Ông Trump có thể dùng các biện pháp từ quyết liệt đến cực đoan để giành ưu thế cho nước Mỹ trước các đối tác thương mại lớn trên thế giới.
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. Ảnh: AP |
Trong video công bố hôm thứ hai, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ rút Mỹ khỏi hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), đồng thời cam kết sẽ “đàm phán các thỏa thuận thương mại song phương, công bằng để mang lại việc làm và ngành công nghiệp trở về nước Mỹ”.
Theo NYTimes, tuyên bố này của ông Trump phù hợp với quan điểm chính sách cốt lõi của ông, đó là nước Mỹ đã bị các đối tác thương mại lớn khai thác, lợi dụng thông qua các thỏa thuận ràng buộc nền kinh tế, và chính quyền của ông sẽ giành ưu tiên hàng đầu để xem xét lại các điều khoản bất lợi đó.
Các chuyên gia về kinh tế, thương mại quốc tế vạch ra ba kịch bản về chính sách thương mại mà ông Trump và đội ngũ trợ lý của mình có thể thực hiện trong tương lai, trong đó có kịch bản có thể đẩy nền kinh tế thế giới vào tình trạng suy thoái.
Lập trường quyết liệt hơn với các thỏa thuận hiện nay
Trong quan hệ giữa Mỹ với các đối tác thương mại lớn hiện nay, có một số yếu tố bất lợi cho Mỹ. Với việc đưa ra lập trường quyết liệt hơn trong các thỏa thuận thương mại, chính quyền của ông Trump có thể mang về những điều khoản có lợi hơn.
Trump đã nhiều lần nói rằng ông sẽ đàm phán lại Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) được ký cách đây 23 năm, nhằm thay đổi những điều khoản trong hiệp định có lợi hơn cho Mỹ.
“Có quá nhiều phần trong hiệp định đó không hiệu quả”, David Malpass, nhà kinh tế học trong nhóm chuyển giao quyền lực của Trump, tuyên bố hồi tháng 10. “Lẽ ra các bên tham gia NAFTA phải xem xét lại hiệp định này thường niên, để xem hiệu quả của nó đến đâu và cập nhật các điều khoản thường xuyên”.
Chính quyền ông Trump có thể cũng sẽ tập trung vào các ngành kinh tế khác, nơi ông tin rằng các đối tác thương mại đang đối xử không công bằng với Mỹ, và sẽ đưa những vụ việc này ra trước Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Cùng với việc dùng hàng rào thuế để trừng phạt những hành vi bị coi là bất công, Trump cho rằng các biện pháp này có thể mang về cho nước Mỹ những thỏa thuận tốt hơn. Chính quyền cựu tổng thống Bush từng áp dụng biện pháp đó với ngành thép vào năm 2002, và ông Obama cũng từng áp thuế 35% với lốp xe Trung Quốc vào năm 2009.
Tuy nhiên, các chuyên gia về thương mại lại tỏ ra hoài nghi về hiệu quả thực sự của các nỗ lực này. Gary Clyde Hufbauer và Sean Lowry đến từ Viện Kinh tế Quốc tế Peterson ước tính người Mỹ đã phải chi thêm 1,1 tỷ USD để mua lốp xe vào năm 2011 chỉ để đảm bảo công ăn việc làm cho 1.200 công dân Mỹ trong ngành công nghiệp này, tương đương chi phí 900.000 USD cho mỗi công nhân.
Bởi vậy, nếu ông Trump muốn hiện thực hóa cam kết đàm phán lại các thỏa thuận thương mại để mang việc làm về cho người Mỹ, đội ngũ của ông phải là những nhà đàm phán giỏi hơn, cứng rắn hơn những người tiền nhiệm.
Áp đặt quyền lực vào chính sách thương mại
Những điều khoản không rõ ràng trong các đạo luật giúp tổng thống Mỹ có quyền lực rất lớn đối với chính sách thương mại. Là một người theo đường lối cứng rắn, ông Trump nhiều khả năng sẽ tận dụng tối đa quyền lực này.
