Góc nhìnQuản trị

Logistics ngược

Logistics ngược (return logistics) hay logistics thu hồi (reverse logistics) vẫn là khái niệm khá mới mẻ tại Việt Nam, mặc dù đã tỏ rõ những ưu thế vượt trội về hiệu quả và bảo vệ môi trường trên thế giới.

Logistics ngược là gì?

Logistics trong lĩnh vực kinh doanh thường tập trung vào dòng vật chất thuận chiều (dòng vật tư, nguyên vật liệu vào nhà máy và dòng sản phẩm từ nhà máy đi ra, đến khách hàng tiêu dùng cuối cùng), nhưng thực tế còn có một dòng vật chất đi ngược lại với dòng vật chất thuận chiều nêu trên cần phải được quan tâm lập kế hoạch và kiểm soát chúng, gọi là logistics ngược.

Logistics ngược là quá trình lập kế hoạch, thực hiện và kiểm soát một cách hiệu quả dòng chảy của nguyên liệu, bán thành phẩm và thông tin có liên quan từ các điểm tiêu thụ đến điểm xuất xứ, với mục đích thu hồi lại giá trị hoặc xử lý một cách thích hợp.

Như vậy, logistics ngược bao gồm logistics của dây chuyền cung ứng nhưng vận hành theo chu trình ngược lại. Khái niệm này đề cập đến chức năng của logistics trong việc thu hồi hàng hóa, tái chế, thay thế và tái sử dụng nguyên vật liệu, làm mới, sửa chữa, thay thế thiết bị hoặc phục hồi sản phẩm bởi những lý do không kiểm soát được, như hỏng hóc, tồn kho mùa vụ, thay thế hàng, do lỗi bảo hành hoặc tỷ lệ tồn kho quá cao.

Quy trình logistics ngược

Logistics ngược thường được thực hiện theo 4 giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên là thu hồi. Đó có thể là các sản phẩm không bán được hoặc sản phẩm bị lỗi. Đối với sản phẩm đã hết thời hạn sử dụng, nhiều khi nhà sản xuất phải có trách nhiệm (tự nguyện hoặc bắt buộc của chính quyền) tổ chức thu hồi để xử lý, tiêu hủy hay tái sử dụng một số bộ phận của sản phẩm.

Nhiều công ty đã quan tâm đầu tư nhiều hơn vào các chương trình logistics ngược bởi họ nhận thức được khoản đầu tư đó thấp hơn nhiều chi phí xử lý hàng hóa bị trả lại không kiểm soát được. Mặt khác, logistics ngược còn tạo sự thông suốt cho quá trình logistics xuôi, cũng như giúp tạo dựng hình ảnh “xanh” cho doanh nghiệp.

Một số lượng lớn bao bì của sản phẩm sau khi khách hàng sử dụng có thể cần được thu gom để tái sử dụng theo phương cách nào đó của nhà sản xuất nhằm giảm chi phí hoặc góp phần bảo vệ môi trường. Ở Đức, chính phủ yêu cầu các cửa hàng tạp hóa phải thu hồi hộp đựng ngũ cốc ngay tại điểm bán hàng.

Hầu hết các nhà sản xuất bia hay nước giải khát đều triển khai việc thu hồi vỏ chai, két nhựa đựng chai để tái sử dụng. Vấn đề là tổ chức thu gom như thế nào để bảo đảm phục vụ cho việc đóng hàng đầy đủ, kịp thời với chi phí thấp hơn chí phí sản xuất.

Tiếp đó, doanh nghiệp triển khai bước kiểm tra chất lượng sản phẩm, chọn lọc và phân loại sản phẩm. Kết quả giai đoạn này là căn cứ quan trọng và cần thiết để xác định quá trình tiếp theo cho hầu hết các sản phẩm thương mại. Giai đoạn thứ ba là xử lý bằng cách tái sử dụng, bán lại, phục hồi sản phẩm (sửa lại, làm mới, sản xuất lại, tháo để lấy phụ tùng) hay chuyển thành rác thải. Giai đoạn cuối cùng là phân phối sản phẩm đã phục hồi. Giai đoạn này đề cập đến các hoạt động logistics để đưa sản phẩm vào thị trường và chuyển nó cho khách hàng như dự trữ, bán hàng và vận chuyển.

Tại sao cần quan tâm logistics ngược?

Điều kiện tốt nhất là không có sự thu hồi. Tuy nhiên, trong thực tế, việc thu hồi hàng hóa là một vấn đề còn tồn tại phổ biến của nhà sản xuất, trung gian phân phối cũng như nhà cung cấp dịch vụ logistics. Người ta phải thu hồi sản phẩm không bán được để nâng cấp, sản phẩm bị lỗi để sửa chữa, các sản phẩm đã sử dụng để tháo dỡ hay tái sử dụng một phần, thu hồi và tái sử dụng bao bì.

Hằng năm, chi phí logistics thu hồi chiếm từ 0,5% đến 1% trong tổng thu nhập quốc nội (GDP) của Mỹ, lên đến hàng trăm tỷ USD. Một khảo sát mới đây cho thấy, tỷ lệ thu hồi hàng hóa bán lẻ trên mạng ở Mỹ chiếm đến 6,3%, thay đổi tùy loại sản phẩm và tùy thời gian trong năm.

Những hoạt động đó giúp thỏa mãn tốt hơn nhu cầu của khách hàng, làm cho vòng quay hàng hóa trở nên nhanh hơn, giải phóng được lượng hàng tồn kho, tạo ra những lợi thế về mặt tài chính cho chuỗi cung ứng. Từ lâu, hai nhà cung cấp dịch vụ vận tải và chuyển phát nhanh hàng đầu thế giới là FEDEX và UPS đã triển khai thành công một chương trình logistics thu hồi cho khách hàng sử dụng dịch vụ với sự hỗ trợ của thương mại điện tử, thông qua phương thức dùng mã để trả lại hàng trực tuyến.

Công ty Egghead của Mỹ có thể xử lý hơn 70% sản phẩm bị trả lại trong vòng 24 giờ, 95% được xử lý trong vòng 48 giờ. Levi Strauss, kết hợp với nhà cung cấp dịch vụ Logistics Genco, đã phát triển một quy trình thu hồi và xử lý hàng hóa tự động trong vòng 72 giờ.

Do đó, logistics ngược là một trong những phương thức giúp giảm chi phí, tăng doanh thu và nâng cao dịch vụ khách hàng, từ đó giúp doanh nghiệp giành được lợi thế cạnh tranh trên thị trường.

Comments

comments

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Trả lời

Close