Kinh doanhTư duyÝ tưởng
Polycom gầy dựng công ty công nghệ 2 tỷ USD bằng… cách “suy nghĩ nhỏ”!
Thế giới đã thay đổi, nghĩ nhỏ, làm tinh gọn sẽ mang lại sự thành công hiệu quả hơn là chỉ hướng đến những thứ lớn lao nhưng xa vời.
Người sáng lập Polycom, công ty chuyên cung cấp các giải pháp phòng họp hội thoại thấy hình – video conference đã có những chia sẻ về cách để đạt đến thành công từ những điều nhỏ bé.
Theo ông, trong suốt 25 năm gây dựng và phát triển Polycom, họ đã làm được những điều to lớn bằng cách… không đặt những điều to lớn ấy vào tâm điểm. Thay vào đó, những thành quả to lớn luôn được bắt đầu từ những điều rất nhỏ bé nhất.
Những cách tân bé nhỏ
Xuất phát từ con số 0 với những cách tân nhỏ bé vẫn có thể mang bạn tới những đột phá lớn lao. Sau tất cả, bản lề của sự đổi mới vẫn là làm (được) nhiều hơn với (nguồn lực) ít hơn.
Thay vì lúc nào cũng bị ám ảnh với những điều lớn lao, hãy tự hỏi bản thân những câu kiểu như, “Thay đổi nhỏ nhất chúng ta có thể áp dụng lên sản phẩm, hoạt động giao hàng, phân phối, cấu trúc tổ chức hay phương thức truyền thông của mình là gì?”.
Một câu hỏi tương tự nhưng có thể mang lại hiệu quả cao hơn là bắt bạn thêm vào khi buộc phải trừ đi: “Điều gì chúng ta có thể loại bỏ khỏi sản phẩm để làm chúng tốt lên và đơn giản hóa quy trình?”.
Những thiết kế nhỏ bé
Những thay đổi tinh gọn, nhỏ bé là kết quả từ những cách tân bé nhỏ. Tuy nhiên, thiết kế liên quan đến trải nghiệm khách hàng hơn là những đổi mới đã tạo ra chúng.
Tập trung vào một thiết kế nhỏ bé không đơn thuần là việc giảm kích thước mà còn là giảm sự phức tạp. Nghe thì có vẻ trái tự nhiên, tuy nhiên tất cả các sản phẩm mà Polycom tạo ra không chỉ được thúc đẩy bởi mong muốn khiến chúng phục vụ người dùng nhiều hơn, mà còn giúp người dùng phải làm ít đi.
Trong cuốn sách Creativity, Inc,. người sáng lập kiêm CEO Pixar Ed Catmull đã mô tả cách những chiếc bàn hình chữ nhật trong phòng họp của Pixar có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sự sáng tạo như thế nào. Pixar sau đó nhanh chóng chuyển từ bàn chữ nhật sang bàn vuông. Và thay đổi thiết kế rất nhỏ này đã mang lại những tác động lớn cho công ty.
Theo đó, những người ngồi ở giữa bàn hình chữ nhật thường là những nhân sự “quan trọng”, trong khi đó những người còn lại không khỏi phải chịu cảm giác bị gạt ra ngoài.
Điều này khiến họ ngại nêu ý kiến và tham gia vào cuộc hội thoại, trái ngược với văn hóa “giao tiếp tự do” tại đây. Sau đó, Pixar chuyển sang dùng bàn vuông và thiết kế này đã mang lại một hiệu quả đầy bất ngờ khi mang đến một môi trường tương tác hiệu quả và dòng chảy giao tiếp trơn tru hơn.
Jeff Rodman cho biết Polycom cũng đi đến kết luận tương tự khi phát triển sản phẩm RealPresence Centro. Theo đó, cả cấu trúc bên ngoài và âm thanh bên trong đều được tối ưu để cuộc họp diễn ra “trong một vòng tròn” thay vì sử dụng những chiếc bàn dài như một đường bowling truyền thống.
Đây là một ví dụ nữa cho thấy mục tiêu thúc đẩy sự hữu ích của sản phẩm bằng cách giảm độ phức tạp, thay vì cứ thêm vào những tính năng chồng chéo. Sau cùng, mục đích của bất kì một sản phẩm hay một thiết kế vật lý nào không phải là để thu hút sự chú ý mà là để trở nên đơn giản, một khía cạnh khác của nhỏ bé.
Từ đó mang lại trải nghiệm tự nhiên hơn.
Những thói quen nhỏ bé
Thói quen nhỏ bé cũng mang lại rất nhiều lợi ích. Chúng có thể đơn giản là những việc như xem thể thao cùng bạn bè, ngủ đủ giấc mỗi đêm hay ghi lịch hẹn vào dòng đầu tiên của sổ ghi nhớ. Kể cả việc nghĩ về kế hoạch ngày mai trong khi tắm cũng rất thú vị.
Như Charles Duhigg đã viết trong cuốn The Power of Habit, điều lớn lao như một cuộc sống hạnh phúc không diễn ra, bởi chúng ta khăng khăng với mục tiêu đạt được nó, nó diễn ra bằng cơ chế tự khớp nối khi con người ta chủ động tạo ra những thói quen nhỏ và tích cực.
Một số thói quen nhỏ sẽ đến với bạn rất tự nhiên. Một số tự đến theo thời gian và chúng ta sẽ nhận ra thói quen nào có ích và thói quen nào thì không.
Chia sẻ về trải nghiệm của mình, Ed Catmull cho biết, ông đã tìm ra một trong những thói quen nhỏ bé lớn nhất của mình là khi bất kì một cuộc họp hay bài thuyết trình nào kết thúc, ông luôn nghĩ về nhân vật “quan trọng” nhất trong đội ngũ của đối tác và hỏi người thuyết trình một câu hỏi: “Người đó nghĩ gì?”.
Hỏi câu đó mang đến cho Ed Catmull 2 điều.
Thứ nhất, nó buộc ông phải phát triển thói quen nhỏ, nhưng đầy sức mạnh là nhớ tên và mặt của những người tham dự.
Thứ hai, Ed Catmull luôn kì vọng nhân viên của mình có thể lấy được dữ liệu, phản ứng của tất cả thành viên đối tác hơn là quyết định một cách rời rạc, thiếu căn cứ toàn diện.
Tìm ra một giải pháp lớn chỉ trong một bước nhảy luôn là điều nhiều người muốn. Trong khi trường hợp đó có thể xảy ra thì giải pháp, quyết định tốt nhất sẽ thường đến từ những thói quen, cách tân và thiết kế nhỏ bé, từ từ.
Đi theo những thứ nhỏ bé không đồng nghĩa với việc bạn không thể vươn đến những điều lớn lao. Nó có nghĩa là khi bạn đã có trong tay một thứ lớn lao rồi, nhiều khả năng bạn sẽ còn đạt đến những thứ lớn hơn nữa.
Theo Trí Thức Trẻ