Kinh doanhThương mại điện tử

Kỷ nguyên thanh toán di động

Cùng với sự phát triển công nghệ, một kỷ nguyên thanh toán mới cũng bắt đầu khi mà mọi giao dịch được thực hiện chỉ với một chiếc smartphone.

Theo khảo sát của Accenture trong năm 2015, 52% người dùng Bắc Mỹ ý thức về thanh toán di động nhưng chỉ có 18% sử dụng chúng thường xuyên, dẫn đầu là người dùng trẻ và hộ gia đình thu nhập cao. Những thống kê này cho thấy công nghệ thanh toán di động vẫn chưa thực sự đi vào thói quen của người dùng, ngay cả ở nền kinh tế phát triển bậc nhất thế giới. Tuy nhiên, eMarketer dự báo đến năm 2019, các giao dịch qua di động tại điểm bán hàng đạt 210 tỷ USD, tăng từ 8,7 tỷ USD của năm 2015.

Những lời giải đầu tiên

Một trong những chính sách tạo nên sự khác biệt của thanh toán di động chính là thiết bị đầu cuối tại điểm bán (point-of-sale), như một cơ sở hạ tầng cần thiết để vận hành cỗ máy thanh toán mới. Bryan Yeager – nhà phân tích eMarketer dẫn chứng Starbucks như mô hình thành công khi vừa lưu trữ thông tin khách hàng thân thiết, vừa cung cấp sự tiện lợi trong thanh toán di động, vừa cung cấp những ưu đãi đặc biệt. Bryan cho biết: “20% các giao dịch trong cửa hàng của Starbucks tại Mỹ là qua các ứng dụng di động”.

Android Pay đang hợp tác với Coca Cola cho người dùng nhiều ưu đãi trong tương lai bằng cách dùng điện thoại thông minh để mua hàng. Theo đó, Samsung sẽ lưu giữ thông tin những người thường xuyên dùng hình thức thanh toán này và cung cấp phiếu giảm giá cho người dùng trong tài khoản của họ.

Tại Trung Quốc, Tencent cũng cung cấp những phiếu giảm giá nếu khách hàng thanh toán qua ứng dụng của hãng, và người mua có thể chia sẻ ưu đãi trên mạng xã hội WeChat. Hãng này tăng gấp đôi thị phần thanh toán di động từ 11% năm 2014 lên 20% năm 2015 trong nỗ lực cạnh tranh với nhà thanh toán di động lớn nhất thị trường – Alipay thuộc Alibaba.

Về bảo mật, công nghệ quét dấu vân tay, quét mống mắt tích hợp trong những thương hiệu smartphone hàng đầu như một liệu pháp giúp người dùng yên tâm hơn, do không phải nhập mật khẩu hay bất cứ thông tin nào khác.

Được “cởi trói” và tăng trưởng

Thanh toán di động đã có những bước đi đơn giản hơn với những quốc gia không còn thói quen sử dụng tiền mặt từ những năm 1960 như Thụy Điển – nơi có 900 trong số 1.600 ngân hàng không còn giữ tiền mặt và không có hệ thống ATM. Ứng dụng di động Swiss của Thụy Điển có 9 triệu giao dịch thanh toán mỗi tháng, trong khi MobilePay của Đan Mạch có 5,6 triệu dân sử dụng và thực hiện 90 triệu giao dịch mỗi năm.

Ở một thị trường mà thẻ tín dụng bị hạn chế như Trung Quốc, thanh toán di động trở thành phương thức thanh toán thay thế hiệu quả. Người Trung Quốc đã bắt đầu tham gia thanh toán di động cách đây vài năm với sự thống lĩnh thị trường của Alipay với hơn 450 triệu người dùng.

Tencent đã tận dụng độ phổ biến của WeChat để trở thành kẻ cạnh tranh khó chịu cho bất cứ đối thủ nào tại thị trường đông dân nhất thế giới này. Thị trường sôi động này đã tăng gấp đôi giao dịch trong năm 2015, đạt 235 tỷ USD, đưa Trung Quốc vượt Mỹ – nơi mà thị trường tăng trưởng 42%, 231 tỷ USD, theo Euromonitor International.

Tháng 5/2016, Reuters đưa tin Samsung đã hợp tác với Alibaba để tích hợp dịch vụ thanh toán Alipay vào các sản phẩm của hãng. Cuộc bắt tay Trung – Hàn này giúp Samsung cạnh tranh với Apple Pay và giúp tăng doanh số bán hàng tại nền kinh tế thứ hai thế giới. Trong khi đó Singapore là quốc gia đầu tiên tại châu Á triển khai dịch vụ Android Pay vào tháng 8/2016.

