Kinh tế vĩ môThời sự

Nhìn từ tác động lan toả FDI: Doanh nghiệp hay tự ti mà muốn làm được cần tự tin

Ông Nguyễn Mại cho rằng, khi nói đến lan toả cần nhìn bao quát, đặc biệt là trong chuỗi giá trị toàn cầu, tại Việt Nam, tác động lan toả chưa được như kỳ vọng, thể hiện trong việc các doanh nghiệp Việt Nam vẫn hạn chế trong việc tham gia trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Nhìn từ tác động lan toả FDI: Doanh nghiệp hay tự ti mà muốn làm được cần tự tin

GS. TSKH Nguyễn Mại – Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Ảnh: Quang Sơn

Tác động lan toả FDI chưa như kỳ vọng

Tại toạ đàm “30 năm lan toả FDI”, diễn ra ngày 6/10 tại FLC Vĩnh Phúc, GS. TSKH Nguyễn Mại – Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) đã đưa ra những đánh giá về tác động lan toả của FDI trong thời gian vừa qua.

GS. Nguyễn Mại khẳng định rằng, nhược điểm chính của FDI hiện nay đang được đề cập đến nhiều là tác động lan toả. Theo đó, ông Mại cho biết, hiệu ứng về các ngành mới, nghề mới, công nghệ mới của các doanh nghiệp FDI là rất lớn. Có những ngành đã có công nghệ tiên tiến so với thế giới như dầu khí, điện tử, viễn thông.

Ông Mại dẫn chứng, vài chục năm trước, viễn thông Việt Nam là lạc hậu nhất, giá cao nhất, chi phí đắt nhất do đó, người tiêu dùng được sử dụng ít nhất, giá cước lại cao nhất nhưng lúc này người dùng Việt Nam đã được sử dụng như nước ngoài, thậm chí rẻ hơn.

“Hay hiện nay nổi lên những phong cách tiêu dùng mới. Ví dụ hàng hoá Việt Nam trước đây bị coi là ban đầu tốt, sau đó kém đi. Nhưng lúc này yếu tố về chất lượng, giá cả và thị hiếu người dùng được chú ý hơn”, ông Mại nói.

Ông Mại nhấn mạnh rằng, khi chúng ta nói đến lan toả thì cần phải nhìn bao quát, đặc biệt là trong chuỗi giá trị toàn cầu và cho rằng tại Việt Nam, tác động lan toả chưa được như kỳ vọng, thể hiện trong việc các doanh nghiệp Việt Nam vẫn hạn chế trong việc tham gia trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Phân tích của Chủ tịch VAFIE cho thấy, trong chuỗi giá trị bao gồm 5 cá thể là nhà cung cấp, nhà chế biến, nhà cung ứng, nhà kho và khách hàng. Tất cả chuỗi này đều có chi phí.

“Trong chuỗi cung ứng toàn cầu, như vấn đề xuất khẩu sang Mỹ của khối ASEAN. Nếu như năm 2010 Việt Nam chỉ đứng thứ 6 trong khối ASEAN thì đến năm 2014 đã vươn lên đứng đầu, chiếm 22% tổng xuất khẩu sang Mỹ của khối. Trong xuất khẩu, Việt Nam chiếm 4% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn thế giới. Đứng đầu là xuất khẩu hồ tiêu, cà phê, dệt may và hiện đã trở thành cứ điểm sản xuất điện thoại di động thông minh, máy tính bảng”, ông Mại đưa ra dẫn chứng.

Tuy nhiên, theo đánh giá chung của các nhà kinh tế, có 21% doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, trong khi đó ở Thái Lan tỷ lệ này là 30%, ở Malaysia là 46%. “Như vậy, chúng ta kém xa các nước xung quanh chúng ta về mặt này”, ông Mạ nói.

Cũng theo ông, mhững điển hình của Việt Nam trong chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu có 2 đầu giá trị gia tăng cao và giá trị gia tăng thấp. Trong đó, đầu giá trị gia tăng thấp là dệt, lụa, thiết kế. Đầu cuối với giá trị gia tăng cao là tiêu thụ thì các doanh nghiệp FDI chiếm gần như toàn bộ. Các doanh nghiệp Việt Nam làm các khâu có giá trị gia tăng thấp là may. Như vậy giá trị gia tăng chung của ngành dệt may chỉ đạt 15% kim ngạch.

Tương tự, ngành da giày, các doanh nghiệp Việt Nam chỉ sản xuất, còn khâu tiêu thụ, marketing vẫn thuộc về các doanh nghiệp nước ngoài.

Tuy vậy khi nhìn vào giá trị toàn cầu, khi nhìn vào những con số vừa nêu, ông Mại cũng lưu ý, công nghiệp cơ kh ví dụ xe máy có sản lượng 3 triệu xe/năm, tỷ lệ nội địa hoá trên 80% và đã có xe máy “Made in Việt Nam”. Chính phủ trước đây cũng có chiến lược ô tô, nhưng tỷ lệ nội địa hoá của ngành này hiện còn thấp. Đây là 2 ý để đối chiếu tại sao xe máy nội địa hoá là 80% còn ô tô chỉ khoảng 10%. Như vậy làm thế nào để thích ứng công nghệ của doanh nghiệp Việt Nam là một vấn đề của tác động lan toả.

