Câu chuyệnKinh doanh
Ông chủ Asanzo: Khát vọng, bản lĩnh không phải lời nói suông
Chỉ 2 năm đã chinh phục thị trường nội địa và bắt đầu hướng ra thế giới, Phạm Văn Tam – ông chủ thương hiệu điện tử Asanzo đã chứng minh khát vọng vươn xa bằng bản lĩnh khác biệt không phải chỉ là lời nói suông.
Định danh Việt Nam trên bản đồ điện tử thế giới
Bộc bạch về khát vọng vươn xa của mình tại cuộc thi “Startup Việt – Sải bước thành công”, Phạm Văn Tam cho biết: “Tôi muốn gây dựng thương hiệu để góp phần chứng minh sức mạnh, bản lĩnh khác biệt của Việt Nam và muốn xây nên một ‘ngọn núi’ để con mình có cái nhìn vào mà phấn đấu”.
Nhìn những thành tưu hiện nay anh đạt được, có thể thấy những khát vọng ấy đang dần trở thành sự thật. Vào năm 2004, thương hiệu điện tử “thuần” Việt Asanzo đã tiêu thụ hơn 100.000 chiếc TV chỉ sau một năm thành lập nhà máy. Năm 2016, con số này dự kiến sẽ đạt 500.000 chiếc. Trước sức ép của các thương hiệu điện tử quốc tế, đây rõ ràng là một thành tựu đáng nể của doanh nhân 8x Phạm Văn Tam.
Cùng với kết quả kinh doanh khả quan này, tại thị trường nội địa, thương hiệu Asanzo cũng tự hào sánh ngang các tên tuổi điện tử hàng đầu quốc tế. Điển hình là mới đây, trong sự kiện đánh dấu mốc “phủ sóng” 63 tỉnh thành của một hệ thống trung tâm điện máy được xem là dẫn đầu Việt Nam, trên bục khách mời danh dự gồm toàn những cái tên quốc tế, có mặt Phạm Văn Tam – ông chủ một thương hiệu nội địa chỉ mới xuất hiện gần 2 năm trên thị trường.
Không dừng lại ở đó, Phạm Văn Tam còn góp phần khẳng định tên tuổi ngành điện tử Việt trên thị trường quốc tế. Mới đây, một đơn vị Hàn Quốc đã đánh tiếng muốn chuyển đơn hàng lắp ráp hơn 250.000 sản phẩm từ Trung Quốc sang cho công ty. Đây là mặt hàng chỉ chuyên phục vụ cho thị trường nội địa của Hàn Quốc, đòi hỏi tiêu chuẩn rất cao. Đề xuất này là bàn đạp để ông chủ hãng điện tử Việt tiếp tục sải bước thành công, đưa thương hiệu Việt ra nước ngoài. Hiện Asanzo đã bước đầu có những đơn hàng xuất sang Cuba, Lào, đặc biệt là Campuchia. Sức tiêu thụ tại thị trường này vẫn đang tăng mạnh và sẽ trở thành nguồn tiêu thụ lớn khi Tam cho xây dựng nhà máy sản xuất thứ hai vào năm sau.
Điều gì làm nên sự khác biệt của thương hiệu Asanzo?
Từ những quan sát và tìm hiểu kĩ lưỡng thị trường, Tam cho biết ngay từ đầu anh đã nhanh chóng xác định đối tượng khách hàng mục tiêu mà Asanzo hướng đến chính là những người thu nhập trung bình thấp nhưng vẫn mong muốn nâng cao chất lượng sống của gia đình. Không chỉ là thị trường nông thôn mà ngay cả ở thành thị, vẫn có những gia đình không có điều kiện mua một chiếc tivi. Đây cũng là “mảnh đất” mà các “ông lớn” ngó lơ vì lợi nhuận thu về không cao.
Để mang tivi đến mọi gia đình, cách làm của Tam cũng rất mới lạ. Thay vì đưa ra vô số chức năng mà đôi khi khách hàng không dùng đến, Tam đã quyết định tiết giảm một số tính năng “không quá cần thiết”, nhưng vẫn giữ nguyên chất lượng TV làm ra.
Không dừng lại với câu chuyện TV cho khách hàng bình dân, Phạm Văn Tam quyết tâm tạo bước ngoặt lớn trong sự nghiệp của mình và “đặt cược” sự phát triển của công ty khi bất ngờ tung ra sản phẩm TV màn hình cong 4K, dành riêng cho khách hàng cao cấp. Anh cho biết, những chiếc TV màn hình cong này được làm hoàn toàn theo tiêu chuẩn quốc tế, và không được tiết giảm bất cứ tính năng nào nhưng giá bán vẫn thấp hơn nhiều so với TV thương hiệu khác. Nguyên nhân bởi TV 4K trên thị trường hầu hết được nhập khẩu, trong khi sản phẩm này công ty lắp ráp hoàn toàn tại Việt Nam.
Mô hình kinh doanh của Phạm Văn Tam cũng rất linh hoạt, bởi không chỉ có TV, Asanzo còn sản xuất các mặt hàng khác như điện gia dụng và điện lạnh. Hiện công ty có hơn 200 công nhân đa nghề có thể lắp ráp được cả TV, điện gia dụng và điện lạnh. Như vậy, chỉ trong vòng chưa đầy 2 năm, Phạm Văn Tam đã làm được việc mà ngay cả một hãng điện tử lớn có tiềm lực tài chính mạnh cũng lưỡng lự: vừa sản xuất TV từ bình dân đến cao cấp, đồng thời cho ra đời gần như đầy đủ các sản phẩm điện gia dụng cần thiết.
Theo: Bằng Phương
Nguồn: Biz-Eyes