Ông có thể sử dụng quyền lực tổng thống để ban hành lệnh áp thuế đối với hàng hóa từ một quốc gia nhất định. Trong chiến dịch tranh cử, ông từng đe dọa sẽ áp thế 45% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, và ông hoàn toàn có quyền này, thậm chí tăng mức thuế suất cho đến khi tình trạng thâm hụt cán cân thương mại giữa hai nước giảm xuống.
Biểu ngữ ủng hộ ông Trump trong một gian hàng hội chợ tổ chức tại Trung Quốc tháng trước. Ảnh: VCG |
“Tuy nhiên, quyền lực đó cũng đi kèm với những hiệu ứng ngược”, Derek Scissors, học giả tại Viện Doanh nghiệp Mỹ, nói. “Người nghèo ở Mỹ sẽ hứng chịu hậu quả lớn nhất, khi mức thuế tăng cao khiến giá cả hàng hóa, từ quần áo cho đến đồ dùng điện tử, đều trở nên đắt đỏ”.
Những quốc gia bị Mỹ áp thuế nặng chắc chắn sẽ đệ đơn kiện lên WTO, đồng thời có những hành động trả đũa về thương mại nhanh chóng và quyết liệt đối với hàng hóa Mỹ. Nếu hàng hóa Trung Quốc bị Mỹ đánh thuế nặng, họ có thể hủy các hợp đồng mua máy bay Boeing trị giá 15 tỷ USD mỗi năm và chuyển sang hợp tác với Airbus của châu Âu. Họ cũng có thể có biện pháp đáp trả, áp thuế lên 10,5 tỷ USD đậu nành mà Mỹ xuất sang Trung Quốc mỗi năm.
Trong bối cảnh đó, các thị trường tài chính chắc chắn sẽ bước vào thời kỳ rất bất ổn. Giá chứng khoán của các tập đoàn lớn của Mỹ kinh doanh trên toàn thế giới nhiều khả năng sẽ lao dốc. Chính quyền của Trump có thể gây ra thiệt hại đáng kể cho nền kinh tế Mỹ nếu áp dụng biện pháp này, nếu không có bất cứ biện pháp đảm bảo nào để phía bên kia chịu nhượng bộ trong dài hạn.
Đảo lộn trật tự kinh tế thế giới
Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ với các đối tác lớn dù sẽ gây ra những rối loạn về kinh tế, nhưng ít nhất nó còn giữ nguyên nền tảng cơ bản của hệ thống thương mại toàn cầu hiện nay.
Trong kịch bản thứ ba, nếu ông Trump thực hiện chính sách thương mại cực đoan, Mỹ có nguy cơ hủy hoại toàn bộ hệ thống kết nối kinh tế toàn cầu mà nước này đã dày công xây dựng kể từ sau Thế chiến II.
Kịch bản đó có thể xảy ra khi ông Trump thực hiện lời đe dọa của mình, rút hoàn toàn khỏi NAFTA sau khi không đạt được những thỏa hiệp mà họ muốn trong quá trình đàm phán lại hiệp định thương mại này.
Trong trường hợp Mỹ thua khi đưa các vụ việc mà họ cho là bất công về thương mại ra trước WTO, liệu nước này có chịu tuân thủ phán quyết, hay họ sẽ thực hiện lời đe dọa lúc tranh cử của ông Trump là từ bỏ tổ chức này, vốn có vai trò rất quan trọng trong việc định hình hệ thống thương mại toàn cầu?
Nếu ông Trump vẫn khăng khăng dùng quyền lực hành pháp của mình để thực hiện chính sách đó, Quốc hội Mỹ nhiều khả năng sẽ phải ra tay can thiệp, và lúc đó, nước Mỹ phải đối mặt không chỉ với một cuộc khủng hoảng kinh tế mà còn với một cuộc khủng hoảng hiến pháp nghiêm trọng.
Tuy nhiên kịch bản này rất khó xảy ra, bởi những trợ lý thân cận sẽ tìm cách thuyết phục ông Trump không mạo hiểm đánh cược mọi thứ như vậy. Chỉ số trên các thị trường tài chính Mỹ hôm đầu tuần tăng mạnh, phản ánh dự đoán của thị trường rằng ông Trump sẽ áp dụng chính sách thương mại theo kịch bản thứ nhất.
Trí Dũng