Trong số 138 quốc gia, vùng lãnh thổ được WEF thống kê, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam xếp thứ 56 ở mức 75,6 tuổi.
Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) vừa công bố “Báo cáo cạnh tranh toàn cầu”, công bố này có rất nhiều thống kê liên quan tới 138 quốc gia, vùng lãnh thổ được nghiên cứu về cả kinh tế, tài chính… cho tới cả sức khoẻ và tuổi thọ trung bình của người dân tại những quốc gia, vùng lãnh thổ này.
Trong thống kê của WEF, nơi có tuổi thọ trung bình cao nhất thế giới không phải là Nhật Bản mà lại là Hồng Kông khi mà tuổi thọ trung bình của người dân tại đây lên tới 84 tuổi, Nhật Bản xếp vị trí thứ 2 với tuổi thọ trung bình 83,6 tuổi. Việt Nam xếp thứ 56 trên tổng số 138 quốc gia, vùng lãnh thổ được thống kê và có tuổi thọ trung bình 75,6 tuổi.
Dưới đây là danh sách 11 quốc gia, vùng lãnh thổ có tuổi thọ trung bình cao nhất thế giới theo thống kê của WEF. Riêng vị trí thứ 9 có tới 3 quốc gia đồng hạng do có tuổi thọ trung bình cùng là 82,2 tuổi.
1. Hồng Kông – 84 tuổi
Nhiều nhà nghiên cứu y tế cho rằng do tập luyện võ công cùng chế độ ăn hợp lý giúp người lớn tuổi Hồng Kông khoẻ mạnh, năng động hơn. Thêm vào đó việc uống trà thường xuyên cũng giúp cân bằng chế độ ăn uống và có lợi cho sức khoẻ.
2. Nhật Bản – 83,6 tuổi
Nhật Bản mất vị trí dẫn đầu 3 năm trước do tỷ lệ nữ giới tự tử tăng cao, thế nhưng quốc gia này vẫn có tuổi thọ trung bình trong top thế giới do có thể độ ăn uống lành mạnh và các thói quen tích cực, có lợi cho sức khoẻ.
3. Tây Ban Nha – 83,1 tuổi
Tây Ban Nha nổi tiếng với kiểu ăn kiêng Địa trung hải mà các chuyên gia cho rằng giúp cải thiện sức khoẻ và kéo dài tuổi thọ. Món ăn với cá cùng các loại rau quả tươi cung cấp lượng chất béo có lợi cùng dưỡng chất vượt trội.
4. Thuỵ Sĩ – 82,8 tuổi
Sự giàu có của Thuỵ Sĩ giúp cho người dân dễ tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc y tế cùng thực phẩm nhiều dưỡng chất hơn. Người phụ nữ có tuổi thọ cao nhất Thuỵ Sĩ là cụ Rosa Rein, sinh vào năm 1897 và mất năm 2010.
5. Ý – 82,7 tuổi
Khoảng cách giàu nghèo thấp ở Ý giúp cho người dân ở quốc gia này được tiếp cận lượng thực phẩm cùng các chế độ y tế như nhau. Khác với các quốc gia khác khi mà người nghèo phải sử dụng các loại thực phẩm kém chất lượng hơn để giảm thiểu chi phí sinh hoạt.
6. Singapore – 82,6 tuổi
Tuổi thọ trung bình của Singapore đã tăng trưởng mạnh trong vòng 30 năm qua, thành tựu này được xây dựng do Singapore có những biện pháp chăm sóc sức khoẻ, trị liệu tốt.
7. Pháp – 82,4 tuổi
Là một trong những quốc gia có tỷ lệ người béo phì thấp cùng hệ thống ẩm thực phong phú giúp cho người Pháp có tuổi thọ trung bình cao hơn.
8. Úc – 82,3 tuổi
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng lối sống lành mạnh và các cơ sở chăm sóc y tế tốt hơn là yếu tố chính giúp tuổi thọ trung bình của người dân Úc tăng cao.
9 (Đồng hạng). Hàn Quốc – 82,2 tuổi
Tăng trưởng kinh tế trong thời gian gần đây giúp giới trung lưu ở Hàn Quốc tăng mạnh từ đó kéo tuổi thọ trung bình cao hơn. Mặc dù vậy, tỷ lệ ô nhiễm ở Hàn Quốc vẫn đang ở mức cao và cần có sự cải thiện để không làm ảnh hưởng tới sức khoẻ người dân tại quốc gia này.
9 (Đồng hạng). Luxembourg – 82,8 tuổi
Quốc gia nhỏ bé này có lượng người dân thấp hơn rất nhiều so với các quốc gia khác ở châu Âu nhưng thu nhập bình quân của người dân ở đây rất cao nên họ dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, thực phẩm chất lượng để từ đó tăng cao tuổi thọ.
9 (Đồng hạng). Israel – 82,8 tuổi
Nam giới tại Israel có tuổi thọ trung bình thuộc top cao trên thế giới mặc dù đa phần nam giới ở quốc gia này đều tham gia vào quân đội.
Theo Trí Thức Trẻ/B.I/WEF