Kinh tế vĩ môThời sự

Thâm hụt thương mại với Hàn Quốc tăng chóng mặt, tới 29 tỷ USD

Trong 11 tháng đầu năm 2017, nhập siêu của Việt Nam từ Hàn Quốc đã đạt tới 29 tỷ USD, trong khi hồi tháng 9/2017, con số thâm hụt thương mại từ thị trường này mới chỉ là 9,3 tỉ USD.

Thâm hụt thương mại với Hàn Quốc tăng chóng mặt, tới 29 tỷ USD

Sản phẩm của Hàn Quốc ngày càng nhiều ở Việt Nam. Ảnh: Người Lao Động

Số liệu Tổng cục thống kê cho thấy 11 tháng năm 2017, kim ngạch hàng hoá nhập khẩu ước tính đạt 191,0 tỷ USD; tăng 21% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 76,5 tỷ USD, tăng 17,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 114,5 tỷ USD, tăng 23,2%.

Về thị trường nhập khẩu, trong 11 tháng năm 2017, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của nước ta với kim ngạch đạt 52,1 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước. Đứng thứ 2 là Hàn Quốc với 42,4 tỷ USD, tăng 46%; khu vực ASEAN đạt 25,4 tỷ USD, tăng 17,5%; Nhật Bản đạt 14,7 tỷ USD, tăng 7,5%; EU đạt 11 tỷ USD, tăng 10,5%; Hoa Kỳ đạt 8,4 tỷ USD, tăng 7%.

Tuy nhiên, nếu xét về thâm hụt thương mại, Hàn Quốc chính là quốc gia gây nhập siêu “khủng” cho Việt Nam. Cụ thể, nhập khẩu Hàn Quốc vào Việt Nam 11 tháng là hơn 42,5 tỷ USD, xuất khẩu là 13,5 tỷ USD, thâm hụt thương mại đạt 29 tỷ USD. Trong khi đó, với thị trường khổng lồ là Trung Quốc, chúng ta chỉ thâm hụt 21,6 tỉ USD.

Giá trị nhập khẩu từ thị trường Hàn Quốc không chỉ tăng so với cùng kỳ các năm trước mà tốc độ tăng qua từng tháng trong năm 2017 cũng được đánh giá là “thần tốc”. Trước đó, hồi tháng 4/2017, số liệu thống kê mới chỉ ghi nhận nhập siêu của Việt Nam từ Hàn Quốc là 9,3 tỷ USD.

Ghi dấu ấn lớn nhất trong kết quả giao thương Việt – Hàn phải kể đến việc Tập đoàn Samsung không ngừng gia tăng, mở rộng đầu tư trong thời gian qua ở Việt Nam, kéo theo nhu cầu nhập khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng, nguyên liệu linh kiện cho hoạt động sản xuất. Dự kiến năm nay, Samsung Việt Nam sẽ phấn đấu đạt doanh thu 60 tỉ USD, kim ngạch xuất khẩu hơn 50 tỉ USD.

Hàn Quốc cũng được đánh giá là biết cách khai thác triệt để thị trưởng Việt Nam trong khuôn khổ hiệp Hiệp định hợp tác song phương Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA). Ngoài đưa máy móc, linh kiện… vào các tập đoàn lớn đặt trụ sở tại Việt Nam như trường hợp Samsung kể trên, các “ông lớn còn không ngừng đầu tư hệ thống phân phối, siêu thị… để đưa hàng hoá sang. “May mắn” cho Hàn Quốc là thị hiếu người Việt tỏ ra rất “ưa” các sản phẩm tiêu dùng từ “xứ sở Kim chi”. Tất nhiên, không phủ nhận chất lượng sản phẩm của quốc gia này rất ổn.

Ở chiều xuất khẩu từ Việt Nam sang Hàn Quốc, dù hàng nghìn dòng thuế được cắt bỏ nhưng vì không vượt qua được các hàng rào kỹ thuật, các sản phẩm của chúng ta vẫn khó xuất khẩu.

Mới đây, tại toạ đàm “Nhìn lại 25 năm quan hệ kinh tế Việt-Hàn và triển vọng trong tương lai” do Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức nhân kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ̣ngoại giao Việt Nam – Hàn Quốc, ông Lê An Hải, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á –  châu Phi (Bộ Công Thương), đánh giá quan hệ kinh tế Việt – Hàn phát triển theo “dấu cộng” – tức là phát triển theo chiều rộng, đã đạt được những kết quả không tưởng. Để vươn lên tầm cao mới, giai đoạn tới sẽ phải chuyển sang “dấu nhân”, tức là phát triển theo chiều sâu.

“Năm 2017, thương mại hai chiều Việt – Hàn sẽ vào khoảng 60 tỷ USD, tăng 38%, là con số không tưởng suốt tiến trình 25 năm qua và có cơ sở để đạt 100 tỷ USD năm 2020. Tuy nhiên, nói 100 tỷ hay 200 tỷ USD thực sự không phải là tất cả, quan trọng đó sự kết nối”, ông Hải nói.

Theo đó, ông Hải cho rằng những năm qua, đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam luôn chiếm 1/4 của cả nước, luỹ kế hiện nay khoảng 57,5 tỷ USD. Hai nước hợp tác sâu rộng về công nghiệp, kỹ thuật, kinh tế, giáo dục, chuyển giao công nghệ…

“Quan hệ giữa hai nước là quan hệ hỗ trợ, sâu sắc. Việt Nam hiện nay đang tham gia rất nhiều FTA, đây là cơ hội mở rộng thị trường của nhà đầu tư Hàn Quốc. Từ việc chia sẻ thị trường chung còn là cơ sở để hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước tham gia vào các chuỗi giá trị chung của toàn cầu. Còn các tập đoàn của Hàn Quốc có thể lấy Việt Nam làm căn cứ phát triển ra khu vực”, ông Hải nói.

Muốn làm được điều đó, ông Hải cho rằng cần có sự kết nối ở tầm Chính phủ hai nước, làm sao có sự tương đồng về chính sách, kết nối doanh nghiệp với nhau, giữa các tập đoàn kinh tế Hàn Quốc với Việt Nam với quan hệ “cộng sinh, âm dương”.

HOÀI PHƯƠNG

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Trả lời

Close