Câu chuyệnCông nghệKinh doanhÔ tô - Xe máy

Sản xuất một mẫu xe hoàn toàn mới không hề dễ dàng – bài học của Tesla

Sản xuất một mẫu xe hoàn toàn mới không hề dễ dàng – bài học của Tesla

Sản xuất một mẫu xe hoàn toàn mới không hề dễ dàng – bài học của Tesla - Ảnh 1.
Tesla ít khi thất bại với các ý tưởng lớn nhưng việc sản xuất một mẫu ô tô đại trà, giá phải chăng với người tiêu dùng lại là một thách thức mà hãng xe này chưa vượt qua được.

Báo cáo kinh doanh quý III năm nay của Tesla vừa ấn tượng, vừa… thất vọng. Lần đầu tiên trong lịch sử 14 năm hình thành và phát triển, nhà sản xuất này có thể bán được 100.000 xe trong một năm. Song, mục tiêu đưa sedan Model 3 mới tới tay đông đảo khách hàng còn quá xa vời. Đây là sản phẩm được kỳ vọng đưa Tesla trở thành nhà sản xuất ô tô đại trà có tầm cỡ, đồng thời chấm dứt thời đại của xe hơi dùng nhiên liệu truyền thống.

Sản xuất một mẫu xe hoàn toàn mới không hề dễ dàng – bài học của Tesla - Ảnh 2.

Chiếc Tesla Model 3. Ảnh: Tesla

Tesla từng cho biết sẽ sản xuất 1.500 chiếc Model 3 trong tháng 9. Nhưng kể từ khi chính thức được giới thiệu hồi tháng 7 đến nay, họ chỉ sản xuất chưa đến 300 chiếc.

Như vậy, mục tiêu sản xuất được 20.000 xe/tháng trước tháng 12 gần như vô vọng. Kỳ vọng của CEO Elon Musk rằng sẽ sản xuất được 500.000 xe/năm trước cuối năm 2018 có lẽ cũng chẳng khá hơn.

Điều này có nghĩa, trong vài năm tới, có thể công ty sẽ không hoàn thành được lượng đơn đặt hàng lên tới nửa triệu chiếc Model 3, dẫn đến quan ngại rằng hãng sẽ phải bồi hoàn lại một lượng không nhỏ tiền khách hàng đã đặt cọc (1.000 USD/chiếc).

Mối đe dọa đó là có thật. Nhưng thị trường có vẻ không bận tâm khi cổ phiếu của Tesla đã tăng 65% trong năm 2017 và vầng hào quang của thương hiệu chẳng hề bị sứt mẻ.

Song, điều này cũng cho thấy bức tranh chân thực hơn về Tesla: một nhà sản xuất ô tô đáng ra phải làm được điều cơ bản nhất – sản xuất xe hàng loạt – nhưng thực tế lại không được như vậy.

Tại sao việc sản xuất Model 3 tệ đến vậy, trong khi Tesla đang rất tham vọng? Theo Business Insider, có 5 lý do chính:

1. Con số trên giấy

Sản xuất một mẫu xe hoàn toàn mới không hề dễ dàng – bài học của Tesla - Ảnh 3.

Con số chỉ là để gây ấn tượng. Ảnh: Bill Pugliano/Getty Images

Tesla có một lịch sử… “hứa thật nhiều, thất hứa thật nhiều”. Khách hàng và nhà đầu tư thường tha thứ cho nhà sản xuất ô tô Mỹ về chuyện này, phần lớn là bởi họ hiểu rằng, nếu công ty “hứa ít làm nhiều” thì thường lại… chẳng làm gì cả.

“Bình thường” không có trong “từ điển” của Tesla. Cốt lõi thành công của họ đến nay là nhờ xoáy vào “sự đặc biệt, khác biệt và phi thường”. Hãng tuyên chiến với Chevy Bolt của General Motors, song cuối cùng Tesla đã không thể thực sự nghênh chiến.

Rõ ràng Tesla thường đưa ra những lời hứa hẹn vượt quá khả năng của họ. Nhưng với tỷ phủ Elon Musk, khiêm tốn (hay bám sát thực tế) thì chẳng thể thay đổi thế giới.