Sự tăng trưởng nhanh chóng không có nghĩa là các doanh nghiệp đã có lợi nhuận, đại diện Tencent cho biết trên Wall Street Journal. Thế nhưng đó là miếng bánh ngon khiến các ông lớn vẫn sẽ tiếp tục đầu tư.

Nhờ thu thập được dữ liệu khách hàng, các công ty sẽ cung cấp những dịch vụ tài chính phù hợp, quản lý tài sản hoặc thúc đẩy cho vay tiêu dùng, các sản phẩm đầu tư… Hay như theo khảo sát của Strategy Analytics, Samsung rơi khỏi top 5 nhà sản xuất smartphone Trung Quốc, do đó chiến lược hợp tác với Alipay giúp hãng công nghệ Hàn Quốc không bị “hất cẳng” tại thị trường này.

Ví di động đã có những bước tiến mạnh mẽ từ khi thiết bị đầu cuối được đặt rộng rãi ở các điểm bán lẻ. Sự phát triển của công nghệ smartphone giúp giải bài toán bảo mật và sự tiện dụng… Người dùng đang có nhiều lý do nhất để chuyển sang một hình thức thanh toán mới, dễ dàng hơn và từ đó mua sắm mạnh hơn.

Cuộc đua của các ông lớn

Thanh toán di động ngang hàng Peer-to-Peer (có thể chuyển khoản trực tuyến giữa hai cá nhân) ở Mỹ được dự báo sẽ tăng trưởng từ 5,6 tỷ USD vào năm 2014 lên đến gần 175 tỷ USD vào năm 2019 khi người tiêu dùng muốn thanh toán tiện lợi hơn việc phải dùng chi phiếu hay đi đến những cột ATM.

Apple Pay ra đời đầu tiên nhưng hiện nay ví mobile đã trở nên rất phổ biến với Android Pay, Google Pay hay Chase Pay. Khi người tiêu dùng dần chuyển sang mua hàng trực tuyến nhiều hơn, những đơn vị cung cấp công nghệ, giải pháp và các dịch vụ thanh toán trực tuyến sẽ bước vào kỷ nguyên của sự tăng trưởng bùng nổ. Braintreen của PayPal tăng trưởng 111% so với quý IV năm ngoái. Trong khi đó, Stripe và Klarna đã có giá trị nhiều tỷ USD.

Dịch vụ thanh toán di động của Google Android Pay ra mắt tại Mỹ vào tháng 9/2015 và đến tháng 8/2016 gia nhập thị trường Anh. Trong khi Samsung Pay cũng vừa ra mắt hơn một năm và có hơn 100 triệu giao dịch, có mặt tại 7 quốc gia, và là đối tác của 440 ngân hàng.

Các startup mPOS (Mobile Point-Of-Sale) như Square và ShopKeep đã đi tiên phong trong việc đưa ra các hình thức thanh toán mới, thông qua máy tính bảng và smartphone. Các ứng dụng thanh toán cạnh tranh nhau ở các dịch vụ nâng cao, tính an toàn, tiện dụng, được chấp nhận bởi nhiều thiết bị đầu cuối.

Đây là cuộc đua của những ông lớn ngành công nghệ có nhiều nguồn lực sẵn sàng cho cuộc đua khốc liệt kéo dài. Business Insider cho biết, cuộc đua này không dễ dàng cho những tay chơi mới, nguồn lực yếu hoặc không kịp chuyển đổi theo thị trường.

CurrentC – từng được hậu thuẫn bởi những nhà bán lẻ lớn và được xem như đối thủ cạnh tranh của Apple Pay, thế nhưng tốc độ tăng trưởng không đáp ứng thị trường, sử dụng phương thức bảo mật bất tiện bằng QR, công ty này đã vào giai đoạn “hấp hối”.

Tencent cũng khó đuổi kịp Alipay ở hiện tại vì theo Wall Street Journal, người Trung Quốc vẫn không xem đây là một kênh mua sắm thương mại. Hãng này buộc phải sử dụng phương thức thanh toán WeChat Pay để áp dụng chi trả cho những sản phẩm, dịch vụ trực tiếp của hãng, và nỗ lực mở rộng phạm vi được chấp nhận thanh toán ở chuỗi bán lẻ như McDonalds, 7-Eleven và Uniqlo.

Ngành công nghiệp thanh toán kỹ thuật số bước vào giai đoạn chín muồi để trở thành một trong những ngành nóng nhất trong thời đại công nghệ cao. Và công nghệ sẽ quyết định đồng tiền kỹ thuật số như một nền tảng thế hệ các giao dịch dựa trên niềm tin và sự minh bạch.

TĂNG KHÁNH/DNSG

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Để lại một bình luận

Close