Để làm rõ liệu Việt Nam có khả năng phát triển hơn nữa công nghiệp phụ trợ và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu hay không, GS. Nguyễn Mại đã nêu ra kinh nghiệm của Samsung.

Cụ thể, Samsung là một trong những doanh nghiệp FDI lớn nhất tại Việt Nam với số vốn đăng ký lên tới 17 tỷ USD. Kinh nghiệm của Samsung là có chiến lược hợp tác với các doanh nghiệp Việt để phát triển mạng lưới công nghiệp phụ trợ.

“Chiến lược này tạo ra điều kiện giúp Samsung chọn được những doanh nghiệp Việt có khả năng đáp ứng đủ các điều kiện. Samsung sau đó sẽ cử chuyên gia đến các doanh nghiệp, làm việc với họ khoảng 3 tháng, các doanh nghiệp này sau đó được nhận tư vấn của Samsung về công nghệ, quản trị doanh nghiệp… Do vậy, không chỉ về công nghệ mà doanh nghiệp Việt cũng nâng được quản trị lên, thay đổi cơ bản để đáp ứng tiêu chuẩn của Samsung”, ông Mại nói.

Theo ông Mại, trước đây Samsung phải loay hoay mãi tìm doanh nghiệp hỗ trợ mà mãi tới năm 2015 cũng chỉ có 87 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cho Samsung, trong đó 80 là của Hàn Quốc; 7 là của Việt Nam nhưng chủ yếu là bao bì, nhựa rẻ tiền… Nhưng tới năm 2016, Samsung mở rộng đầu tư hơn. Theo công bố của Samsung là hơn 200 doanh nghiệp tham gia, trong đó 25 doanh nghiệp hỗ trợ cấp 1 còn lại là cấp 2 và cấp 3.

“Doanh nghiệp Việt hay tự ti mà muốn làm được cần tự tin”

Từ những phân tích nêu trên theo ông Mại có 4 trách nhiệm mà chúng ta cần đề cập đến khi bàn về lan toả. Theo đó, trách nhiệm thứ nhất là thuộc về doanh nghiệp Việt Nam. “Tôi đã tiếp xúc với nhiều giám đốc làm cho doanh nghiệp Nhật, Mỹ, và Hàn Quốc. Theo họ, muốn thành công thì cần có 2 yếu tố, thứ nhất là tự tin. Các doanh nghiệp Việt hay tự ti, mà muốn làm được thì cần phải tự tin”, ông Mại nhấn mạnh.

Thứ hai, theo ông Mại doanh nghiệp phải chủ động, chủ động tìm kiếm đối tác để tham gia vào chuỗi toàn cầu, phải có chiến lược phát triển, thích ứng với các yêu cầu của các tập đoàn nước ngoài, luôn đổi mới, nâng cao trình độ để đáp ứng các yêu cầu.

Và cuối cùng, trong bối cảnh mở cửa hiện nay, Chính phủ cũng cần đề cao hơn nữa vai trò của hiệp hội. Một số hiệp hội có vai trò rất tích cực hiện nay. Nhà nước qua hiệp hội có thể gắn kết các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài với nhau.

“Tôi có rất nhiều lần trao đổi với lãnh đạo Samsung, họ nhấn mạnh là họ muốn trở thành một doanh nghiệp Việt Nam. Tôi nói là nếu anh hợp tác với các doanh nghiệp bản địa thì sẽ tiết kiệm chi phí hơn rất nhiều. Các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước đều cần chủ động hơn trong hợp tác để nâng tầm hợp tác lên”, ông Mại nhấn mạnh.

Nhân dịp kỷ niệm 30 năm FDI, tại hội thảo ông Mại lưu ý Chính phủ về tác động lan toả. Chính sách với các doanh nghiệp trong nước làm việc với các doanh nghiệp nước ngoài. Từng có đề xuất những xí nghiệp trong nước làm việc với doanh nghiệp nước ngoài cũng được ưu đãi.

Ngoài ra, cần phải điều chỉnh chính sách đầu tư. Từ đầu năm tới nay có nhiều dự án đầu tư nước ngoài có quy mô rất nhỏ mà vẫn được cấp phép. Trong khi các doanh nghiệp Việt Nam cũng đảm đương được.

“Tôi tin tưởng nếu chúng ta có chính sách đúng, có nhiều doanh nghiệp FDI như Samsung, thì Việt Nam không chỉ được đầu tư, có công nghệ mà còn có thể đạt được mục tiêu của Trung ương Đảng là có 2 triệu doanh nghiệp với phần lớn sẽ là các doanh nghiệp tư nhân”, ông Mại kết luận.

NGUYỄN THẢO

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Để lại một bình luận

Close