Thời sựThời sự

Người nhập cư – mắt xích quan trọng của kinh tế Mỹ

Hơn 10% trong danh sách 400 người giàu nhất nước Mỹ năm 2016 do Tạp chí Forbes (Forbes 400) công bố là người nhập cư.

Tỷ phú gốc Nga Sergey Brin – nhà đồng sáng lập Google, Chủ tịch Công ty Alphabet – là “tỷ phú nhập cư” giàu nhất trong danh sách Forbes 400. Nguồn: Getty Images

Những người nhập cư mang trong mình “giấc mơ Mỹ” hiện diện ở mọi nơi, từ Thung lũng Sillicon đến Phố Wall, và là một mắt xích quan trọng trong bộ máy kinh tế Mỹ.

Trên thực tế, 42 người giàu nhất nước Mỹ trong Forbes 400 là những tỷ phú không phải là người Mỹ bản địa. Xét trên tổng thể, những “tỷ phú nhập cư” này sở hữu giá trị tài sản ròng gần 250 tỷ USD; và đến từ 21 quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau. Đặc biệt, có đến 14 người trong số này giàu hơn ứng viên Tổng thống Donald Trump – người luôn tuyên bố sẽ thắt chặt chính sách nhập cư nếu trở thành tổng thống Hoa Kỳ. Theo số liệu của Forbes, tài sản ròng hiện tại của ông Trump trị giá 3,7 tỷ USD, giảm 800 triệu USD so với năm ngoái.

Nổi bật nhất trong số những người đã biến “giấc mơ Mỹ” thành hiện thực là tỷ phú gốc Nga Sergey Brin – nhà đồng sáng lập Google, Chủ tịch Công ty Alphabet – với giá trị tài sản ròng 37,5 tỷ USD. Sergey Brin đến Mỹ vào năm 1979, khi mới được 6 tuổi. Mặc dù chịu nhiều thiệt thòi vì là người nhập cư, như bị xếp ngồi riêng trong kỳ thi vào đại học, bị giới hạn trong quá trình lựa chọn nghề nghiệp…, Sergey Brin vẫn quyết tâm theo đuổi tấm bằng tiến sĩ của Đại học Stanford. Đây là nơi ông gặp gỡ Larry Page và cùng nhau phát triển công cụ tìm kiếm Google.

Trong khi đó, người nhập cư vào Mỹ sớm nhất trong danh sách Forbes 400 là tỷ phú bất động sản và dầu mỏ John Catsimatidis với 3,3 tỷ USD tài sản ròng. Ông di cư từ Hy Lạp đến New York vào năm 1949, khi còn là trẻ sơ sinh. Cả Elon Musk, đồng sáng lập WhatsApp là Jan Koum và cựu Chủ tịch eBay Jeffrey Skoll đều đến Mỹ vào đầu thập niên 1990 và sau đó xây dựng nên hàng loạt những công ty công nghệ nổi tiếng.

Một trong những câu chuyện thành công nổi bật nhất của người Mỹ gốc Á là của đôi vợ chồng Andrew và Peggy Cherng. Họ là chủ sở hữu chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh Trung Quốc Panda Express, có mặt tại nhiều sân bay, trung tâm thương mại và sân vận động ở Mỹ.

Xuất thân từ Myanmar và Trung Quốc, Andrew và Peggy gặp nhau tại Đại học Baker, bang Kansas. Cùng với cha mình, Andrew mở nhà hàng Panda Inn vào năm 1973. Khi cha Andrew qua đời, Peggy mới bắt tay vào làm cùng. Hai vợ chồng đã mở một chi nhánh phục vụ nhanh các món ăn của nhà hàng mình vào năm 1983 tại bang California. Ngày nay, Andrew và Peggy Cherng đã phát triển Panda Express thành hệ thống 2.000 nhà hàng và sở hữu tài sản ròng 3 tỷ USD.

Vợ chồng nhà Cherng chỉ là một điển hình trong số 21 tỷ phú thuộc Forbes 400 đến từ châu Á. Những tỷ phú từ châu Âu chiếm 15 vị trí, còn cả châu Úc và Nam Mỹ đều chỉ có một đại diện trong danh sách. Israel là nước “xuất khẩu nhân tài” nhiều nhất trong Forbes 400 với 6 đại diện. Tiếp theo đó là Ấn Độ với 5 đại diện. Trong khi đó, cả Hungary và Đài Loan đều có 4 cái tên lọt vào Forbes 400.

DNSG

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Để lại một bình luận

Close