Tài chính - Ngân hàngThị trường
Lãi suất cho vay khó giảm đồng bộ
Động thái giảm lãi suất huy động của 4 ngân hàng thương mại quốc doanh hôm 26/9 đã khiến nhiều người bất ngờ, và đồng thời cũng mang lại kỳ vọng lãi suất cho vay sẽ sớm giảm theo. Tuy nhiên, điều này nếu có xảy ra cũng khó có thể mang tính đồng bộ do không ít ngân hàng vẫn đang đối diện với những khó khăn trong hoạt động kinh doanh và lợi nhuận bị sụt giảm.
Theo thống kê gần đây của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), vào cuối tháng 9, lãi suất cho vay VND đối với sản xuất, kinh doanh thông thường của nhóm ngân hàng thương mại (NHTM) Nhà nước là 6,8 – 8,5% ở ngắn hạn và 9,3 – 10,3% ở trung và dài hạn, trong khi lãi suất của nhóm NHTM cổ phần cao hơn là 7,8 – 9,0% ở ngắn hạn và 10,0 – 11,0% ở trung và dài hạn.
Riêng đối với lĩnh vực ưu tiên, lãi suất cho vay VND thấp hơn lãi suất cho vay thông thường, phổ biến quanh 6,0 – 7,0% ở ngắn hạn và 9,0 – 10,0% ở trung và dài hạn.
Cần giảm lãi suất để đẩy đầu ra tín dụng
Nếu so với số liệu thống kê của NHNN vào đầu năm nay thì mặt bằng lãi suất cho vay trên là gần như không thay đổi. Rõ ràng, những khó khăn trong hoạt động kinh doanh với nợ xấu tiếp tục tăng cao, lợi nhuận biên sụt giảm, chi phí vốn tăng theo mặt bằng lãi suất tiền gửi thị trường trong thời gian qua đã khiến các ngân hàng rất khó lòng giảm lãi suất cho vay.
Tuy nhiên, động thái giảm lãi suất huy động đồng loạt của 4 NHTM quốc doanh hôm 26/9 đã thắp lên tia hy vọng lãi suất cho vay có thể giảm theo trong những tháng cuối năm nay.
Thực tế với tăng trưởng GDP 9 tháng qua chỉ ở mức thấp 5,93%, hoạt động cho vay tăng trưởng chưa đạt tiến độ kỳ vọng. Cụ thể, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đến 20/9/2016 là 10,46%, thấp hơn mức tăng trưởng của cùng kỳ năm 2015 là 10,78%, thì việc giảm lãi suất cho vay là điều rất cần thiết vào lúc này để thúc đẩy doanh nghiệp vay vốn mở rộng sản xuất, kinh doanh cũng như kích thích nhu cầu tiêu dùng tư nhân tạo động lực cho tăng trưởng.
Ngoài ra, với kế hoạch tăng trưởng tín dụng năm nay ở mức 18% thì các ngân hàng càng cần phải đẩy mạnh cho vay để đạt được kế hoạch đề ra. Thêm vào đó, trong bối cảnh các doanh nghiệp đang e ngại rủi ro của nền kinh tế, thậm chí một số doanh nghiệp còn phòng thủ nguồn vốn, tìm sự an toàn ở kênh tiền gửi ngân hàng, thì việc giảm lãi suất cho vay trong lúc này càng cần thiết.
Liệu có lan tỏa đến toàn thị trường?
Việc giảm lãi suất huy động của 4 NHTM quốc doanh đang được kỳ vọng sẽ tác động đến chính sách huy động vốn của các NHTM cổ phần khác, và từ đó đẩy mặt bằng lãi suất tiền gửi của toàn thị trường đi xuống, giúp các ngân hàng dễ dàng hơn trong việc xem xét điều chỉnh lãi suất cho vay.
Thực tế, sau 4 NHTM quốc doanh, NHTM cổ phần Bưu điện Liên Việt đã giảm lãi suất huy động theo. Tuy nhiên, việc giảm lãi suất cho vay khó có thể lan tỏa đến toàn thị trường, nhất là ở những ngân hàng đang có biên lợi nhuận ngày càng giảm sút.
Các NHTM quốc doanh hiện có một lượng tiền gửi thanh toán rất lớn từ Kho bạc nhà nước, các tổng công ty, tập đoàn nhà nước, và lượng vốn huy động này khá ổn định, bất chấp mặt bằng lãi suất như thế nào.
Do đó, lãi suất huy động của các ngân hàng này có giảm thì cũng khó tác động mạnh đến nguồn tiền gửi trên, trong khi ở các ngân hàng nhỏ thì nguồn vốn huy động chủ yếu từ trong dân nên bất kỳ một động thái điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi nào cũng có thể tác động đáng kể lên số dư huy động.
Chính lượng tiền gửi thanh toán lớn như thế đã giúp chi phí vốn của các ngân hàng lớn tối ưu hơn, từ đó dễ giảm lãi suất cho vay hơn mà vẫn duy trì được biên lãi suất. Cụ thể, theo báo cáo tài chính 6 tháng thì tỷ lệ huy động vốn không kỳ hạn của BIDV gần 17%, của Vietinbank hơn 15%, của VCB gần 28%.
Một số NHTM cổ phần khác cũng có nguồn tiền gửi thanh toán khá lớn, như MB có tỷ lệ huy động vốn không kỳ hạn chiếm 26% tổng huy động vốn, ở VIB là 20%. Với nguồn vốn không kỳ hạn có giá thấp và việc giảm lãi suất đầu vào sẽ càng tạo điều kiện kéo chi phí vốn xuống thấp hơn, do đó những ngân hàng này có điều kiện để giảm lãi suất cho vay.
Ngược lại, những ngân hàng nhỏ với lượng tiền gửi không kỳ hạn rất khiêm tốn nên chi phí vốn khá cao, do đó khó có thể cạnh tranh về lãi suất cho vay. Chẳng những thế, một số ngân hàng đang trong giai đoạn tái cơ cấu, có nợ xấu rất cao nên càng khó giảm lãi suất cho vay, vì buộc phải neo lãi suất cao để bù đắp chi phí vốn cho những khoản huy động đang bị kẹt lại ở những khoản vay có vấn đề.
Như vậy, động thái giảm lãi suất huy động gần đây của 4 NHTM quốc doanh khó có thể kéo được mặt bằng lãi suất cho vay toàn thị trường đi xuống. Trong khi đó, nhu cầu vay trong quý IV thường tăng cao để đáp ứng vốn cho hoạt động kinh doanh vào dịp cuối năm, do đó các ngân hàng càng ít có động lực để giảm lãi suất cho vay hơn.
Ngoài ra, với những áp lực hiện tại và trong thời gian tới như tỷ giá, thanh khoản và khả năng đáp ứng các chỉ tiêu an toàn theo quy định mới, mặt bằng lãi suất cho vay vẫn chịu nhiều áp lực.