Công nghệDoanh nghiệpKinh doanhThời đại số

Mưu đồ sau cú thâu tóm 2,3 tỷ USD của Sony: áp chế Apple và trở lại làm bá chủ thế giới âm nhạc

Thoạt nhìn, thương vụ tỷ đô mới nhất của Sony có vẻ chẳng mấy liên quan đến người dùng cuối. Nhưng, nếu nhìn kỹ hơn, bạn sẽ thấy 2,3 tỷ đô mà Sony vừa bỏ ra để thâu tóm EMI cũng là cách tốt nhất để hãng này hoàn thiện giấc mơ lâu đời nhất của mình: một “hệ sinh thái” âm nhạc đầy đủ.

 

Mưu đồ sau cú thâu tóm 2,3 tỷ USD của Sony: áp chế Apple và trở lại làm bá chủ thế giới âm nhạc

Khi Nokia hay OnePlus thu hút sự chú ý bằng các thiết bị phần cứng mới thì Sony lại chọn một cách không thể nhàm chán hơn: ngày thứ ba vừa rồi, công ty Nhật Bản bỏ ra 2,3 tỷ USD để thâu tóm EMI, một trong những hãng đĩa lớn nhất thế giới. Với 2,1 triệu bài hát do EMI nắm bản quyền, Sony hiện sở hữu tổng cộng 4,6 triệu bài hát và đang là nhà xuất bản âm nhạc số 1 thế giới.

Vậy thì, EMI là… cái gì? Thực sự mà nói, câu trả lời không quan trọng một chút nào với người nghe nhạc thông thường: chúng ta có thể biết đến các nghệ sĩ thuộc về EMI như Queen hay Kayne West, nhưng cuối cùng EMI vẫn chỉ là một… hãng đĩa, vẫn chỉ lo về một thứ xa xôi là “bản quyền âm nhạc” và chẳng mấy liên quan đến trải nghiệm âm nhạc của chúng ta.

Ấy thế nhưng nhờ có EMI, Sony sẽ trực tiếp nắm quyền thao túng tại một mảng dịch vụ công nghệ vô cùng quan trọng.

Sự trỗi dậy của streaming

Mưu đồ sau cú thâu tóm 2,3 tỷ USD của Sony: áp chế Apple và trở lại làm bá chủ thế giới âm nhạc - Ảnh 1.
Từ startup “kỳ lân” đến các gã khổng lồ, tất cả đều đang vung tiền chạy đua streaming.

Tuyên bố của Sony về thương vụ EMI nhắc rất nhiều tới khả năng tăng trưởng lâu dài và các nguồn doanh thu “ổn định” trong tương lai. Lý do khiến nguồn thu này ổn định chính là trào lưu âm nhạc của 2 năm qua: streaming (phát trực tiếp).

Quả thật, 2 năm vừa qua là quãng thời gian các dịch vụ streaming đấu đá nhau đến cùng cực. Tháng 3, CEO Tim Cook của Apple khẳng định dịch vụ stream của hãng này đã vượt mốc 50 triệu người dùng. Con số của Apple vẫn còn kém xa người tiên phong Spotify, hiện đang sở hữu 76 triệu người dùng có trả phí.

Những đối thủ khác cũng sục sôi nhảy vào cuộc chiến. Sau khi Google Music và YouTube Red thất bại, Google đang tái cơ cấu lại nỗ lực streaming của mình dưới tên gọi “YouTube Music”, dịch vụ có thể coi là sự kết hợp giữa Spotify với các “đặc sản” YouTube như các bản cover và danh sách gợi ý bài kế tiếp. Một tay chơi lâu đời khác trong cuộc chiến nội dung số là Amazon cũng đang cung cấp nhạc theo gói dịch vụ Prime (ship hàng, xem stream video v…v…) bên cạnh một dịch vụ stream đầy đủ của mình.

Nguồn thu ổn định

Mưu đồ sau cú thâu tóm 2,3 tỷ USD của Sony: áp chế Apple và trở lại làm bá chủ thế giới âm nhạc - Ảnh 2.
Bên cạnh cảm biến camera, đây là cách Apple đang làm giàu cho… Sony.

Sự bùng nổ của các dịch vụ streaming chính là nguyên nhân dẫn đến hy vọng nắm giữ nguồn tiền “ổn định” của Sony. Bất kể là một dịch vụ phát nhạc có thành công hay không, họ đều phải trả tiền cho các nhà xuất bản một khoản tiền nhất định trên từng lượt phát. Các nghệ sĩ càng thu hút được càng nhiều lượt nghe, khoản tiền Apple, Spotify hay Google phải trả cho Sony và các nhà xuất bản khác càng lớn.

