Khởi nghiệpKinh doanh

Kinh qua nhiều thất bại, lời khuyên khởi nghiệp của chàng trai sáng lập đồng hồ Việt Curnon: Không nên cổ súy cho thất bại

Trong chương trình Fuck Up Nights tổ chức lần đầu tiên tại Hà Nội, anh Trịnh Anh Đức, đồng sáng lập thương hiệu đồng hồ Việt Curnon đã có những chia sẻ thẳng thắn liên quan đến vấn đề khởi nghiệp với các bạn trẻ.

Kinh qua nhiều thất bại, lời khuyên khởi nghiệp của chàng trai sáng lập đồng hồ Việt Curnon: Không nên cổ súy cho thất bại

Ít ai biết trước khi xây dựng thành công một trong những thương hiệu đồng hồ Việt Curnon, Trịnh Anh Đức đã trải qua nhiều lần thất bại.

Thời điểm 6 năm trước, chàng trai du học sinh Anh trở về Việt Nam và quyết định dấn thân vào ngành F&B (Food & Beverages). Vì số vốn ít ỏi nên Đức chỉ đủ tiền mở 1 kiosk nhỏ trong phố cổ, tập trung bán bánh burger cho khách du lịch và khách đi chợ đêm. Một mình anh đảm đương nhiều công việc, từ bưng bê, dọn dẹp đến nấu ăn, cứ thế liên tục 9h sáng đến 12h đêm, 7 ngày/tuần.

Như nhiều sinh viên mới tốt nghiệp khác, Đức không có nhiều kinh nghiệm và quan hệ, cộng với cái tôi cao, không muốn nhận sự giúp đỡ của bạn bè, gia đình nên anh gặp vô số khó khăn, từ quản lý, cân đối thu chi hằng ngày đến kiểm kê hàng hóa, tài sản. Sau 9 tháng hoạt động, kiosh đóng cửa vì hết vốn.

“Bây giờ nghĩ lại thấy đây là một sai lầm vì xu hướng hồi ấy khiến mình cũng như nhiều bạn trẻ mở chuỗi nhà hàng, quán café mà không biết trong ngành dịch vụ khách hàng, F&B là mảng khó nhất”.

Sau thất bại đầu tiên, Đức chuyển sang tìm việc và được nhận vào vị trí sales marketing của một công ty bất động sản. Tại đây, chàng trai trẻ dần học được cách tận dụng nguồn lực xung quanh, xây dựng các mối quan hệ mới để phòng khi khó khăn. “Lúc ấy nhận ra thêm có tiền chưa chắc đưa một dự án thành công mà cần tạo dựng mối quan hệ nữa”.

Công việc dần đi vào ổn định, nhưng ở Đức khao khát khởi nghiệp, biến ý tưởng của bản thân thành hiện thực vẫn chưa lụi tắt. Anh quyết định xin nghỉ việc khi đã gắn bó khoảng 1 năm rưỡi với công ty bất động sản, và dự án đang làm đã đạt hơn 50% diện tích thuê.

Lần khởi nghiệp thứ hai này, Đức tự nhận mình đã “thông mình hơn” khi quyết định đi tìm thêm người đồng sáng lập chứ không làm mọi việc một mình nữa.

Từ kinh nghiệm trong ngành bất động sản, anh cùng một người bạn đưa ra ý tưởng tạo một khu chợ online, kết nối bên tổ chức sự kiện và bên có mặt bằng làm sự kiện với nhau, còn mô hình đứng ra thu phí. Giai đoạn 2015, các startup công nghệ tràn lan nên hai người cùng kỳ vọng xây dựng dự án lên tầm vài trăm triệu USD.

Tuy nhiên, sản phẩm vừa tung ra thị tường đã thất bại. Vấn đề nằm ở chỗ các khách hàng có nhu cầu thuê địa điểm không thể trả phí trực tiếp trên hệ thống khi chưa được xem tận mắt. Nhưng sau khi được Đức và người bạn dẫn đến bên kia thì hai bên lại làm việc trực tiếp với nhau luôn, không cần qua hệ thống nữa. Kết quả mô hình chỉ đơn thuần mang giá trị kết nối thông tin, lấy doanh thu từ việc chạy quảng cáo. Khi doanh thu này không đủ bù đắp nguồn vốn hoạt động hằng ngày, dự án chấm dứt.

“Nhờ các trải nghiệm trên, mình học được nhiều điều hơn. Từ một con người hướng nội, ngại tiếp xúc với người khác, mình đã trở nên tự tin hơn nhiều. Nhưng mình không cổ súy cho thất bại. Trên báo đài, các phương tiện truyền thông, mọi người cổ súy khá nhiều nhưng mình thấy thất bại là việc rất khó khăn. Nó tiêu diệt sự tự tin của bạn rất nhiều, khiến cho bạn phải vất vả quay lại từ con số 0”, anh Đức kết luận.

Cũng theo anh, để hạn chế thất bại, có 3 yếu tố mà mỗi người khởi nghiệp cần chú ý:

Thứ nhất là phải học nhanh, làm nhanh, vì bản chất startup không có nhiều vốn. Khi gặp vấn đề gì hoặc quyết định thử nghiệm cái gì, phải cố gắng học hỏi càng nhanh càng tốt.

Thứ hai là tận dụng tối đa nguồn lực xung quanh. Các nguồn lực này có thể đến từ gia đình, bạn bè hoặc các nguồn vốn xã hội.

Thứ ba là phải giữ lửa đam mê. Người đứng đầu phải biết khuyến khích, động viên những nhân sự cốt lõi để họ giữ vũng niềm tin và tiếp tục đi theo mình.

Ở thời điểm hiện tại, Đức đang giữ vai trò đồng sáng lập của thương hiệu đồng hồ Việt Curnon. Xuất hiện từ tháng 12/2016, chỉ trong vòng 1 tháng rưỡi đầu tiên kể từ khi ra mắt chính thức, khoảng 600 chiếc đồng hồ Curnon đã được bán ra, khiến những người trong cuộc đều hết sức bất ngờ.

Nhìn lại chặng đường đã qua, Trịnh Anh Đức cho biết khởi nghiệp là một con đường không hề dễ dàng. “Muốn khởi nghiệp phải nghiên cứu thị trường kỹ càng, phải làm bằng đam mê chứ không phải chỉ vì muốn sở hữu một thương hiệu, một công ty nào đó”, anh khẳng định.

Hồng Lam

Theo Trí Thức Trẻ

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Để lại một bình luận

Close