Tài chính - Ngân hàngThị trường

Nhiều cơ hội cho đầu tư tài chính

Những thông tin về lộ trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN), đặc biệt là các tập đoàn lớn như Sabeco, Mobifone, Satra Group, Bến Thành Group, hay việc thoái phần vốn Nhà nước đang nắm giữ tại các công ty niêm yết như Vinamilk, FPT, Nhựa Bình Minh, Nhựa Thiếu Niên Tiền Phong đang thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, những công ty gia đình tỏ ra rất hiệu quả trong gọi vốn đầu tư. Tất cả vẽ lên bức tranh Việt Nam như một điểm đến hấp dẫn của đầu tư tài chính.

Với nền kinh tế đang dần ổn định, trong vòng 12 – 14 tháng tới, một số yếu tố có thể giúp thị trường Việt Nam trở nên sôi động và hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư.

Nói về chiến lược đầu tư của VOF (thuộc VinaCapital) ông Andy Ho – Giám đốc Điều hành VOF cho biết, trong vòng 6 – 8 tháng tới, VOF quan tâm nhiều hơn đến những công ty gia đình, bên cạnh đó là các DNNN cổ phần hóa.

Bởi, xét về hiệu quả đầu tư trong danh mục của VOF (gồm cổ phiếu niêm yết, OTC, bất động sản, thị trường vốn), trong vòng 3 năm gần đây, lợi nhuận bình quân hằng năm từ các khoản đầu tư tư nhân mang về ở mức cao nhất, đạt 25,9%, trong khi cổ phiếu niêm yết là 15,7% và OTC là 12,7%.

Cú hích cổ phần hóa

Trước hết, phải kể đến việc nới room cho nhà đầu tư nước ngoài. Sau tháng 6/2015, khi Nhà nước ban hành Nghị định 60, nhiều công ty đã có động thái nới room. Cho đến nay, có 9 công ty đã nới room hoàn toàn, trong đó tiêu biểu có Vinamilk thực hiện hồi tháng 7 vừa rồi, được thị trường quốc tế đánh giá cao và đây là cơ hội để họ quan tâm đến thị trường Việt Nam nhiều hơn.

Thứ hai là việc cổ phần hóa DNNN và thoái vốn do Nhà nước nắm giữ tại các công ty niêm yết tên tuổi như Vinamilk, Nhựa Bình Minh, FPT, Nhựa Thiếu niên Tiền Phong… cũng như những tập đoàn nhà nước có giá trị chuẩn bị cổ phần hóa như Sabeco, MobiFone, Satra Group, Bến Thành Group đã kích thích thị trường.

“Chúng tôi mong rằng, những công ty này niêm yết trong 12 tháng tới, sẽ tạo cú hích cho thị trường chứng khoán Việt Nam tăng trưởng về quy mô lẫn vốn vì ngay như hiện nay, cả 2 sàn chứng khoán HNX và HoSE cộng lại mới có thị giá vốn khoảng 69,5 tỷ USD. Nếu những công ty này cổ phần hóa, niêm yết thì tổng giá trị vốn bổ sung có thể lên hơn 10 tỷ USD”, bà Nguyễn Thị Thu – Giám đốc Điều hành Quỹ VVF (VCG Partners Vietnam Fund, thuộc VinaCapital) đánh giá.

Song, đó cũng chỉ mới là giai đoạn mở đầu, việc có thu hút được nhà đầu tư tham gia vào giai đoạn IPO (phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng) hay không còn tùy thuộc vào sự chuẩn bị của doanh nghiệp (DN). Về vấn đề này, ông Văn Đức Mười – TGĐ Công ty Vissan chia sẻ: “Khi IPO, Vissan có 6 nhà đầu tư tổ chức tham gia, còn lại là 135 cổ đông bên ngoài. Để IPO thành công, thương hiệu chỉ là tiêu chí đầu tiên, kết quả về quản trị, chiến lược dài hạn của doanh nghiệp mới thuyết phục được nhà đầu tư”.

Do vậy, trong các roadshow (đội ngũ quản lý cấp cao của DN, đại diện IB và luật sư gặp gỡ các nhà đầu tư, tổ chức tiềm năng), nếu không có sự chuẩn bị chu đáo thì rất dễ gây thất vọng cho nhà đầu tư. Trước khi IPO, Vissan đã có 3 buổi công bố thông tin bằng tiếng Việt và một buổi bằng tiếng Anh để chia sẻ với roadshow. “Để IPO thành công, DNNN lẫn doanh nghiệp tư nhân (DNTN) phải trung thực về mặt thông tin và rõ ràng về chiến lược kinh doanh”, ông Mười nhấn mạnh.

Còn về bên mua, không chỉ DN nước ngoài, quỹ đầu tư tài chính ngoại mà nhiều tổ chức trong nước cũng có đủ tiềm lực để tham gia “cuộc chơi”, vấn đề là mục đích cuối cùng. Ngay như các tổ chức tài chính, mục tiêu của họ là đầu tư vào công ty, thay đổi quản trị tốt hơn, kích thích kinh doanh tăng trưởng để được chia cổ tức và quan trọng là đến thời điểm thích hợp, họ sẽ bán để hiện thực hóa lợi nhuận.

