Kỹ năngQuản trị

Kỹ năng lãnh đạo mới dưới góc nhìn Chủ tịch FPT

“Nền kinh tế số đang gợi mở cả thách thức và cơ hội với doanh nghiệp”, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT CTCP FPT đã nhận định như vậy tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam, tổ chức cuối tuần qua.

Theo ông Bình, doanh nghiệp Việt Nam cần phải lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng để có thể nắm bắt cơ hội, tạo động lực chủ yếu phát triển kinh tế số trong nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập. Các doanh nghiệp start-up sẽ góp phần đưa Việt Nam thành quốc gia khởi nghiệp, để thay đổi vị thế và tăng trưởng trên toàn thế giới. Sự chuyển dịch sang nền kinh tế số đòi hỏi cả sự lớn mạnh của một hệ sinh thái, có tác dụng hỗ trợ và thúc đẩy doanh nghiệp mới tham gia vào nền kinh tế Internet, cũng như những tương tác, gắn kết giữa nền kinh tế Internet với nền kinh tế truyền thống.

“Sắp tới, khi TPP đi vào thực tế, hơn lúc nào hết, Việt Nam cần có một khát vọng, một ý chí để theo kịp cuộc cách mạng số. Hoặc chúng ta theo kịp, hoặc bị bỏ rơi như trong 3 cuộc cách mạng trước. Kinh tế số và quốc gia khởi nghiệp là câu trả lời cho những thách thức và cơ hội lớn đó”, ông Bình nói.

Trước yêu cầu mới, đòi hỏi những kỹ năng mới của người lãnh đạo doanh nghiệp. Những kinh nghiệm lãnh đạo tại Tập đoàn công nghệ thông tin hàng đầu trong nước được Chủ tịch Trương Gia Bình chia sẻ với Đầu tư Chứng khoán trong dịp này.

1. Kỹ năng lãnh đạo trong môi trường nhiều biến động

Một doanh nghiệp muốn thành công cần hội tụ đủ 3 nhân tố: “Khát vọng cháy bỏng – Ám ảnh khách hàng – Tư duy người chủ”.

“Khát vọng cháy bỏng”, không phải chỉ nằm ở người lãnh đạo, mà phải tồn tại trong toàn bộ đội ngũ cán bộ nhân viên. Tại FPT, có một khẩu hiệu là “Cùng tiên phong trong cách mạng số”. Cuộc cách mạng số sẽ thay đổi cách chúng ta sống, làm việc và giao tiếp. Khát vọng ấy phải trở thành ngọn lửa truyền đến cho mọi nhân viên.

Về nhân tố “Ám ảnh khách hàng”, từ lãnh đạo cho tới các nhân viên phải luôn đặt câu hỏi: “Chúng ta làm gì cho khách hàng?”, “Chúng ta biết gì về họ?” và nỗi “ám ảnh” ấy phải được thể hiện bằng hành động.

“Tư duy người chủ” có nghĩa là hãy nghĩ và hành động như thể công ty chính là gia đình mình, hy vọng doanh nghiệp có thể sống dài hơn đời sống của chính mình.

3 nhân tố này sẽ trở thành một chuỗi tạo nên thành công của doanh nghiệp và phải bắt nguồn từ chính người chủ doanh nghiệp. Đây cũng là thách thức lớn nhất của một nhà lãnh đạo.

2. Kỹ năng ra quyết định

Con đường đi tới việc ra quyết định, sáng tạo của lãnh đạo doanh nghiệp bắt đầu từ sự hứng khởi – nhận thức. Để sáng tạo thành công, đôi khi người lãnh đạo doanh nghiệp cũng cần phải có “một thoáng lơ đãng”, thả lỏng đầu óc cho tư duy sáng tạo được phát huy. Đây là cách thức ra quyết định của những người vĩ đại.

3. Cách thức phân quyền và chịu trách nhiệm

Đối với các doanh nghiệp quy mô nhỏ, việc phân quyền có thể bắt đầu từ quá trình giao cho nhân viên chạy các việc nhỏ lẻ, bước cao hơn là giao quản lý một đầu mục công việc. Dần dần, cần tiến tới việc để nhân viên có sự đề xuất, lãnh đạo duyệt, lãnh đạo và nhân viên đồng hành trong việc ra quyết định.

