Sách haySống

Nắm luật để chiến thắng trên thương trường

LS. Nguyễn Văn Lộc, chuyên gia pháp lý trong lĩnh vực kinh doanh, thương mại và đầu tư tại Việt Nam, vừa ra mắt cuốn sách Pháp lý trong kinh doanh. Sách được các doanh nhân đánh giá cao bởi tính thực tiễn và dễ tiếp cận. Báo Doanh Nhân Sài Gòn đã trò chuyện với LS. Nguyễn Văn Lộc về một số vấn đề liên quan.

* Ông có thể chia sẻ ngắn gọn về nội dung chính của cuốn sách?

LS. Nguyễn Văn Lộc

– Cuốn sách được chia làm bốn chương.

Chương I giúp người đọc hình dung về hệ thống chính sách, cách ứng xử của doanh nhân trước các tình huống pháp lý… Thông điệp chung là muốn chiến thắng, phải hiểu luật chơi.

Chương II tập trung phân tích sâu về 10 vấn đề pháp lý then chốt nhất mà các doanh nhân và nhà lãnh đạo cần phải biết: quản trị, lao động, điều hành, thuế kế toán, tài chính doanh nghiệp (DN), sở hữu trí tuệ, mua bán, sáp nhập, tiếp thị và bán hàng, giải quyết tranh chấp trong kinh doanh.

Chương III đi vào phân tích và bình giải các vấn đề liên quan đến hành lang pháp lý cụ thể cho một số lĩnh vực như startup, doanh nghiệp xã hội, thương mại điện tử và những hoạt động xã hội.

Chương cuối là những chia sẻ, tương tác giữa luật sư và doanh nhân.

Gấp cuốn sách lại, người đọc có thể thấy rằng luật pháp rất gần gũi với đời sống kinh doanh và mỗi lãnh đạo DN cần am hiểu luật để có thể tự tin chiến thắng trên sân nhà và quốc tế.

* Theo ông, doanh nhân Việt Nam đã quan tâm đúng mức đến những vấn đề pháp lý trong kinh doanh chưa?

– Theo tôi, vẫn còn không ít DN Việt Nam chưa quan tâm đúng mức đến luật. Đa phần các các công ty lớn của nước ngoài đều có luật sư, khi ký hợp đồng luôn có sự tham gia của luật sư. Nhiệm vụ của các luật sư này là tư vấn những vấn đề liên quan đến pháp luật trước khi hoạt động kinh doanh của công ty bắt đầu; vận động để thay đổi những chính sách theo hướng có lợi cho công ty.

DN Việt khi làm ăn với đối tác nước ngoài thường chỉ quan tâm đến số lượng và giá cả hợp đồng. Trong khi đối tác nước ngoài thường quan tâm đến tất cả mọi thứ, từ việc mở tài khoản thanh toán ra sao, điều kiện thanh toán như thế nào, biên độ hư hỏng hàng hóa bao nhiêu, bảo hiểm hàng hóa bên nào phải lo và do công ty nào chịu trách nhiệm, bốc dỡ như thế nào…

Đây chính là lý do mà khi có tranh chấp với DN Việt, công ty nước ngoài hiếm khi thua, còn chúng ta thì thường “thua trong thế thắng”.

Từ những kinh nghiệm đã tư vấn cho nhiều khách hàng, tôi rất muốn làm điều gì đó để góp phần “đánh động” DN Việt Nam. Chúng ta cần nắm luật, hiểu luật để phòng tránh rủi ro và từ đó có những chiến lược phát triển đúng đắn để hạn chế thấp nhất thiệt hại liên quan đến pháp lý.

* Theo ông, vì sao DN Việt Nam chưa thật xem trọng vai trò của luật sư tư vấn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh?

– Chi phí là một trong những lý do hàng đầu. Chúng ta hiện vẫn đang thiếu luật sư. Tính đến năm 2016, số lượng luật sư được cấp phép hành nghề ở Việt Nam vào khoảng 10.000, trong khi dân số hơn 90 triệu dân và có hơn 500.000 DN đang hoạt động.

Thêm vào đó, luật sư chuyên ngành kinh tế vẫn chưa đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng dịch vụ của DN. Luật sư tư vấn trong các DN phải là những người lường trước, đưa ra được những phương án, giải pháp đối với các vấn đề tranh chấp pháp lý hay rủi ro có thể mắc phải trong hoạt động kinh doanh, góp phần hạn chế thiệt hại cho DN.

