Câu chuyệnKinh doanh

Nâng tầm thương hiệu bưởi đường Quế Dương

Vài năm trở lại đây, bưởi đường Quế Dương đã trở thành một loại đặc sản nổi tiếng sánh ngang với các giống bưởi quý khác.

Có được thành quả này là do những ưu thế đặc thù của giống bưởi Quế Dương với sự kết hợp phát triển mô hình trồng bưởi theo hướng VietGAP của bà con nông dân xã Cát Quế, Hoài Đức, Hà Nội.

Ở xã Cát Quế, hầu hết các gia đình đều có vườn trồng bưởi, trong đó tập trung chủ yếu vào hai giống bưởi Diễn và bưởi Quế Dương. Tuy nhiên, bưởi Diễn được mang từ nơi khác về trồng, còn bưởi Quế Dương là đặc sản của chính vùng quê này.

buoi-1

 Ảnh minh họa.

Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Nguyễn Như Hảo, giống bưởi Quế Dương xuất phát từ một cây bưởi hạt, được gia đình cụ Trần Thảo, ở xóm Tháp Thượng lưu giữ và nhân giống từ gần một thế kỷ nay. Nhờ mẫu mã đẹp, quả to, cùi mỏng, độ ngọt vừa phải, ăn nhiều không thấy chán, cho nên người dân ưa chuộng, từ đó nhân giống ra nhiều gia đình.

Hiện, xã Cát Quế đã có 15 ha bưởi Quế Dương (trong đó có 3 ha bưởi được trồng theo tiêu chuẩn VietGap), trung bình mỗi năm cho thu hoạch từ 150 đến 200 tấn, sản phẩm thu hoạch được bao nhiêu, thương lái đến tận vườn mua buôn bấy nhiêu, không đủ cung cấp cho thị trường.

Bưởi đường Quế Dương có bộ lá to, xanh đậm che cho quả ít bị sém nắng và đặc biệt có hệ thân cành phát triển mạnh, gấp đôi so với giống bưởi Diễn nên có thể trồng để vừa lấy quả vừa làm bóng mát.

Năm 2010, xã Cát Quế được tiếp nhận dự án “Bảo tồn và phát triển nguồn gen bưởi chín sớm vùng lũ sông Đáy huyện Hoài Đức” của Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam. Trong chương trình này, các nhà nghiên cứu đã lập vườn ươm, tiến hành nhân giống bằng các phương pháp tiên tiến, hiện đại như Invitro, cấy ghép đỉnh sinh trưởng để tạo ra nguồn giống hoàn toàn sạch bệnh, khỏe mạnh mà vẫn giữ được các đặc tính ưu việt của giống bưởi đường Quế Dương.

Năm 2013, bưởi đường Quế Dương đã được Trung tâm phát triển cây trồng (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nghiên cứu, từ đó tiến hành tập huấn kỹ thuật sản xuất cho bà con nông dân theo mô hình VietGAP.

Khi tham gia trồng bưởi theo tiêu chuẩn VietGap người nông dân được hướng dẫn về kỹ thuật trồng, chăm sóc, thâm canh, thu hái và bảo quản theo quy trình công nghệ tiên tiến, được tiếp cận với các tiến bộ kỹ thuật như sử dụng túi bao quả, hệ thống tưới khoa học, áp dụng thời điểm bón phân hợp lý,…

Bưởi Quế Dương có dáng tròn hơi dẹt, cùi mỏng, lúc chín có màu vàng mịn. Quả bưởi khá to, trung bình từ 1,2-1,5 kg, cũng có khi nặng tới 5kg, có vị ngọt vừa phải, không sắc như bưởi Diễn, đặc biệt, giống bưởi này thuộc loại chín sớm, có thể thu hoạch từ rằm tháng Tám, sớm hơn bưởi Diễn khoảng 2-3 tháng.

Điều này giúp cho cây có thời gian phục hồi để ra hoa, tạo quả vào đầu năm sau, lâu bị già cỗi cùng với khả năng chống chịu úng và sâu bệnh tốt.

Bưởi Quế Dương đến nay đã được đăng ký thương hiệu trên thị trường, trở thành một loại đặc sản quý sánh với bưởi Diễn, bưởi Da xanh, bưởi Đoan Hùng…

Sau khi ứng dụng mô hình VietGAP, chất lượng sản phẩm bưởi được kiểm duyệt và đảm bảo, nhờ đó bưởi Quế Dương được đưa vào siêu thị và trở thành một mặt hàng được người tiêu dùng ưa chuộng.

HOA NGUYỄN/Doanhnhan.vn

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Để lại một bình luận

Close