Lãnh đạo doanh nghiệp cũng cần lưu ý đến sự khác biệt giữa quản lý với quản trị. Cụ thể, quản trị là đưa ra định hướng, tập hợp lực lượng và động viên thực hiện. Trong khi đó, quản lý là đề ra kế hoạch, phân công trách nhiệm và thưởng phạt.

Lãnh đạo doanh nghiệp phải xác định được bản thân đang có những kỹ năng nào và đi tìm yếu tố bổ khuyết để tạo nên tăng trưởng của doanh nghiệp.

4. Dẫn dắt qua khủng hoảng

Lãnh đạo doanh nghiệp cần phải thận trọng và thông thái trong việc phân tích khủng hoảng, chia nhỏ thành những khó khăn cần phải giải quyết hàng ngày.

Việc xử lý khủng hoảng cũng cần phải được thực hiện nhanh chóng. Phải luôn coi rằng việc “sống sót” mỗi ngày đã là một thành công. Tiết kiệm nguồn lực để đầu tư kinh doanh, cắt giảm chi phí. Cần phải có ý chí mãnh liệt. 

5. Xây dựng văn hóa doanh nghiệp và tinh thần dân tộc

Cái gốc của một dân tộc là bộ gene và trong doanh nghiệp, lãnh đạo phải xác định được bộ gene ấy chính là văn hóa doanh nghiệp. Bộ gene có tính kế thừa và tính thích nghi.

Giai đoạn 1994 – 2000, FPT tích cực xây dựng bộ gene tốt của mình và đến nay vẫn đang trong quá trình hoàn thiện bộ gene doanh nghiệp. Trong quá trình đó, ông Bình đã đưa tinh thần dân tộc làm cơ bản, cốt lõi. Quản trị bằng cái “tình” nhiều hơn “lý”, hơn “tiền”. Bởi để vượt qua khó khăn xây dựng doanh nghiệp, phải gắn bó với nhau bằng tình cảm, niềm tin và được thể hiện bằng hành động cụ thể.

Văn hóa dân tộc được thể hiện cụ thể qua các sự kiện công ty, thêm vào đó là những giá trị. Ở FPT đã hình thành các hệ giá trị “Tôn – Đổi – Đồng” (Tôn trọng cá nhân-Tinh thần đổi mới-Tinh thần đồng đội) dành cho cán bộ nhân viên và “Chí – Gương – Sáng” (Chí công – Gương mẫu – Sáng suốt) dành cho lãnh đạo.

6. Kỹ năng lãnh đạo từ xa

Lãnh đạo doanh nghiệp cần quản lý bằng KPIs – Những chỉ số kinh doanh chính (doanh thu, lợi nhuận, số lao động, kiểm soát chi phí/doanh thu). Từ đó, quản lý chặt cơ cấu tài chính. Những chỉ số này phải được “bổ đầu” về từng đơn vị trực thuộc (chi nhánh địa phương) và quản lý bằng quy trình, quản lý bằng báo cáo – ERP; quản lý bằng văn hóa và yếu tố con người.

Về việc truyền đạt cấp trên với cấp dưới, nếu chưa thông suốt, bên cạnh các biện pháp quản lý như trên, vẫn cần các chế tài xử lý theo hình thức cứng rắn khi cần thiết.

7. Xây dựng mục tiêu phát triển doanh nghiệp

Chiến lược hoạt động của doanh nghiệp phải được đánh giá lại và hiệu chỉnh hàng năm, với sự tham gia từ cấp lãnh đạo cao nhất đến từng đơn vị thành viên, để sẵn sàng cho việc thực thi chiến lược mới vào đầu năm tiếp theo thành công.

Ở FPT, các mục tiêu của doanh nghiệp được lượng hóa bởi Thẻ điểm cân bằng (Balanced Score Card). Nếu bộ phận nào hoàn thành bản đồ kế hoạch sẽ hiện màu xanh, không hoàn thành sẽ màu đỏ. Nếu bản đồ kế hoạch thể hiện màu đỏ 3 lần thì lãnh đạo bộ phận sẽ bị thay thế.

Vân Ly/ĐTCK

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Trả lời

Close