Trong xu hướng phát triển của công nghệ 4.0, hành vi mua sắm của người tiêu dùng đã thay đổi, vì thế hình thức tiếp cận khách hàng cũng phải “biến đổi” theo.
Và bình đẳng giới là yếu tố quan trọng hình thành cách tiếp cận khách hàng hiện nay – xu hướng mua sắm cặp đôi.
Viện Nghiên cứu về đời sống và con người khu vực Đông Nam Á Hakuhodo (HILL ASEAN) mới công bố một nghiên cứu thú vị về các nhóm gia đình Việt Nam. Xét ở góc độ bình đẳng giới, các gia đình Việt Nam được phân thành ba nhóm. Nhóm gia đình truyền thống (chiếm 25%), người chồng là trụ cột kinh tế, phải ra ngoài làm việc, người vợ ở nhà quán xuyến việc nhà và chăm sóc con cái.
Nhóm gia đình phân công, chia sẻ (chiếm đến 74%) thể hiện sự bình đẳng về vai trò của người chồng và người vợ. Hai vợ chồng cùng chia sẻ công việc nhà và trách nhiệm nuôi dạy con cái. Nhóm gia đình chuyển đổi (chiếm tỷ lệ 1%) thì người vợ ra ngoài làm việc, còn người chồng đảm nhận việc nhà và nuôi dạy con.
Tại Việt Nam, vợ chồng cùng chia sẻ việc nhà và chăm sóc con là chuyện bình thường. Có đến ba phần tư số gia đình tại Việt Nam đang phân chia những công việc này một cách bình đẳng. Việc phân chia vai trò và trách nhiệm trong gia đình không còn dựa trên những quan điểm truyền thống về giới tính mà dựa vào thực tế tại từng mái ấm.
Thống kê cho thấy, hơn 80% gia đình ở Đông Nam Á mà cả hai vợ chồng đều đi làm. Việt Nam là nước có tỷ lệ các cặp vợ chồng cùng đi làm cao nhất (chiếm đến 97%). Theo các chuyên gia, có nhiều lý do khiến nhóm gia đình phân công (vợ chồng cùng san sẻ việc nhà và nuôi dạy con cái) chiếm tỷ lệ cao nhất tại Việt Nam hiện nay. Đó là nhờ nhận thức về công việc và các mối quan hệ đã thay đổi.
Người phụ nữ Việt Nam đã được trao quyền và trở nên bình đẳng với nam giới về nhiều mặt. Bên cạnh đó, những tiến bộ công nghệ đang xóa mờ ranh giới về giới tính mà cụ thể là mọi người đã biết sử dụng internet và mạng xã hội phục vụ cho công việc và chăm sóc con cái.
Cũng theo HILL ASEAN, vai trò của người phụ nữ trong gia đình ảnh hưởng rất lớn đến quyết định tiêu dùng của người Việt. Cụ thể, với gia đình truyền thống, khi mua hàng, người quyết định là người chiếm ưu thế về giới. Trong khi phụ nữ của nhóm gia đình này chú ý đến những sản phẩm ít phải cân nhắc thì đàn ông lại quan tâm đến những sản phẩm cần phải cân nhắc kỹ trước khi quyết định mua.
Các sản phẩm có giá trị càng cao thì sự tham gia của người vợ ít đi. Chẳng hạn như mua nhà, hầu hết đều do đàn ông đảm nhận. Với các gia đình đổi vai, người chồng không quan tâm nhiều đến việc chọn lựa sản phẩm nhưng người vợ rất sáng tạo trong các quyết định mua hàng. Họ cân nhắc, xem xét làm sao để mua hàng tiết kiệm nhất nhưng có được những sản phẩm ưng ý nhất. Còn với các gia đình phân công, chia sẻ, cả hai thường thảo luận với nhau trước khi quyết định mua một món hàng nào đó.
Các chuyên gia cho rằng, mua hàng không chỉ là việc lựa chọn sản phẩm mà là cả một chuỗi hành động người tiêu dùng trải qua, gồm tìm hiểu sản phẩm qua mạng, cảm nhận sản phẩm trực tiếp tại cửa hàng… Nghiên cứu mới nhất của Hakuhodo Shopping Laboratory Việt Nam năm 2018 về hành trình mua hàng của người Việt Nam cho thấy, có đến hơn 57% người tiêu dùng đã tìm hiểu thông tin sản phẩm trước khi ra cửa hàng.
Có khoảng 35% khách hàng thay đổi ý kiến khi quyết định mua sản phẩm khác với sản phẩm họ đã lựa chọn trước đó. Và có khoảng 39% khách hàng đã thay đổi ý kiến sau khi được người bán tư vấn.
Hiện nay, xu hướng mua sắm mới trên thế giới là kiểu mua sắm có ý kiến của cả hai. Vì vậy, chiến lược tiếp cận khách hàng của doanh nghiệp cũng khai thác theo xu hướng này. Tại Việt Nam, doanh nghiệp Việt chủ yếu tiếp cận khách hàng theo cách riêng lẻ, hoặc khai thác khách hàng nam hay khách hàng nữ.
Trong khi trên thực tế, hầu hết phụ nữ sống ở đô thị quan tâm đến các vấn đề đẳng cấp, thượng hạng…, còn các ông chồng thường quan tâm đến các yếu tố như có dễ sử dụng hay không, sản phẩm có ích lợi cho con cái hay không, công nghệ như thế nào, có bằng chứng nào chứng minh các tính năng sản phẩm như lời giới thiệu của nhà sản xuất. Như vậy, khó có thể khai thác tốt hiệu quả kinh doanh.
Ông Yusuke Miyabe – Giám đốc Điều hành của Hakuhodo Shopping Laboratory Việt Nam cho rằng, trong xu hướng mua sắm mới, hành trình mua hàng (từ lúc xác định thông tin, tham khảo sản phẩm trên các website, khảo sát thực tế tại cửa hàng, lựa chọn sản phẩm…) đều có sự chia sẻ của hai vợ chồng.
Vì vậy, các doanh nghiệp cần chú ý đến việc nâng cao vai trò của người chồng và người vợ ngay tại điểm bán. Cụ thể, cần đưa ra hình ảnh “người mẹ siêu nhân” cùng với hình ảnh anh hùng của người cha trong gia đình. Bên cạnh đó, cũng cần tăng nhận biết của người vợ về sản phẩm có công nghệ cao hơn và đưa ra những chiến dịch thấu hiểu khách hàng.
Ngoài những yếu tố trên, theo bà Nguyễn Thị Trâm Anh – Trưởng Bộ phận Kế hoạch chiến lược của Hakuhodo Shopping Laboratory Việt Nam, điều doanh nghiệp cần quan tâm là phải thấu hiểu khách hàng để có cách tiếp cận tốt nhất.
“Doanh nghiệp cần phải giao tiếp với khách hàng trước khi họ đi mua sắm. Phải biết khai thác hành trình mua hàng của người tiêu dùng, đặc biệt, với sự phát triển của kỹ thuật số, cần phải vẽ được hành trình đó với hầu hết các sản phẩm đều có sự tham gia của cả hai vợ chồng. Nếu làm không tốt bước này sẽ không thể tác động đến quyết định mua hàng của khách tại điểm bán”, bà Trâm Anh tư vấn.
HỒNG NGA