Phố Wall cũng chẳng hề bận tâm. Trong hai năm qua, cổ phiếu của Tesla đã biến động mạnh mẽ, song về cơ bản, nó đã tăng 1.200% kể từ khi công ty lên sàn chứng khoán vào năm 2010. Bất chấp thực tế là công ty gần như không có lợi nhuận hàng quý, và bảng cân đối kế toán chỉ đủ giữ công ty “đẹp mã” trước khi tiền có thể bay sạch.

2. Model 3 là sản phẩm hoàn toàn mới

Sản xuất một mẫu xe hoàn toàn mới không hề dễ dàng – bài học của Tesla - Ảnh 4.

Robot đang lắp ráp xe Tesla. Ảnh: Benjamin Zhang/Business Insider

Tesla đã thể hiện được khả năng với mẫu sedan sang trọng Model S và chiếc SUV Model X, khi thiết kế sản lượng khoảng 100.000 xe/năm và công ty gần như sẽ đạt được mục tiêu đó trong năm 2017 này.

Tuy nhiên, Model X cũng có một quãng thời gian sản xuất đầy khó khăn, như chính Musk thừa nhận vào năm 2016: công ty gặp khó khi vừa phải tăng sản lượng vừa phải đảm bảo chất lượng. Chẳng thế mà chiếc xe đã liên tục bị chỉ trích vì lỗi tăng tốc mất kiểm soát hay lỗi túi khí… Model S trải qua điều tương tự. Nay với Model 3, Musk cũng thừa nhận về việc “dẫm phải vết xe đổ”. Có vẻ như, kiểu sản xuất bế tắc đã trở thành “đặc sản” của Tesla.

Các nhà sản xuất ô tô truyền thống đã khá cứng tay trong việc sản xuất hàng loạt. Nhưng Tesla được ví von chỉ là tay nghiệp dư. Song, Musk không cảm thấy sức ép, khi ông mô tả việc sản xuất Model 3 là “vạn sự khởi đầu nan”, có bắt đầu khó thì sau này mới thuận lợi.

Sự tự tin đó có thể chính xác. Nhưng Tesla còn “khởi đầu nan” trong cả việc “học tập”. Tức là, họ không thực sự biết cách sản xuất chiếc Model 3. Công ty đã nhảy cóc giai đoạn thử nghiệm, để đi ngay vào sản xuất. Trong khi đó, Model 3 thực sự quá mới để mạo hiểm như vậy. Bởi nếu như các nhà sản xuất ô tô truyền thống đã tận dụng được quy mô sản xuất, tức là làm những chiếc xe giá rẻ hơn với khối lượng sản xuất lớn, thì Tesla lại chưa từng làm được điều đó.

3. Tesla đang tận hưởng sự kiên nhẫn

Sản xuất một mẫu xe hoàn toàn mới không hề dễ dàng – bài học của Tesla - Ảnh 5.

Thương hiệu có lẽ là tài sản giá trị nhất của Tesla. Bán khống (kiểu giao dịch mà bên bán đặt lệnh bán trong khi không thực sự có hàng) chắc chắn không phải thứ bền chắc. Nhiều nhà phân tích cho rằng Musk là một kẻ huênh hoang. Éo le thay, dường như đang có nhiều tín đồ của Tesla lại chết mê cái sự huênh hoang ấy.

Tesla biết điều đó. Nhiều năm xây dựng thương hiệu đã mang lại cho Tesla lợi thế rất lớn. Thẳng thắn mà nói, công ty đang thoải mái tận hưởng niềm tin của công chúng.

Để tiếp tục sử dụng dài hạn, Musk đương nhiên không ngồi không để tận hưởng. Người tiêu dùng sẽ khó có thể nhìn toàn cảnh, khi họ được ru ngủ bằng liều thuốc an thần: chạy “xe xanh” để cứu lấy hành tinh – mái nhà của bạn.

Không giống như hầu hết các công ty khác, thậm chí cả với Thung lũng Silicon, Tesla thực sự mang trên mình sứ mệnh khiến người ta khó lòng chỉ trích. Điều quan trọng là, Tesla đã giành được sự tin tưởng này bằng cách “hoàn trả tương xứng” cho những ai sẵn sàng đồng hành cùng họ.