Và hấp lực khu vực tư

Chiến lược đầu tư của đa phần các quỹ ngoại, dù là quỹ mới hay đang hoạt động đều ưu ái khoản đầu tư vào DNTN chưa niêm yết, trong đó nhấn mạnh đến các công ty gia đình. Có thể so với công ty niêm yết, hệ thống quản trị hay tính minh bạch trong hoạt động của công ty gia đình còn hạn chế, nhưng đối với khoản đầu tư này, rủi ro tỷ lệ thuận với lợi nhuận thu về.

Gần đây, thông tin về việc IPO của một số DNTN cũng thu hút được nhà đầu tư. Điển hình, vào trung tuần tháng 10, trả lời phỏng vấn của tờ Nikkei Asian Review, đại diện Hãng Hàng không Vietjet Air cho biết, họ đang lên kế hoạch để IPO ngay trong năm nay, bởi đây là thời điểm tốt cho Hãng cả về phương diện tăng trưởng lẫn kết quả kinh doanh.

Tờ Nikkei Asian Review dẫn giải, là hãng hàng không chi phí thấp tư nhân đầu tiên được thành lập năm 2007 (chuyến bay đầu tiên vào cuối năm 2011), tính đến tháng 10 này, Vietjet Air đã chuyên chở khoảng 30 triệu lượt khách. Năm nay ước tính lượng khách đạt 15 triệu người, tăng 60% so với năm ngoái, doanh thu dự kiến sẽ gấp đôi con số 11.000 tỷ đồng (493 triệu USD) của 2015.

Hay như Novaland – nhà phát triển bất động sản nằm trong nhóm dẫn đầu về cung ứng nhà ở thuộc phân khúc trung cao cấp và cao cấp, với trên 40 khu nhà tại TP.HCM (hiện đang mở rộng ra các tỉnh, thành khác), mới đây, trong khi chia sẻ thông tin với báo giới về kế hoạch niêm yết, ông Phan Lê Hòa – Giám đốc Thị trường vốn và Quan hệ đầu tư của Novaland tiết lộ, cho đến thời điểm dự kiến niêm yết vào cuối năm nay, Công ty sẽ hoàn tất kế hoạch huy động hơn 200 triệu USD từ các nhà đầu tư tài chính ngoại.

Theo đó, năm 2015, Novaland đã huy động gần 50 triệu USD từ các quỹ đầu tư tài chính Dragon Capital, VinaCapital và một công ty tài chính trong nước thông qua phát hành trái phiếu chuyển đổi. Đồng thời tháng 7 vừa rồi, Công ty tiếp tục huy động được 60 triệu USD từ nhà đầu tư Thụy Sỹ và Hong Kong, và sắp tới sẽ hoàn tất việc huy động thêm 100 – 120 triệu USD từ các nhà đầu tư tổ chức.

Mục tiêu này của Novaland đối với việc huy động vốn là nhằm lành mạnh hóa cơ cấu tài chính, bổ sung nguồn vốn để thực hiện các thương vụ M&A mở rộng quỹ đất, tạo thêm các quỹ dự phòng và giảm phụ thuộc vào vốn vay trong phát triển dự án. Ông Hòa cũng cho biết, sau niêm yết, cổ đông nước ngoài sẽ chiếm khoảng 10% vốn điều lệ của Novaland.

Dù luôn “khát khao” tìm kiếm các khoản đầu tư tư nhân nhưng điểm đáng chú ý ở các nhà đầu tư (trong nước lẫn nước ngoài) là thường nhắm đến những công ty nằm trong nhóm dẫn đầu ngành, có mức độ tăng trưởng ấn tượng. Điều này từng được lãnh đạo VOF chia sẻ tại buổi công bố khoản đầu tư 30 triệu USD của Quỹ cùng với Deutsche Investitions-und Entwicklungsgesellschaft mbH (DEG – quỹ đầu tư thành viên của Tập đoàn KfW, Đức) vào Công ty CP Gỗ An Cường hồi tháng 6 vừa qua.

An Cường được biết đến là một DN gia đình, dẫn đầu trong lĩnh vực cung cấp nguyên vật liệu trang trí nội thất, decor và gỗ công nghiệp tại Việt Nam. Doanh thu của Gỗ An Cường trong 2 năm gần đây luôn dao động từ 70 – 80 triệu USD, trong đó, xuất khẩu chiếm khoảng 30%.

Ông Lê Đức Nghĩa – TGĐ Công ty Gỗ An Cường cho biết, sự tham gia của các nhà đầu tư uy tín sẽ giúp Công ty bổ sung nguồn tài chính để mở rộng quy mô sản xuất, doanh thu, có cơ hội tiếp cận những tiêu chuẩn quản trị quốc tế và tham gia vào hệ thống của họ, bởi mục tiêu của Gỗ An Cường là cân bằng doanh thu nội địa – xuất khẩu theo tỷ lệ 50/50.

Theo kế hoạch, năm 2018, Gỗ An Cường sẽ thực hiện thủ tục niêm yết trên sàn chứng khoán và đây thường là thời điểm tốt để các nhà đầu tư tài chính thoái vốn, hiện thực hóa lợi nhuận các khoản đầu tư.

NGUYÊN BẢO – HẢI ÂU

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Để lại một bình luận

Close