Lo lắng, căng thẳng không giải quyết vấn đề của ngày mai, nhưng lại lấy đi an bình của hôm nay. Bệnh tật phát sinh từ đó, chữa bệnh cũng cần bắt đầu từ đó.
LTS: Trong khi rất người Việt hiện nay phó mặc sức khỏe, tính mạng của mình, thậm chí của con cái, vào những liều “thuốc Tây” một cách vô tội vạ, thì tại chính các nền y học hiện đại nhất thế giới xu hướng trị liệu tự nhiên rất được coi trọng.
Bài viết dưới đây đề cập đến một khái niệm cốt lõi trong đạo Phật – đó là sự tỉnh thức, xem đây là một cách trị liệu tuyệt vời cho bất cứ ai. Đừng chần chừ nữa, hãy thay đổi lối sống ngay từ hôm nay!
Tỉnh thức – liệu pháp hiệu quả và MIỄN PHÍ
Bạn đã bao giờ đến văn phòng và quên béng không biết mình tới đây bằng cách nào, vì không thể nhớ gì về lúc lái xe trên đường? Hoặc rời cơ quan nhưng không nhớ đã để xe vị trí nào?
Nếu từng gặp tình huống tương tự, đó là do thói quen suy nghĩ quá nhiều điều trong lúc lái hay gửi xe. Và như vậy, bạn đã bỏ qua một phương pháp quan trọng giúp cuộc sống khỏe mạnh, hạnh phúc hơn đó là: Tỉnh thức (Mindfulness).
Heidi Lowitzer – Y tá chính thức được cấp phép về Điều trị và Chăm sóc Tích cực (Certified Critical Care Registered Nurse) công tác tại Trung tâm Y Đa khoa Buffalo, New York, định nghĩa: “Tỉnh thức là trạng thái bạn nhận biết được điều gì đang diễn ra ở thời điểm hiện tại”.
Tham gia hội thảo thường niên của Tổ chức Ung thư đường mật tại Utah, Mỹ vào tháng Hai vừa qua, Heidi Lowitzer đã trình bày tham luận về phương pháp chữa bệnh nhờ tỉnh thức.
“Đó là trạng thái tâm trí đạt được khi tập trung nhận biết thực tại và bình tĩnh chấp nhận những suy nghĩ, cảm giác và cảm xúc của cơ thể. Tỉnh thức là cơ chế mang tới vẻ đẹp, bình yên và niềm vui cho cuộc sống trong bất cứ hoàn cảnh nào.”
Nếu bạn gặp thất bại, hay con cái đi học gặp các vấn đề ở trường, mà những sự kiện này không đưa ra dấu hiệu rõ ràng của căng thẳng thì cơ thể bạn có thể tạo các dấu hiệu khác như những bất thường ở ruột, đau đầu, mệt mỏi hoặc bạn thấy dễ cáu kỉnh, buồn bã, hoặc bạn có nhu cầu sử dụng thuốc, đồ uống có cồn.
Đây là lúc cần tới liệu pháp tỉnh thức!
Đã có nhiều nghiên cứu cho thấy phương pháp này giúp bạn giảm đau, giải toả stress và xua tan mệt mỏi.
Bạn cũng biết lo lắng là một phần của cuộc sống. Nhưng Lowitzer cho biết “vấn đề là lo lắng không giải quyết vấn đề của ngày mai nhưng lại lấy đi an bình của hôm nay. Tỉnh thức giúp bạn rời khỏi lo lắng và căng thẳng để trân trọng những thứ quý giá ở ngay trước mắt mà chúng ta thường bỏ lỡ khi lái xe và không còn nhớ gì về nó”.
Lắng nghe tiếng con trẻ líu lo, trân trọng thanh âm trong vườn, tận hưởng cảm giác thú cưng nằm trên đùi và bạn sẽ thấy rất nhiều điều tốt đẹp nhỏ bé gom lại để tạo nên một cuộc sống tươi đẹp.