4. Tesla không thực sự sản xuất hàng loạt Model 3

Sản xuất một mẫu xe hoàn toàn mới không hề dễ dàng – bài học của Tesla - Ảnh 6.

30 chiếc xe Tesla đang chờ giao hàng. Ảnh: Tesla

Đúng lúc là một trong những yếu tố then chốt để một sản phẩm thành công, ngay cả với một phương tiện không đắt và dễ làm. Năm 2011, khi thảm họa sóng thần và nhà máy điện hạt nhân xảy ra ở Nhật Bản, chuỗi cung ứng của Toyota và Honda bị gián đoạn đã gây nên sự suy giảm sản xuất trên toàn thế giới.

Xét theo tiêu chuẩn sản lượng của ngành công nghiệp ô tô thì Tesla chỉ là công ty khiêm tốn. Nhà máy ở California chưa thực sự đi vào sản xuất, để trống thị trường Trung Tây và miền Nam. Có thể nói, mãi đến gần đây, công ty mới đạt được trạng thái “làm việc” đúng nghĩa với tư cách một công ty ô tô. Về cơ bản, lịch sử sản xuất của hãng chỉ là những mảnh ghép rời rạc. Chẳng hạn, chiếc Model X đã phải thiết kế lại ghế sau và cửa sau chỉ vài tháng trước khi được tung ra thị trường vào năm 2015.

Ngay cả khi Tesla đạt được mục tiêu làm ra 1.500 chiếc Model 3 trong tháng 9, thì vẫn còn cả chặng đường dài để sản xuất thực sự đáp ứng nhu cầu. Con số ít ỏi đạt được đến nay, mà công ty mô tả là “nút thắt cổ chai”, cho thấy từ việc làm ra chiếc xe đến sản xuất hàng loạt mất nhiều thời gian hơn dự kiến.

Nếu Tesla không có mức sản xuất tệ hại như vậy, chúng ta vẫn có thể miễn cưỡng chấp nhận rằng công ty có khả năng, và họ chỉ “căn thời gian” hơi sai chút. Nhưng đáng tiếc, rõ ràng là việc “đốt cháy giai đoạn” không mang lại hiệu quả.

5. Model 3 trông đơn giản hơn Model S và Model X, nhưng có đúng vậy không?

Sản xuất một mẫu xe hoàn toàn mới không hề dễ dàng – bài học của Tesla - Ảnh 7.

Rẻ hơn có thực đơn giản hơn? Ảnh: Tesla

Tesla thiết kế Model 3 để chứng minh rằng có thể sản xuất một mẫu xe điện tốt với quy trình đơn giản hơn và rẻ hơn. Nhưng nếu nhìn từ các đối thủ như Chevy Bolt, Nissan Leaf, rõ ràng là mẫu xe mới của Tesla cần phải “đơn giản” hơn nữa.

Để làm ra một chiếc xe điện có thể tiếp cận thị trường nhanh chóng, sản xuất dễ dàng, và giá bán dưới 40.000 USD, các nhà sản xuất khác chỉ việc ứng dụng quy trình sản xuất xe xăng lên xe điện kèm theo điều chỉnh phù hợp. Chiếc Bolt không ôm đồm quá nhiều chuyện tương lai. Chiếc Leaf cũng chỉ sở hữu một không gian nội thất thông thường. Và nhìn từ bề ngoài, chúng cũng không thực sự khác so với những người anh em chạy xăng.

Trong khi đó, Tesla cố gắng loại bỏ các chi tiết trên bảng điều khiển Model 3 càng nhiều càng tốt, tạo nên một cảm giác đơn giản, gọn gàng. Nhưng lại không cần thiết. Bởi con người đã quen với sự phức tạp hiện tại, nên đơn giản hóa chưa chắc đã thực sự đơn giản.

Có thể trong tương lai, sự đơn giản hóa của Tesla sẽ ghi điểm. Nhưng con người thường cần thời gian để thích ứng với cái mới, và do đó, công ty sẽ phải chấp nhận “đau đớn” trong ngắn hạn.

Theo Minh Ngọc

Trí Thức Trẻ

Comments

comments

Tags

CHỦ ĐỀ LIÊN QUAN

Trả lời

Close