Chúng ta đang nói đến những con số khổng lồ. Tháng 3 vừa qua, Jimmy Iovine – nhà đồng sáng lập Beats, cựu chủ tịch hãng đĩa Interscope và hiện cũng đang nằm trong ban quản trị Apple – đưa ra khẳng định rằng: “Các dịch vụ sreaming ở trong tình cảnh rất tệ, không có biên lợi nhuận, chẳng kiếm ra được chút tiền nào“. Nói cách khác, chính Apple cũng phải thừa nhận đang đem lợi nhuận từ mảng khác “đốt” vào Music.

Kẻ dẫn đầu còn “đau khổ” hơn: năm 2017, Spotify lỗ tới 1,5 tỷ USD. Nhưng dù Spotify có lỗ đến thế nào đi chăng, thì Sony vẫn cứ thản nhiên bỏ túi 1,8 tỷ USD tiền bản quyền từ các dịch vụ stream trong năm tài chính vừa kết thúc.

Mảnh ghép cho Hi-res và Walkman

Mưu đồ sau cú thâu tóm 2,3 tỷ USD của Sony: áp chế Apple và trở lại làm bá chủ thế giới âm nhạc - Ảnh 3.
Chẳng có gã khổng lồ hi-tech nào nắm giữ kho bản quyền nhạc khổng lồ như Sony.

Tình cảnh khó khăn của các dịch vụ stream có thể là con đường mở rộng của Sony. Nếu gã khổng lồ Nhật Bản thực sự mở cửa một dịch vụ stream, nguồn bản quyền 4,6 triệu bài hát do Sony Music/EMI nắm giữ sẽ giúp dịch vụ này tránh được một nguồn chi phí đáng kể cho bản quyền.

Quan trọng nhất, một dịch vụ như vậy có thể là mảnh ghép còn thiếu trong bức tranh âm nhạc vốn đã được các nhà lãnh đạo Sony mơ tới từ thập niên 80. Trên phương diện phần cứng, Sony lại đang thực hiện một chiến dịch bán Walkman chơi nhạc “Hi-res” khá rầm rộ (nếu bạn chưa biết, thương hiệu Walkman trong nhiều năm nay đã được định hướng lại thành máy nghe nhạc số chất lượng cao).

Một kho nhạc Hi-res do chính Sony đứng ra cung cấp chắc chắn sẽ cạnh tranh tốt với các đối thủ trên thị trường: những hãng lớn như Apple Music, Spotify và YouTube Music đều có chất lượng nhạc khá tệ trong khi dịch vụ “Hi-fi” lớn nhất là Tidal lại đang gặp khó chính vì… tiền bản quyền nhạc.

Mưu đồ sau cú thâu tóm 2,3 tỷ USD của Sony: áp chế Apple và trở lại làm bá chủ thế giới âm nhạc - Ảnh 4.
Cũng chẳng có gã khổng lồ công nghệ nào sở hữu một danh mục thiết bị âm thanh được đánh giá cao như Sony.

Và, Sony cũng đang là thương hiệu tai nghe số 1 thế giới về thị phần. Các trào lưu tai nghe hay âm thanh mới đây (Bluetooth AptX, LDAC, chống ồn, true wireless, loa di động v…v…) đều có sự hiện diện của Sony. Mọi mảnh ghép đều đã quy tụ, ngoại trừ duy nhất trang giải đáp ” tải nhạc Hi-res ở đâu ” của Sony hiện đều đang chỉ tới… các dịch vụ âm nhạc bên ngoài.

Trả đòn Apple

Gần 2 thập kỷ trước, sự trỗi dậy của iPod và đặc biệt là iTunes đã khiến cho Sony chịu thiệt hại trên mọi mặt: Walkman bị đẩy lùi vào dĩ vãng, doanh thu nhạc cũng giảm (vì người dùng chỉ mua bài lẻ thay vì mua album). Ngày nay, iPod gần như đã chết hoàn toàn, mô hình download nhạc đã bị streaming thay thế và Apple cũng sẽ phải trả tiền bản quyền đều đặn cho Sony Music.

Mưu đồ sau cú thâu tóm 2,3 tỷ USD của Sony: áp chế Apple và trở lại làm bá chủ thế giới âm nhạc - Ảnh 5.
18 năm quân tử phục thù…

Cho dù hướng đi của Sony dành cho âm nhạc là như thế nào, rõ ràng đây là mảng kinh doanh duy nhất mà gã khổng lồ Nhật Bản có thể dùng để áp chế Apple. Một cuộc chiến mới với những tranh cãi mới sẽ nổ ra, và chắc chắn sẽ có những người ngóng chờ cuộc chiến này: bao nhiêu lâu rồi các fan Sony mới có quyền nói “à, giờ Apple phải chịu trận Sony”?

Theo Gia Cường

Trí Thức Trẻ

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Để lại một bình luận

Close