Khám pháSống

Nước Pháp vẫn là điểm đến số 1 thế giới

Gạt qua những lo ngại về khủng bố, rào cản thị thực nhập cảnh, bất đồng ngôn ngữ và cả sự “khó ưa của người Pháp”…, du khách vẫn thi nhau tìm đến Pháp, giúp quốc gia này giữ vững vị trí hạng nhất trong danh sách các nước đón nhận nhiều khách quốc tế nhất trong năm 2016 – theo số liệu của Tổ chức Du lịch Thế giới thuộc Liên Hiệp Quốc (UNWTO) công bố ngày 2/8.

Pháp vẫn “trụ” hạng nhất

Tuy có giảm hơn 2% so với năm 2015, nhưng tổng số 82,6 triệu khách quốc tế đến với Pháp trong năm 2016 cũng đủ để quốc gia này tiếp tục dẫn đầu bảng những nước đón nhiều du khách nhất thế giới. Có lẽ du khách cũng đã tập làm quen lữ hành trong mối đe dọa khủng bố. Ngoài ra, những cảnh quan tuyệt đẹp của Kinh thành Ánh sáng Paris, các lâu đài nguy nga nằm dọc theo bờ sông Loire, nước hoa và áo quần thời trang Pháp, bánh sừng trâu và tách sôcôla thơm nóng, sâm banh và vang Bordeaux… vẫn tiếp tục quyến rũ khách nước ngoài.

Nhưng còn có một lợi thế quan trọng khiến Pháp vẫn luôn là nước đón nhiều du khách nhất thế giới. Đó là nhờ Paris có đến ba sân bay: Roissy Charles de Gaulle, Orly và Beauvais hằng ngày, hằng giờ thi nhau đón nhận các chuyến bay của đủ mọi hãng hàng không khu vực và quốc tế. Vì thế, Pháp luôn là điểm đến ưu tiên để từ đó du khách đi tiếp đến các địa chỉ du lịch khác khắp châu Âu.

Theo UNWTO, Top 5 quốc gia đón nhiều khách quốc tế nhất thế giới năm 2016 gồm: Pháp – 82,6 triệu khách (giảm gần 2%); Mỹ – 75,61 triệu khách (giảm không nhiều so với 2015); Tây Ban Nha – 75,56 triệu khách (tăng 10%); Trung Quốc – 59,3 triệu khách và  Ý – 52,4 triệu khách.

Hàng miễn thuế bán chạy tại sân bay

Mỹ vẫn còn hấp lực mạnh

Cũng bất chấp những thử thách về an ninh, rà soát đơn xin thị thực nghiêm khắc hơn, cấm mang theo máy tính lên máy bay… mới phát sinh kể từ sau khi ông Donald Trump trở thành tổng thống, du khách quốc tế vẫn ùn ùn đổ vào Mỹ. Hiệp hội Lữ hành Mỹ (U.S Travel Association) mới cho biết, tính đến tháng 5/2017, Mỹ đã ghi nhận 13 tháng liền có tăng trưởng rất khả quan về số lượng khách quốc tế. Riêng trong tháng 5/2017 đã tăng 5,2% so với tháng 5/2016.

UNWTO cũng công bố, nếu tính về doanh thu từ khách du lịch quốc tế thì Mỹ là thị trường số 1 với 206 tỷ USD; Tây Ban Nha hạng nhì với khoảng 60 tỷ USD; Thái Lan hạng 3 với 50 tỷ USD; Trung Quốc xếp hạng 4 và Pháp xếp hạng 5. Ngoài ra, Mỹ xếp hạng nhất ở khoản chi tiêu khi đi du lịch nước ngoài với 124 tỷ USD, hơn hẳn Đức với 81 tỷ USD; Anh là 64 tỷ USD; Canada là 31 tỷ USD.

Tuy nhiên, cần phân định rõ về nguồn khách quốc tế đến Mỹ thời gian gần đây, do đã có thay đổi khá nhiều. Từ truyền thống lâu năm là những du khách thường xuyên lái xe qua biên giới sang Mỹ tham quan và mua sắm, thì nay người Canada đã bắt đầu tránh né điểm đến rất quen thuộc này. Tháng 5/2017 chỉ có 3,2 triệu lượt khách Canada qua Mỹ, giảm gần 8% so với tháng 4/2017 và gần 6% so với tháng 5/2016 (số liệu thống kê của Statistics Canada cho biết vào ngày 3/8 vừa qua). Lý do là đồng đô la Canada giảm giá trị so với đồng đô la Mỹ.

Ngược lại, từ năm ngoái đến nay Mỹ là điểm đến đón nhiều du khách Trung Quốc hơn trước (tăng 11% – theo nghiên cứu Chinese International Travel Monitor của hotels.com), chỉ sau Pháp (tăng 25%). Khách Trung Quốc rất thích đến Hawaii, New York, Los Angeles, Las Vegas, Seattle và San Francisco.

Cảng Auckland ở New Zealand

Mua hàng miễn thuế

Háo hức đến nơi, vội vã trở về, giá như du khách có thêm thời gian dành cho việc thỏa mãn thú vui mua sắm, đặc biệt là hàng miễn thuế tại các sân bay quốc tế. Có thể nói không sai, đây chính là ước muốn của tất cả các công ty kinh doanh bán lẻ hàng miễn thuế, từ Dufry số 1 qua Heinemann hạng nhì, LS travel hạng 3, Lotte Duty Free hạng 4 đến Dubai Duty Free hạng 5, DFS Group hạng 6, Shilla hạng 8 và Duty Free America hạng 9.

Theo Dufry – công ty Thụy Sĩ đã mua trọn đối thủ World Duty Free với giá 3,8 tỷ USD vào năm 2015, trở thành công ty kinh doanh hàng miễn thuế lớn nhất thế giới – thì tổng doanh thu ngành bán lẻ hàng miễn thuế năm 2016 là 45,7 tỷ USD. Nếu cứ theo đà tăng trưởng của lượng hành khách quốc tế hiện nay thì con số này sẽ tăng thành 67 tỷ USD vào năm 2020. Và còn có thể đạt cao hơn, nếu như hành khách có thêm thời gian để mua sắm trước khi lên máy bay.

Theo tính toán của Nigel Dolby – công ty tư vấn hàng không thương mại, trong khoảng thời gian trung bình 133 phút mỗi hành khách phải trải qua từ lúc bước chân vào nhà ga hàng không đến khi yên vị trên máy bay thì họ chỉ có thể dành ra cho mua sắm lẫn ăn uống là 30 phút. Nếu như có chọn lựa, chắc hẳn sẽ có nhiều hành khách mua sắm hàng miễn thuế hơn. Những mặt hàng miễn thuế bán chạy muôn thuở vẫn là rượu mạnh, thuốc lá, nước hoa và sôcôla.

Trong năm 2016, khách Trung Quốc vẫn xếp hạng nhất thế giới ở khoản chi tiêu khi đi du lịch nước ngoài với 216 tỷ USD, hơn hẳn Mỹ với 124 tỷ USD; Đức là 81 tỷ USD; Anh là 64 tỷ USD; Canada là 31 tỷ USD; Hàn Quốc là 27 tỷ USD; Ý là 25 tỷ USD; Úc là 24,9 tỷ USD và Hồng Kông là 242 tỷ USD.
P. NGUYỄN DŨNG

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Để lại một bình luận

Close