Ngoài chỉ số thông minh, chỉ số cảm xúc ra, các chuyên gia giáo dục của Israel rất đề cao khái niệm chỉ số vượt khó (Adversity Quotient).
Mới đây giáo sư Trần Ngọc Thêm gây sóng gió khi chỉ mặt điểm tên những thói xấu của người Việt. Ông cho rằng bệnh ưa thành tích và bệnh giả dối trong giáo dục của người Việt hiện rất nặng.
Chúng ta có câu “Ra đường hỏi già, về nhà hỏi trẻ” nhưng ở trường thầy cô dạy phải biết khôn để giành phần thắng, đóng kịch trong những tiết dự giờ, những lúc có tranh tra. Ẩn đằng sau đó chính là tâm lý ghét bị chê, thích khen của người Việt.
Thử nhớ lại ký ức đi học, chắc trong lớp bạn sẽ có một cô bạn từ nhỏ con bé luôn nằm trong ban cán sự lớp, học tập rất nghiêm túc, tự giác và luôn đặt ra yêu cầu nghiêm khắc đối với bản thân. Nếu trong một bài kiểm tra, cô bạn chưa lọt vào danh sách ba người đứng đầu lớp, nó sẽ nỗ lực phấn đấu, lần sau nhất định phải đứng đầu lớp mới hài lòng.
Song, cô bạn này không chịu được sự phê bình, có lần chỉ vì trả lời sai câu hỏi trên lớp, thầy giáo tận tình chỉ ra lỗi sai của học trò, không ngờ bạn khóc ngay trước lớp. Cô bạn thắng thì vui vẻ, còn thua thì không chịu được, thấy vui vẻ thoải mái khi đối diện với vinh dự vẻ vang, còn hễ gặp khó khăn, trở ngại thì lại không chịu được sự công kích, sa vào “tâm lý vỏ trứng”. Trên đời này, không có ai là người chiến thắng mãi mãi. Điều này đặt ra câu hỏi về sức đề kháng của thế hệ 8x và 9x, không ít người chọn đường cùng cho mình khi gặp những thất bại, thử thách trong cuộc sống.
Nguyên nhân dẫn đến những sự việc đau lòng này không phải là do chỉ số EQ, mà đó là biểu hiện của việc thiếu kỹ năng vượt khó. Chỉ số AQ thấp là trở ngại sinh tồn của giới trẻ và cũng là bài học quan trọng nhất cha mẹ cần truyền đạt cho con cái trước khi đẩy chúng ra đấu trường xã hội. Nó giống như một cơ chế tự chữa bệnh hay chiến lược “phòng thủ phản công’’ trong nội tâm, không có nó, bạn thua không thể gượng dậy, đã thua không thể gượng dậy thì làm sao có tư cách chiến thắng?
Trong khi người Israel lại đặc biệt chú ý tới chỉ số này. Vậy nó là gì? Ngoài chỉ số thông minh, chỉ số cảm xúc ra, các chuyên gia giáo dục của Israel rất đề cao khái niệm chỉ số vượt khó (Adversity Quotient). Thậm chí các chuyên gia tâm lý giáo dục của Israel còn khẳng định, 20% IQ + 80% (AQ + EQ) = 100% thành công.
Mỗi năm, tạp chí thương mại của Israel đều đưa tin về sự trở lại thần kỳ của những doanh nh}n trong năm, giữa họ đều có một điểm tương đồng là khi gặp khó khăn và nghịch cảnh, họ vẫn luôn giữ tâm trạng vui lẻ lạc quan, không dễ dàng từ bỏ. Nói cách khác, họ đều có chỉ số AQ cao.
Phụ huynh Israel rất chú trọng bồi dưỡng kỹ năng vượt khó cho con từ nhỏ, một số tổ chức giáo dục còn đưa ra các câu hỏi trắc nghiệm kiểm tra chỉ số AQ, thông thường bài kiểm tra có bốn nhân tố quan trọng sau: Kiểm soát (Control), quy thuộc (Ownership), kéo dài (Reach) và nhẫn nại (Endurance).
Ví dụ, trong bài kiểm tra, trẻ kiểm soát bản thân kém thường chọn đáp án: “Tôi không thể làm.” Trong khi đó, trẻ kiểm soát bản thân tốt chọn đáp án: “Tuy rất khó, nhưng nhất định sẽ có cách giải quyết.” Có chuyên gia tiến hành nghiên cứu, theo dõi những đứa trẻ từng tham gia trắc nghiệm AQ, ông phát hiện ra rằng, trẻ có chỉ số AQ cao, sau này lớn lên thường nhận thức rõ ràng nguyên nhân khiến mình rơi vào nghịch cảnh và sẵn sàng gánh chịu tất cả trách nhiệm, kịp thời rút ra bài học xương máu, đứng dậy từ nơi vấp ngã.
Người Do Thái coi kỹ năng vượt khó là món hàng đắt giá nhất. Họ hình dung số phận của mỗi người như chiếc thuyền trên dòng sông chảy xiết, còn kỹ năng vượt khó giống như mái chèo trong tay mỗi người, nó có thể đưa bạn cập bờ vinh quang nhưng cũng có thể khiến bạn trôi theo sóng nước. Hãy thử đọc một câu chuyện ngụ ngôn ngắn họ thường dạy con sau.
Có một cô gái phàn nàn với cha mình rằng, việc gì cũng khó, cô không biết phải ứng phó ra sao và thấy rất chán nản. Cha cô là một người đầu bếp, ông dắt con gái vào bếp, rồi mang ra ba thứ, một củ cà rốt, một quả trứng gà và một túi cà phê. Ông bỏ riêng ba thứ vào ba cái nồi, đổ ngập nước, bắc lên trên bếp than đang cháy rừng rực. Cô gái bối rối, không biết cha mình có dụng ý gì. Khoảng mười phút sau, người cha dập lửa, vớt cà rốt, trứng gà ra, sau đó lại đổ cà phê vào một cái khăn. Sau khi làm xong các công đoạn, ông quay người hỏi con gái: ‘Con gái, con nhìn thấy cáigì?’
‘Cà rốt, trứng gà, cà phê’. Cô gái không hiểu ý đồ sâu xa của người cha.
Người cha bảo con gái sờ vào củ cà rốt trước, sau đó lấy trứng gà, bóc vỏ trứng, cuối cùng ông bảo con gái nếm cà phê. Thấy con gái đần mặt ra, ông liền giải thích, cà rốt, trứng gà và cà phê đều gặp phải nghịch cảnh giống nhau là bị bỏ vào trong nước, nhưng phản ứng của chúng lại khác nhau. Cà rốt từ cứng chuyển sang mềm; trứng gà từ dễ vỡ trở nên cứng chắc; còn cà phê hòa vào nước làm một.
Vậy đâu là con? Khi gặp chuyện không như ý, con muốn làm cà rốt, làm trứng gà hay cà phê?”
Ai cũng mong muốn bản thân mình làm việc gì cũng thuận buồm xuôi gió, nhưng đó mãi mãi chỉ là một mong muốn tốt đẹp. Hầu hết mọi việc trong đời đều không được như ý, con đường phía trước không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió, nhưng chính thái độ của mỗi người khi đối diện với nghịch cảnh mới quyết hướng đi trong cuộc đời người đó.
Theo Trí Thức Trẻ/Tổng hợp