, nếu dùng khái niệm nước mắm công nghiệp để so sánh đối lập với nước mắm truyền thống là chưa ổn. Thực tế, với sự tiến bộ của công nghệ, trong quá trình sản xuất nước mắm, các nhà sản xuất đã áp dụng nhiều cách làm khác nhau. Nếu căn cứ vào quy trình sản xuất thì chỉ có nước mắm dài ngày, ngắn ngày, nước mắm cổ truyền, cách tân. Nếu căn cứ vào cách chế biến sẽ có nước mắm nguyên chất hay chế biến”.

Bà Trần Thị Dung – chuyên gia công nghệ chế biến và bảo quản thủy sản cũng cho rằng: “Không phải nước mắm truyền thống là tốt và nước mắm công nghiệp là không tốt. Cần nhanh chóng có quy chuẩn quốc gia về nước mắm”. Theo quy định hiện nay, nước mắm đạt 10 độ đạm trở lên vẫn đủ tiêu chuẩn gọi là nước mắm.

Ở góc độ quản lý, ông Lê Văn Giai – Phó Cục trưởng Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm cho biết: “Hiện nay, trong nước mắm có 36 histamin nhưng các phòng thí nghiệm hiện mới chỉ kiểm tra được 22 histamin và chưa kiểm tra được độ đạm cũng như không đo được hàm lượng đạm thối (amoniac xấu) được đưa vào nước mắm để tăng độ đạm. Tương tự, chỉ tiêu histamin ở mỗi loài cá cũng khác nhau nên chưa thể đưa ra chỉ số thế nào, đặc biệt, khi đưa ra các chỉ số thì còn phải được các bộ thống nhất, đó là cái khó”.

Sản xuất thiếu quy hoạch

Chia sẻ thêm khó khăn, bà Hồ Kim Liên – Chủ tịch HĐQT Doanh nghiệp tư nhân Hải sản Khải Hoàn cho rằng: “Ngành nước mắm đang khó vì thiếu nguyên liệu. Vi vậy, muốn bảo tồn ngành nước mắm thì việc quan trọng nhất là phải xây dựng làng nghề truyền thống”. Hiện nay, do việc hình thành ngày càng nhiều các khu dân cư nên vấn đề đầu tư, mở rộng, phát triển sản xuất của các doanh nghiệp nước mắm rất khó khăn, trong khi đó, đầu tư cho công tác quy hoạch vùng sản xuất nước mắm chưa được quan tâm đúng mức.

Theo ông Diệp, việc đầu tư các cơ sở nước mắm tương đối tốn kém vì ngoài quy hoạch đất đai, sản xuất nước mắm còn đòi hỏi cơ sở hạ tầng, đường sá, điện, nước và gần vùng nguyên liệu. Vì vậy, nếu không có quy hoạch, để doanh nghiệp phát triển tự phát sẽ phát sinh nhiều hệ lụy và sản xuất cũng không ổn định.

Bà Tịnh cho biết thêm: “Tại Phú Quốc có 58 doanh nghiệp sản xuất nước mắm nhưng nguồn nguyên liệu chỉ đáp ứng 50%”. Trong khi đó, theo chia sẻ của bà Liên, để làm nước mắm cao đạm và tạo nên hương vị thì cần ba yếu tố: vùng nguyên liệu, mùa khai thác và chất lượng cá.

Cụ thể, cá cơm phải tươi và phải được khai thác tại vùng vịnh Thái Lan và tỷ lệ tạp không quá 15% mới tạo hương vị đậm đặc và phải khai thác ngay vụ mùa, khoảng tháng 6 – 11 âm lịch. Bên cạnh đó, cá phải được ướp muối nhanh ngay khi đánh bắt, và muối phải ở vùng Bà Rịa – Vũng Tàu và là muối làm theo phương pháp truyền thống – phải đúng 25 – 30 ngày…”.

Để gỡ khó, trước mắt, các doanh nghiệp cũng kiến nghị cần giảm thuế cho các doanh nghiệp sản xuất nước mắm từ 10% như hiện nay xuống 5%, trong đó nguyên liệu 0%, muối 0%. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng có thêm dự án hỗ trợ công nghệ để doanh nghiệp nước mắm đủ điều kiện xuất khẩu, hội nhập.

LỮ Ý NHI/DNSG

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Trả lời

Close