Chính vì vậy mà chi phí để mời những luật sư có kinh nghiệm và uy tín mà người ta vẫn hay gọi là luật sư cao cấp, thường rất cao. Một luật sư có kinh nghiệm, tư vấn luật kinh doanh sẽ có giá tư vấn tính theo giờ, thấp nhất từ 200 – 300 USD/h (khoảng 4,4 triệu đồng – 6,6 triệu đồng), cao nhất là 700 USD/h (khoảng 15,5 triệu đồng).

* DN có thể sử dụng những hình thức tư vấn nào để giảm thiểu rủi ro trong kinh doanh, thưa ông?

– Có thể ví dụ thế này, với 2.000USD (khoảng 44,4 triệu đồng) thì DN có thể giải quyết được gì trong trường hợp công ty xảy ra tranh chấp? Với kinh nghiệm của mình tôi có thể trả lời ngay rằng nó chỉ cho phép anh có được một thư tư vấn về quyền hợp pháp của mình với một vụ tranh chấp có trị giá khoảng 100.000USD (khoảng 2,2 tỷ đồng).

Nhưng cũng với số tiền 2.000USD (khoảng 44,4 triệu đồng), bạn có thể mời một luật sư về đào tạo pháp lý cho DN. Hoặc là một tháng bỏ ra từ 5 – 10 triệu đồng là DN có thể có một luật sư tư vấn thường xuyên. Trong trường hợp này, họ không chỉ tư vấn mà còn có thể lường trước rủi ro pháp lý DN có thể vướng phải.

Thực tế cho thấy, chi phí phòng bệnh thường thấp hơn rất nhiều so với chi phí chữa bệnh. Cụ thể, đối với bất cứ một vụ kiện của DN nào, dù đi kiện hay bị kiện thì thời gian tối thiểu để có một bản án phúc thẩm là hai năm. DN phải bỏ ra ít nhất từ 300 – 400 triệu đồng để đi hầu một vụ kiện có trị giá 2 tỷ đồng với thời gian tối thiểu là hai năm. Nếu DN hiểu biết về pháp luật, hạn chế tối đa tranh chấp thì chi phí sẽ rất thấp.

Hoặc, khi xảy ra tranh chấp, DN có thể mời luật sư với vai trò cố vấn viên, trọng tài viên để tiến hành hòa giải. Chi phí cho một phiên hòa giải để luật sư phân tích đúng – sai, ưu – khuyết để các bên đi đến quyết định là sẽ tiếp tục hợp tác hay mang nhau ra tòa chỉ khoảng 2.000 – 3.000USD (khoảng 44,4 triệu đồng – 66,6 triệu đồng), thay vì 10.000USD (khoảng 222 triệu đồng) nếu sự vụ buộc phải giải quyết tranh chấp tại tòa.

* Ông có gặp khó khăn trong quá trình viết sách?

– Khó khăn nhất là những thời điểm tôi phải phá bỏ các giới hạn bằng quá trình tự nhận thức vấn đề mà tôi muốn nêu trong cuốn sách. Cụ thể, với 2 năm từ khi bắt tay vào thực hiện cho đến khi hoàn thành cuốn sách, tôi đã bỏ đi viết lại 13 lần, trong đó 3 lần thay đổi ý tưởng.

Tên ban đầu của cuốn sách là Rủi ro pháp lý trong kinh doanh (xuất phát từ ý tưởng đặc biệt nhấn mạnh những phương án phòng tránh rủi ro pháp lý mà DN thường mắc phải), tôi đổi thành Quản trị rủi ro và tuân thủ rồi Pháp lý trong kinh doanh. Tôi muốn chuyển tải một thông điệp: DN cần hiểu về luật một cách chủ động để có thể chiến thắng, có thể tìm cơ hội kinh doanh trên thương trường trong nước và quốc tế.

* Sau Pháp lý trong kinh doanh, nếu ông tiếp tục viết sách thì cuốn sách đó sẽ là gì?

– Một cuốn cẩm nang pháp lý dành riêng cho cộng đồng startup.

* Cảm ơn ông!  

PHẠM THỦY thực hiện

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Để lại một bình luận

Close