Kinh tế vĩ môThời sự
Nhà Trắng “buông” TPP: Động lực cải cách, hội nhập của Việt Nam có bị ảnh hưởng?
“Đối với Việt Nam, TPP chỉ là một kênh hội nhập quốc tế thôi. Tất nhiên kênh đấy là một kênh quan trọng nhưng không phải là kênh duy nhất. Khả năng hội nhập quốc tế của Việt Nam đối với các kênh khác vẫn còn!”, chuyên gia Phạm Chi Lan cho biết.
Mới đây, tờ Wall Street Journal cho biết Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang dần đi vào “ngõ cụt” khi Quốc hội Mỹ phát tín hiệu cho thấy họ sẽ không xem xét đến TPP trong kỳ họp cuối cùng của Tổng thống Obama. Mặt khác, các quan chức thuộc nội các của ông Obama cũng thừa nhận TPP không còn đường tiến.
Với lo lắng tác động của việc TPP bị huỷ bỏ đối với kinh tế Việt Nam, phóng viên Trí Thức Trẻ đã đã có trao đổi với chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan.
Bà nhận định kinh tế Việt Nam sẽ bị tác động như thế nào nếu không có TPP?
Đối với Việt Nam, TPP chỉ là một kênh hội nhập quốc tế thôi, tất nhiên kênh đấy là một kênh vô cùng quan trọng nhưng không phải là kênh duy nhất. Khả năng hội nhập quốc tế của Việt Nam đối với các kênh khác vẫn còn.
Trong đó, quan trọng như là Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA) hay Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) giữa ASEAN và 6 đối tác đang được đàm phán.
Các kênh khác như giữa Việt Nam với Nga và 4 nước trong liên minh kinh tế Á – Âu cũng là kênh quan trọng. Hay những hợp tác song phương như: Việt Nam – Hàn Quốc với Hiệp định mậu dịch tự do, Việt Nam – Nhật Bản với Hiệp định đối tác toàn diện… Như vậy Việt Nam đã và sẽ có nhiều kênh hội nhập khác chứ không phải TPP là kênh duy nhất.
Mặt khác, dù không có TPP thì quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ cũng còn những nền tảng khác như là Hiệp định thương mại song phương BTA và những cam kết thông qua WTO. Hai nước vẫn có buôn bán với nhau và kim ngạch thương mại không ngừng tăng trong nhiều năm qua.
Tuy nhiên mọi người vẫn kỳ vọng với TPP thì quan hệ thương mại giữa Việt Nam với các nước thành viên TPP, đặc biệt là Hoa Kỳ sẽ được thúc đẩy mạnh. Như vậy, việc chưa có nhân tố đó sẽ đòi hỏi Việt Nam phải cố gắng nhiều hơn để có thể duy trì được khả năng của mình tiếp tục thâm nhập thị trường Hoa Kỳ.
Dưới thời Tổng thống Donald Trump, việc thâm nhập đó sẽ gặp nhiều trở ngại?
Tất nhiên thâm nhập thị trường Hoa Kỳ thời gian tới là khó. Xu hướng ông Trump không những không thông qua TPP mà có vẻ sẽ siết chặt lại việc nhập khẩu từ bên ngoài hoặc yêu cầu các công ty Mỹ trở lại sản xuất ở trong nước chứ không đưa ra đặt hàng ở bên ngoài như xu hướng outsourcing mà lâu nay họ làm nữa.
Như vậy nhập khẩu từ các nước như Việt Nam sẽ bị hạn chế đi, nhất là ông Trump hay nói về việc công ăn việc làm, Việt Nam lương thấp cạnh tranh với việc làm ở Mỹ. Nếu thực hiện theo hướng đó thì những ngành chính ở Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ như hàng may mặc, giày dép sẽ gặp khó khăn, trở ngại nhiều hơn.
Vậy các công ty ở Mỹ sẽ thuận theo chính sách mới?
Các công ty Mỹ có lợi ích khi làm ăn với Việt Nam, do đó người ta sẽ không dễ dàng từ bỏ lợi ích. Ông Trump chỉ đưa ra đường hướng chung, còn các công ty vẫn có sự chủ động, tính toán của họ.
Việt Nam là thị trường các công ty Mỹ không dễ bỏ qua. Nhất là Việt Nam đang là thành viên của AEC, sau này là RCEP, nghĩa là từ Việt Nam có thể mở rộng ra thị trưởng 600 triệu dân ASEAN và tương lai là 2 tỷ người, chiếm 50% dân số toàn cầu.
Vì lợi ích đó các công ty này sẽ duy trì hoặc tăng cường quan hệ với Việt Nam, nhưng với điều kiện Việt Nam phải cạnh tranh được với các nước khác trong khu vực để giữ chân họ.
Nhưng nếu không còn TPP, động lực cải cách của Việt Nam có bị ảnh hưởng?
Đây là một trong những lợi ích của TPP mà tôi và nhiều chuyên gia khác thường nói. TPP có đòi hỏi rất cao, nó tạo thêm động lực, áp lực để cho Việt Nam thúc đẩy cải cách kinh tế nhiều hơn, tuân thủ theo những cam kết đã có với họ đẩy hệ thống thể chế của Việt Nam lên càng ngày càng cao hơn để đáp ứng những chuẩn của TPP.
Mặc dù nhân tố, động lực, áp lực đó không còn nhưng tôi nghĩ Việt Nam cải cách trước hết là vì bản thân, từ chính nhu cầu của nền kinh tế.
Trong giai đoạn hiện nay nếu Việt Nam không thúc đẩy mạnh công cuộc cải cách của mình thông qua những chương trình như tái cơ cấu nền kinh tế đổi mới mô hình tăng trưởng, cam kết cải cách mạnh doanh nghiệp nhà nước, hệ thống ngân hàng… thì Việt Nam sẽ không thể nào phát triển lên được.
Cho nên nếu coi cải cách là nhu cầu tất yếu tự bản thân nền kinh thì sẽ thấy nhu cầu cải cách trong thời gian tới là rất lớn và động lực, áp lực trong nước là rất lớn.
Tôi mong những động lực áp lực từ trong nước cộng với từ những cam kết khác và yêu cầu của việc cạnh tranh sẽ thúc đẩy Việt Nam làm công cuộc cải cách của mình dù có TPP hay không. Đừng vì TPP không được thực hiện lúc này mà rồi lại trì hoãn những cải cách theo cam kết của TPP.
Xin cảm ơn bà
Trí thức trẻ/CafeF