Thái độ của bạn giúp định hình vẻ bên ngoài và cách bạn nhìn cuộc đời, dù cuộc đời đó toàn những điều xấu xa, mệt mỏi hay là cuộc đời với nhiều điều tốt đẹp.
Lowitzer và người chồng quá cố thường ngồi cùng nhau bên Hồ Erie và xem mặt trời lặn, họ có thể ngồi đó hàng giờ và nói về mọi thứ trên bầu trời. Lowitzer tâm sự “những khoảnh khắc bình dị đó là những gì chúng tôi cần để thương yêu và khiến cuộc đời chúng tôi đẹp hơn, hạnh phúc hơn”.
Lowitzer chia sẻ: “Ngắm hoàng hôn không chỉ là khoảnh khắc lãng mạn mà đó còn là một dạng thiền dù chúng ta không nhận ra lúc đó. Những giờ phút đó giúp chúng tôi sống tốt hơn, hạnh phúc hơn và tôi sẽ chẳng đánh đổi với bất cứ của cải vật chất nào”.
Các liệu pháp bổ sung khác
Trong buổi nói chuyện về các liệu pháp bổ sung của Lowitzer còn có sự tham gia của Monica Del Rosso, y tá chuyên khoa ung thư tại Trung tâm Y khoa Khu vực Quận Cam tại New York cũng là người thực hành reiki – liệu pháp sử dụng các va chạm nhẹ để đạt trạng thái thư giãn.
Các liệu pháp hợp nhất bổ sung cho phương pháp điều trị truyền thống áp dụng cho bệnh nhân ung thư như hoá trị, miễn dịch, thuốc, xạ trị, phẫu thuật và cấy ghép tế bào gốc.
Bệnh nhân có thể tự học các liệu pháp hợp nhất thông qua sách báo, bài hướng dẫn trên Internet hoặc Youtube; áp dụng đối với thiền, cầu nguyện, tưởng tượng theo hướng dẫn và day bấm huyệt.
Các kỹ thuật khác đòi hỏi phải có người hướng dẫn trực tiếp như khí công (phương pháp luyện tập kết hợp tư thế, hít thở và tập trung), yoga, khiêu vũ, âm nhạc, nghệ thuật và trị liệu bằng xoa bóp dầu thơm. Tiếp đó là một số liệu pháp cần có chuyên gia hỗ trợ như reiki, massage và châm cứu.
Monica Del Rosso đã trao đổi về một số kỹ thuật cụ thể:
1. Thiền
Chọn một khoảng thời gian trong ngày, tắt các thiết bị số và thư giãn trong không gian bạn yêu thích sẽ giúp bạn tập trung vào hiện tại. Del Rossor gợi ý: “Hãy hít thở sâu và xem hơi thở tác động thế nào lên cơ thể. Cố gắng dọn quang tâm trí; tập trung vào một bức tranh hay vật nào đó”.
2. Tưởng tượng theo hướng dẫn
Mường tượng một khung cảnh nào đó từng khiến bạn hạnh phúc và sử dụng tất cả các giác quan để tái hiện lại càng chi tiết càng tốt – ví dụ, lắng nghe tiếng sóng vỗ, cảm nhận hơi ấm từ nắng mặt trời và ngửi mùi mặn mòi trong không khí.
Del Rosso nói: “Không chỉ áp dụng trong quá trình hoá trị hoặc xạ trị, mà tôi áp dụng liệu pháp này cả lúc gặp bác sỹ nha khoa”.
3. Yoga, khí công, thái cực quyền và khiêu vũ
Không chỉ giúp các cơ khoẻ mạnh, dẻo dai, các phương pháp này là sự kết hợp giữa thiền và chuyển động cơ thể, giúp bạn tập trung vào hoạt động lúc đó hơn là các lo toan hàng ngày. Tuy nhiên nên hỏi ý kiến bác sỹ trước khi áp dụng.
4. Xoa bóp bằng tinh dầu
Tinh dầu mang lại cảm giác hạnh phúc và có thể dùng khi xoa bóp. Một số loại tinh dầu xoa dịu cảm giác khó chịu, như bạc hà giúp giảm buồn nôn hay oải hương gây buồn ngủ.
