“Tôi khẳng định rằng Minh Phương Logistics không ngại cạnh tranh và có thể cạnh tranh ngang ngửa với công ty nước ngoài tại Việt Nam”, đó là chia sẻ của bà Minh Phương, CEO Minh Phương Logistics, công ty vừa liên doanh với Samsung.
Những ngày tháng 7 vừa qua, giới logistics Việt Nam khá xôn xao với thông tin hợp tác giữa Minh Phương Logistics với Samsung SDS – công ty con của tập đoàn Samsung, được đăng tải trên tờ Korea Times (Hàn Quốc).
Theo tờ báo này, việc hợp tác dưới hình thức liên doanh giữa Samsung SDS với đơn vị lớn nhất thị trường giao vận – vận tải đường bộ lớn nhất trên thị trường Việt Nam nằm trong kế hoạch mở rộng hoạt động tại trung tâm sản xuất mới nổi của châu Á của Tập đoàn Samsung. Trước đó, tập đoàn Samsung cũng hoàn thành việc hợp tác với các doanh nghiệp logistics Trung Quốc và Thái Lan.
Bà Đặng Minh Phương – người được tờ CNBC ưu ái với cái tên “nữ hoàng logistics Việt” – CEO MP Logistics xác nhận với chúng tôi về việc ký kết hợp tác với Samsung để cùng phát triển thị trường logistics đường bộ. Tuy nhiên, về thông tin chi tiết, bà tạm thời chưa chia sẻ vì những quy định giữa 2 bên.
Minh Phương Logistics (MP) được thành lập năm 1995, có trụ sở tại TP. HCM, chiếm thị phần khá lớn trong mảng giao vận và vận tải trên bộ ở Việt Nam. Từ 18 nhân viên đầu tiên, sau hơn 20 năm kinh doanh công ty này hiện có trên 1.000 người. MP Logistics đã trở thành một trong những nhà cung cấp hàng đầu về dịch vụ logistics tại Việt Nam. Công ty này cũng đang mở rộng mảng nhà kho đông lạnh nhằm phục vụ ngành bán lẻ thực phẩm tươi sống.
Việc hợp tác với một công ty trong nước có năng lực mạnh trong mảng vận chuyển trên bộ có ý nghĩa quan trọng để thâm nhập thị trường Việt Nam, nơi vận tải trên bộ chiếm đến 65% thị phần ngành logistics, thông cáo của Samsung SDS cho biết.
Tốc độ tăng trưởng 15-20% mỗi năm của ngành logistics tại Việt Nam, nhờ các hiệp định tự do thương mại với một loạt nền kinh tế lớn như Hàn Quốc, Nhật Bản và EU, cũng là động lực cho Samsung SDS đầu tư vào Việt Nam.
Công ty con của Samsung cho biết sẽ sử dụng lợi thế về công nghệ thông tin và tư vấn logistics của mình để củng cố vị thế của mình tại Việt Nam.
“Liên doanh mới này sẽ giúp chúng tôi có động lực thúc đẩy sự mở rộng vào ngành logistics của Việt Nam”, Kim Hyung-tae, Phó Chủ tịch bộ phận kinh doanh dịch vụ hậu cần thông minh của Samsung SDS nói.
Theo ước tính của bà Phương, ngoài MP Logistics còn rất nhiều cái tên khác đang kiếm lời từ sức tăng trưởng tại Đông Nam Á. Riêng tại Việt Nam có khoảng 1.200 công ty logistics, trong đó có 30 là doanh nghiệp nước ngoài.
“Minh Phương Logistics không ngại cạnh tranh và có thể cạnh tranh ngang ngửa với công ty nước ngoài tại Việt Nam. Vì chúng tôi là doanh nghiệp nội địa, chúng tôi hiểu văn hóa địa phương. Trong quá trình làm việc, chắc chắn có những vấn đề trục trặc thì sự am hiểu văn hóa địa phương chính là sự khác biệt đáng kể so với các đối thủ ngoại”, bà Minh Phương từng khẳng định trong cuộc phỏng vấn cách đây nửa năm với chúng tôi.
Theo bà Phương, các doanh nghiệp tư nhân nội địa có thế mạnh khi hiểu rất rõ văn hóa, phong tục, tập quán, các vấn đề liên quan đến con người Việt Nam. Tuy nhiên, các doanh nghiệp ngoại lại hợp tác với nhau rất tốt trong khi sự hợp tác của các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn hạn chế.
“Nếu có sự thúc đẩy hợp tác của các doanh nghiệp Việt Nam với nhau thì thị phần của các doanh nghiệp nội sẽ càng ngày càng tăng”, bà Phương nhận định.
“Tôi tự tin công ty của mình có thể trở thành nhà cung cấp dịch vụ logistics tốt nhất châu Á. Tôi không muốn dùng từ ‘số 1’ bởi bạn biết đấy có thể là số một, nhưng chưa chắc là tốt nhất”, bà Phương trả lời trong cuộc phỏng vấn tới tờ CNBC 1 năm trước.
“Logistics là ngành dễ kinh doanh toàn cầu. Tôi muốn có văn phòng trên khắp thế giới, chứ không chỉ ở Việt Nam”, bà nói.
Cái bắt tay ngày hôm nay giữa Minh Phương Logistics và Samsung SDS chính là kết quả cho những nỗ lực và mong muốn đó của nữ hoàng logistics Việt Nam.
Vị nữ CEO này cũng đặt kỳ vọng thị trường Việt Nam có thể cải thiện tính minh bạch và Chính phủ sẽ có kế hoạch đơn giản thủ tục kinh doanh và hỗ trợ cởi mở môi trường hoạt động cho doanh nghiệp.
Theo Trí Thức Trẻ