Để vươn đến vị trí lãnh đạo, chúng ta cần phải đứng đầu trong việc thể hiện khả năng của mình. Để đạt được điều đó, ta cần tối ưu hoá khả năng tư duy, đồng nghĩa với tối ưu hoá bộ não của chính mình.
Công ty đầu tư Arowana có trụ sở tại Melbourne, Úc, hiện đang mở rộng sang London, Los Angeles và châu Á, bắt buộc đội ngũ lãnh đạo phải có “thần kinh nhanh nhạy là linh hoạt”, đó là tôn chỉ của Kevin Chin, chủ tịch công ty này. Năm ngoái, vị doanh nhân này bắt đầu làm việc với Tara Swart, một nhà thần kinh học, hướng dẫn điều hành và giảng viên tại trường Đại học Quản trị Sloan thuộc Viện Công nghệ Massachusetts. Hiện nay, ông cũng đang mở rộng khoá huấn luyện đó cho những nhân viên nắm giữ vị trí lãnh đạo trong công ty của mình.
Mối quan tâm trong việc áp dụng khoa học thần kinh vào kinh doanh đã được gắn kết với nhau trong nhiều thập kỷ. Tối ưu hoá tư duy đòi hỏi một bộ não khoẻ mạnh, do đó, các hoạt động có liên quan đến não bộ như ăn, ngủ, cấp nước và tập thể dục là rất quan trọng.
Một bộ não được cung cấp đầy đủ dưỡng chất, nghỉ ngơi điều độ rất cần thiết cho sự phục hồi tinh thần và hiệu suất làm việc. Để cải thiện hai điều này, hãy luyện tập cho trung tâm thần kinh hoạt động theo bốn chiều hướng sau đây.
1. Sự dẻo dai
Tất cả mọi thứ bạn từng trải qua trong đời đã đúc kết, định hình não bộ, hành vi và thói quen của bạn. Nhưng những hành vi và thói quen đó có thể không tối ưu. Bằng cách tập trung chú ý và liên tục thực hành các hành vi mới, người lãnh đạo có thể chuyển hướng các nguồn lực về mặt hoá học, vật lý và nội tiết tố để tạo ra hướng tư duy mới.
Học tập các bộ môn có yêu cầu cao về sự tập trung như ngoại ngữ và nhạc cụ là cách tốt nhất để tăng cường sự dẻo dai cho não bộ. Thực tế, khi bạn buộc phải tham gia vào những hoạt động chưa từng trải qua trước đó cũng mang lại lợi ích riêng như bộ não trở nên linh hoạt, dễ điều chỉnh cảm xúc, giải quyết các vấn đề phức tạp và suy nghĩ sáng tạo hơn.
2. Nhạy bén
Nhạy bén là khả năng đặc biệt cần thiết đối với người lãnh đạo, chuyển đổi liền mạch giữa các suy nghĩ khác nhau: từ logic đến trực quan đến sáng tạo. Để đạt được điều này, bạn phải suy nghĩ thật nhanh chóng. Thực tế cho thấy, bộ não có thể suy nghĩ theo các cách khác nhau hoặc tiếp thu nhiều ý tưởng khác nhau.
Tara Swart khuyến nghị nên giải quyết vấn đề liên tục và nhìn nhận chúng từ nhiều góc độ. Các nhà lãnh đạo cũng có thể tận dụng phong cách tư duy đa dạng trong nhóm của mình.
3. Làm chủ tư duy
Những người có tư duy cố định tin rằng trí thông minh và tài năng là có sẵn từ lúc “cha sinh mẹ đẻ”. Những người có tư duy tăng trưởng tự xem mình là những người có trí thông minh và tài năng sau khi trải qua nhiều gian khó. Trong khi tư duy cố định dẫn đến trì trệ thì tư duy tăng trưởng dễ đổi mới và tiến bộ hơn.
Các nhà lãnh đạo với tư duy cố định nên sử dụng tính dẻo dai của não bộ để cố gắng di chuyển sang hướng tư duy tăng trưởng.
4. Sự đơn giản
Khi một thế giới không ngừng phát triển đặt những yêu cầu bất khả thi vào một bộ não có giới hạn, căng thẳng gia tăng là điều tất yếu. Việc đưa ra quyết định vì thế cũng phần nào bị ảnh hưởng. Bà Swart khuyên các nhà lãnh đạo nên luyện tập chánh nhiệm – một hình thức thiền, tập trung vào cơ thể, hơi thở và suy nghĩ của họ trong thời điểm đó – như một cách giảm hóc-môn gây căng thẳng và tăng hình thành nếp gấp trong phần não bộ liên quan đến chức năng điều hành.
Các nhà lãnh đạo biết cách cải thiện chức năng não bộ sau đó có thể áp dụng những bài học đó cho công ty mình, ví dụ, bằng cách tạo ra các chương trình làm việc chức năng chéo, họ giúp nhân viên hình thành sự linh hoạt khi nắm vững kiến thức và kỹ năng không quen thuộc.
Họ cũng có thể sử dụng sự hiểu biết về bộ não để đẩy sự sợ hãi và căng thẳng khỏi nơi làm việc và phát triển lòng tin. Căng thẳng làm tăng đột biết lượng hóc-môn cortisol trong não, làm ảnh hưởng tiêu cực đến suy nghĩ và khả năng kiểm soát cảm xúc.
Ngược lại, nếu bạn đang ở trong môi trường thực sự thú vị, nơi bạn có nhiều hóc-môn oxytocin chảy dọc cơ thể, bạn có nhiều khả năng đưa ra quyết định dựa trên sự phong phú chứ không phải sự khan hiếm hay sống còn.
(Theo Tri Thức Trẻ)