Trước khi sử dụng bạn chỉ cần lưu ý mình không bị dị ứng với bất cứ thành phần nào trong tinh dầu. Những người bị hen suyễn hay các bệnh về hô hấp nên hỏi ý kiến bác sỹ trước khi sử dụng.
5. Reiki và châm cứu
Các phương pháp này cải thiện dòng năng lượng bên trong cơ thể. Reiki giúp thư giãn một phần vì liệu pháp này được tiến hành ở một nơi yên tĩnh, và chỉ có hai người. Châm cứu dùng kim tạo ra thư giãn và các lợi ích khác nhưng người thực hiện cần có trình độ chuyên môn.
Các trường hợp sau không nên áp dụng châm cứu: người bị co mạch máu, phụ nữ mang thai , người mang máy điều hoà nhịp tim hoặc bệnh nhân có khối u sờ thấy được.
6. Mát xa
Mát xa giúp giảm đau và stress dù có thể gây nhức cơ tạm thời. Không nên xoa bóp ở các khối u, không thực hiện với bệnh nhân bị ung thư di căn xương hay chèn ép tuỷ sống. Nên tham vấn bác sỹ trước khi áp dụng.
7. Hài hước
Del Rosso nhấn mạnh “bạn đừng quên xem thứ gì đó hài hước, nghe các câu chuyện cười hay vui vẻ với bạn bè thực sự là liều thuốc hữu hiệu. Ngoài ra bạn có thể hát theo nhóm hoặc một mình, khiêu vũ, vận động, thiền, ăn chocolate và quan hệ tình dục”.
“Đặc điểm quan trọng của các liệu pháp bổ sung và thay thế đó là đa phần chúng không có tác dụng phụ. Có thể sử dụng song song nhiều liệu pháp, và chi phí cũng không cao. Bạn chỉ mất chút đầu tư ban đầu – ví dụ bỏ tiền đi học yoga rồi sau đó có thể tự tập ở nhà”.
Nếu muốn áp dụng các liệu pháp cần người hướng dẫn, bệnh nhân có thể tìm tới các nhà trị liệu có giấy phép hành nghề, các chương trình tại bệnh viện, tìm kiếm các nhóm hỗ trợ ở khu vực xung quanh hay hỏi bạn bè, đồng nghiệp. Với các liệu pháp không cần người hướng dẫn trực tiếp, bạn có thể tự học qua sách báo hoặc các kênh online.
Bài viết dịch từ Curetoday.com, kênh online của tạp chí CURE (CURE Magazine) – ấn phẩm cung cấp thông tin về ung thư hàng đầu tại Mỹ với gần một triệu độc giả.
Heidi Lowitzer
Y tá Chính thức được Cấp phép về Điều trị và Chăm sóc Tích cực (Certified Critical Care Registered Nurse), hiện giữ chức vụ Trưởng bộ phận Y tá tại Trung tâm Y Đa khoa Buffalo, New York (thuộc Hệ thống Sức khoẻ Kaleida).
Bà là người đồng phát triển Nghi thức Vòng hoa Trắng sử dụng trên toàn hệ thống Kaleida nhằm cung cấp dịch vụ chăm sóc tận tình cho các bệnh nhân cuối đời và gia đình. Bà tham gia Tổ chức Ung thư đường mật sau khi chồng bà qua đời vì bệnh này.
Bà có 27 năm kinh nghiệm về kiểm soát huyết động lực học, liệu pháp giảm nhiệt, liệu pháp thay thế thận, liệu pháp giảm đau và tham vấn cho bệnh nhân/gia đình.
Monica Del Rosso
Y tá chuyên khoa ung thư tại Trung tâm Y khoa Khu vực Quận Cam tại New York
Tốt nghiệp đại học chuyên ngành điều dưỡng (BSN)
Y tá chuyên khoa ung thư đã được cấp chứng nhận (OCN)
Y tá nội-phẫu thuật đã được cấp chứng nhận (CMSRN)
* Theo Curetoday, Linkedin, Cholangiocarcinoma
Trí Thức Trẻ